Thứ Sáu, 15/03/2024 09:02

Làm sao để dòng vốn diễn ra trôi chảy với chi phí thấp nhất?

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, các ngân hàng đã giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhằm kích cầu kinh tế, thế nhưng tín dụng trong tháng đầu năm 2024 lại tăng trưởng âm. Vấn đề đặt ra là làm sao để tiền chảy vào đúng nơi cần một cách hiệu quả?

Tín dụng tăng trưởng âm, ngân hàng tăng cường gói vay ưu đãi

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13.71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0.6% so với cuối năm 2023.

Lý giải nguyên nhân tín dụng tháng đầu năm tăng trưởng âm, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng vẫn gặp khó khăn và giảm so với cuối năm 2023, do khó khăn của nền kinh tế, nhất là cho vay tiêu dùng; cầu tín dụng của nền kinh tế giảm do cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh giảm; một số nhóm khách hàng (nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa) có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý; quy luật mùa vụ… Tăng trưởng tín dụng giảm trong bối cảnh giảm chung của nền kinh tế chứ không phải giảm do cơ chế chính sách hay hoạt động cho vay của các ngân hàng.

Phó Giám đốc chi nhánh một ngân hàng có hội sở tại TPHCM cho biết, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp hiện nay chưa có nhiều đột phá so với trước Tết Nguyên đán, có thể phải đợi đến hết quý 1 tình hình mới cải thiện.

Từ đầu năm 2024, để tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng đã tăng cường các gói cho vay với lãi suất ưu đãi. Chẳng hạn như Agribank đã 2 lần giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0.3-0.5% và 1 lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với mức giảm từ 0.5-1%. Hiện, lãi suất cho vay bình quân của Agribank giảm 0.42%/năm so thời điểm đầu năm 2023 và giảm 0.13% so với thời điểm đầu năm 2024.

Ngay trong tháng 01/2024, Agribank đã triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất với quy mô 60,000 tỷ đồng cho nhiều đối tượng khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân với mức lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-2.5%/năm.

Trong khi đó, Vietcombank triển khai lãi suất cho vay chỉ từ 5.3%/năm đối với các khoản vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn và lãi suất chỉ từ 6.5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (khách hàng SME).

Đối với khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ô tô hoặc vay tiêu dùng, lãi suất vay ưu đãi trong 6 tháng đầu chỉ từ 6%/năm với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng). Với các khoản vay trung - dài hạn, lãi suất ưu đãi là 6.3%/năm trong 6 tháng đầu.

VietinBank dành cho các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng với quy mô 100,000 tỷ đồng. Từ 12/01-30/04/2024, khách hàng vay sản xuất kinh doanh, tiêu dùng sẽ được VietinBank hỗ trợ mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5.7%/năm với khoản vay ngắn hạn, mức lãi suất cho vay từ 6.4%/năm với khoản vay trung, dài hạn.

Ngày 27/02/2024, PVcomBank triển khai gói tín dụng 2,000 tỷ đồng đến hết 31/12/2024 dành cho khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô trên thị trường quốc tế. Lãi suất vay chỉ từ 7.5%/năm, áp dụng cho đa dạng đối tượng khách hàng hoạt động về xuất - nhập khẩu như: xuất khẩu gạo, thịt, thủy sản, cà phê, nông sản, đồ thủ công…; nhập khẩu đồ uống, đồ gia dụng, máy móc, thiết bị điện tử, mỹ phẩm, xăng dầu, vật liệu xây dựng…

BVBank triển khai 2,600 tỷ đồng vốn dành cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đến hết 31/03/2024. Gói 2,000 tỷ đồng vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi 6.5%/năm, cố định 3 tháng; 6.9%/năm, cố định 5 tháng; 7.3%/năm, cố định 6 tháng; 8%/năm, cố định 9 tháng. Gói 600 tỷ đồng cho vay trung dài hạn, BVBank ưu đãi lãi suất 0% tháng đầu, các tháng tiếp theo chỉ từ 6.5%/năm.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, một số doanh nghiệp vẫn chưa tiếp xúc được lãi suất mong muốn. Có 2 yếu tố làm cho lãi suất cho vay hiện nay vẫn chưa thấp như kỳ vọng.

Thứ nhất, rủi ro của người đi vay đang ở mức cao. Tình hình kinh tế, dù theo Tổng Cục Thống kê trong 2 tháng vừa qua khả quan, nhưng dường như vẫn chưa ổn định. Chính vì thế, nói chung, nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng trì trệ và rủi ro của người đi vay cũng tăng cao.

Khi rủi ro người đi vay tăng thì lãi suất không thể giảm, vì một trong những cấu phần của lãi suất là sự bù trừ cho rủi ro. Nếu rủi ro tăng thì phần bù trừ này tăng theo. Cũng vì vậy, một bộ phận người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa tiếp xúc được mức lãi suất ưu đãi.

Doanh nghiệp xoay vốn thế nào nếu không tiếp cận được kênh ngân hàng?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế dự báo, có thể đến hết tháng 4, các ngân hàng Việt Nam vẫn giữ xu hướng chung giảm lãi suất cho vay. Lãi suất huy động sẽ khó giảm thêm được nữa, vì hiện nay lãi suất huy động đã xuống khá thấp.

Thực tế, một số doanh nghiệp vẫn đang được ngân hàng chào mức lãi suất vay khá cao. Lý do là doanh nghiệp đó bị đánh giá có rủi ro cao hoặc mức độ tín nhiệm thấp đối với ngân hàng, nên phải đưa mức lãi suất tương đối cao, để đảm bảo nhu cầu dự phòng của ngân hàng.

Tuy nhiên, việc này lại cũng xuất hiện 2 mặt tích cực và tiêu cực.

Về mặt tích cực, nếu doanh nghiệp không có uy tín, rủi ro cao, ngân hàng phải áp dụng khung lãi suất cho vay cao, từ đó mới có đủ cơ sở để tăng dự phòng rủi ro.

Ở hướng ngược lại, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên rủi ro trả được nợ cao, tín nhiệm thấp. Nếu doanh nghiệp có được nguồn vốn giá rẻ để kinh doanh, sản xuất thì sẽ có thể tăng trưởng tốt hơn, khả năng trả nợ cao hơn.

Ở phía ngân hàng thương mại, nguyên tắc là khi rủi ro cao thì lãi suất áp dụng phải cao. Như vậy, nếu không tiếp cận được dòng vốn từ ngân hàng , tùy doanh nghiệp, vẫn có thể tiếp cận được các dòng vốn từ nguồn khác như phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc phát hành cổ phiếu bổ sung.

Với các doanh nghiệp nhỏ, tùy lĩnh vực, ngành nghề, có thể huy động vốn bổ sung từ khách hàng, người mua sản phẩm trong tương lai, ví dụ như bất động sản có thể huy động từ người mua, người bán, đối tác.

Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu vẫn phải từ nội tại doanh nghiệp, phải tái cấu trúc tài chính, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm thiểu chi phí không cần thiết. Đồng thời, làm sao để dòng chảy của tiền diễn ra trôi chảy với chi phí thấp nhất. Lúc đó, dòng tài chính của doanh nghiệp tốt, sẽ tăng cường khả năng tiếp cận ngân hàng.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, việc tìm kiếm thêm các nguồn vốn khác, các doanh nghiệp đã sốt sắng trong thời gian qua.

Đối với doanh nghiệp lớn hoặc đã niêm yết trên sàn chứng khoán, có nhiều lựa chọn như: Huy động trái phiếu quốc tế, phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn hoặc nhận những nguồn tài trợ nước ngoài, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, kênh ngân hàng gần như là phao cứu sinh duy nhất ở thời điểm hiện tại. Nếu không có kênh này, khả năng cao doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn khác. Kênh tín dụng đen lãi suất rất cao và nhiều rủi ro cho chính doanh nghiệp đó.

Ở phía doanh nghiệp, bà Hồ Trúc Lam - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Horeca cho biết, do nhu cầu tiêu dùng sau Tết vẫn bình thường, nên tình hình sản xuất kinh doanh vẫn ổn định.

“Do vẫn kỳ vọng sản xuất tốt hơn trong năm nay nên doanh nghiệp lên kế hoạch mở rộng sản xuất những mặt hàng mới phù hợp với nhu cầu tiêu dùng mới. Nếu có nguồn vốn từ ngân hàng là rất tốt, dòng tiền của doanh nghiệp sẽ đỡ áp lực, do hiện nay vốn vay đang khá thấp.

Nếu không có nguồn vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp sẽ xoay vốn từ kêu gọi đầu tư bằng việc bán cổ phần, mời hợp tác đầu tư vào dự án mới hoặc để mở rộng đầu tư dự án mới có thể bán cổ phần từ doanh nghiệp hiện hữu đang kinh doanh tốt”, bà Lam kỳ vọng.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn rục rịch tăng, còn dư địa giảm lãi suất? (08/03/2024)

>   Eximbank trao tặng nhà lắp ghép cho 300 hộ nghèo huyện biên giới Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An (07/03/2024)

>   [Infographics] Toàn cảnh kết quả kinh doanh ngân hàng năm 2023 (15/03/2024)

>   NHNN triển khai lấy ý kiến về cơ chế thử nghiệm đối với hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) (07/03/2024)

>   Động lực chính cho tăng trưởng ngành ngân hàng năm 2024 đến từ đâu? (07/03/2024)

>   Chuyên gia HSC: Lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trưởng trở lại nhưng rủi ro chất lượng tài sản vẫn còn (06/03/2024)

>   Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt có thể được vay đặc biệt (06/03/2024)

>   Liên tục đi lên – Yếu tố nào đang tác động đến tỷ giá? (06/03/2024)

>   Sắp thử nghiệm chấm điểm tín dụng, cho vay ngang hàng  (06/03/2024)

>   Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (05/03/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật