Thứ Năm, 07/03/2024 08:38

NHNN triển khai lấy ý kiến về cơ chế thử nghiệm đối với hoạt động công nghệ tài chính (Fintech)

Sự phát triển nhanh chóng, mở rộng phạm vi của hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) đòi hỏi Việt Nam cần sớm xây dựng quy định về cơ chế thử nghiệm đối với hoạt động này nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ.

Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm là tổ chức tín dụng và công ty Fintech đã được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong thời gian qua, xu hướng phát triển hoạt động công nghệ tài chính được thể hiện rõ nét qua việc các công ty khởi nghiệp công nghệ, các tổ chức không phải là ngân hàng (non-banks) có thế mạnh công nghệ tham gia vào các mảng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính (công ty Fintech) dưới hình thức phát triển các giải pháp hỗ trợ hoạt động ngân hàng mà không trực tiếp cung ứng dịch vụ tới người dùng cuối hoặc trực tiếp cung ứng giải pháp mới một cách độc lập. 

Sự phát triển nhanh chóng, mở rộng phạm vi của Fintech đã khiến cơ quan quản lý tài chính - tiền tệ của nhiều quốc gia phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, giám sát như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT), đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhà đầu tư…

Các mảng, lĩnh vực hoạt động này của các công ty Fintech kể trên hầu hết hiện chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh, do đó có thể tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy tiêu cực trên một số phương diện như cạnh tranh công bằng, ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an ninh mạng.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã có cách tiếp cận chủ động bằng việc thiết lập Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động Fintech nhằm đáp lại sự nổi lên của Fintech với tư cách là các thực thể độc lập (như các công ty khởi nghiệp Fintech) hay với tư cách là giải pháp công nghệ được ứng dụng, triển khai trong cung ứng dịch vụ, giải pháp của các tổ chức tài chính truyền thống. Cơ chế thử nghiệm là một trong những công cụ và cách tiếp cận chính sách ưa thích nhất được rất nhiều nước áp dụng để tăng tốc đổi mới sáng tạo, tăng cường cạnh tranh, nâng cao hiệu quả trong ngành ngân hàng - tài chính thông qua việc cho phép thử nghiệm các giải pháp Fintech bằng những giao dịch thật trong một môi trường có kiểm soát, giới hạn về phạm vi, quy mô, thời gian thử nghiệm. Các giải pháp Fintech tham gia vào Cơ chế thử nghiệm sẽ được đặt dưới sự giám sát thường xuyên, liên tục của cơ quan quản lý ngân hàng - tài chính nhằm hạn chế ở mức thấp nhất rủi ro, hệ lụy phát sinh.

Trong xu hướng và bối cảnh trên, Việt Nam cần sớm xây dựng một khung khổ quản lý dưới hình thức Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm đối với hoạt động Fintech nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ.

Đồng thời, quá trình vận hành khung khổ này cung cấp cơ sở thực tiễn để các cơ quan quản lý nhà nước liên quan sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý, ban hành quy định quản lý theo hướng tạo thuận lợi, thích ứng đối với hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới.

Các chính sách chính của dự thảo Nghị định

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, 06 chính sách đã được NHNN cụ thể hóa thành các quy định chi tiết tại dự thảo Nghị định, cụ thể như sau:

Chính sách 1 về điều kiện đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm được cụ thể hóa thành các quy định về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), đối tượng áp dụng (Điều 2), điều kiện và tiêu chí tham gia Cơ chế thử nghiệm (Điều 9, Điều 10).

Chính sách 2 về triển khai thử nghiệm được cụ thể hóa thành các quy định về các giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được phép thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm (Điều 6), thời gian và phạm vi thử nghiệm (Điều 7).

Chính sách 3 về kiểm soát rủi ro được cụ thể hóa thành các quy định về: Thời gian và phạm vi thử nghiệm (Điều 7); Hoạt động giám sát và kiểm tra quá trình thử nghiệm (Điều 13); Chế độ báo cáo, cung cấp thông tin (Điều 14); Trách nhiệm của tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm (Điều 20); Trách nhiệm tổ chức thực hiện (Điều 21).

Chính sách 4 về đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, chủ thể liên quan được cụ thể hóa thành các quy định về kiểm soát rủi ro, trách nhiệm giải quyết mọi yêu cầu tra soát, khiếu nại của khách hàng trong thời gian quy định của tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm, trách nhiệm đảm bảo an toàn thông tin khách hàng, tài sản trí tuệ… (Điều 15, Điều 20).

Chính sách 5 về xử lý sau thử nghiệm (kết thúc thử nghiệm) được cụ thể hóa thành các quy định về các phương thức xử lý khi kết thúc thử nghiệm, bao gồm dừng thử nghiệm, gia hạn thử nghiệm, chứng nhận hoàn thành thử nghiệm, trình tự, thủ tục khi kết thúc thử nghiệm (Điều 16, 17, 18, 19).

Chính sách 6 về xử lý chuyển tiếp được cụ thể hóa thành Điều khoản chuyển tiếp (Điều 23), trong đó quy định về nguyên tắc ứng xử đối với các tổ chức không tham gia Cơ chế thử nghiệm nhưng vẫn hoạt động, đảm bảo sự công bằng và lợi ích của doanh nghiệp, không ảnh hưởng tới quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo dự thảo, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng là môi trường thử nghiệm việc ứng dụng công nghệ và triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng có giới hạn về phạm vi, không gian, thời gian thực hiện; tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát phải đáp ứng điều kiện, tiêu chí xét duyệt tham gia và chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là Cơ chế thử nghiệm).

Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm là tổ chức tín dụng và công ty Fintech đã được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Động lực chính cho tăng trưởng ngành ngân hàng năm 2024 đến từ đâu? (07/03/2024)

>   Chuyên gia HSC: Lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trưởng trở lại nhưng rủi ro chất lượng tài sản vẫn còn (06/03/2024)

>   Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt có thể được vay đặc biệt (06/03/2024)

>   Liên tục đi lên – Yếu tố nào đang tác động đến tỷ giá? (06/03/2024)

>   Sắp thử nghiệm chấm điểm tín dụng, cho vay ngang hàng  (06/03/2024)

>   Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (05/03/2024)

>   Nam A Bank đặt mục tiêu ROE 2024-2025 tối thiểu 20%, duy trì cổ tức 20% (05/03/2024)

>   Eximbank triển khai chương trình ưu đãi phí, cùng Eximbank chuyển yêu thương-đi muôn phương (06/03/2024)

>   TS. Nguyễn Anh Vũ: Nhiều yếu tố thúc đẩy ngành ngân hàng trong năm 2024 (05/03/2024)

>   Còn nhiều dư địa giảm lãi suất cho vay tại các ngân hàng trong năm 2024 (05/03/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật