Liên tục đi lên – Yếu tố nào đang tác động đến tỷ giá?
Sự biến động mạnh của USD tự do diễn ra khi đồng USD trên thị trường quốc tế và tỷ giá ở thị trường chính thức vẫn ổn định, dường như phản ánh đang có một lực cầu ngoại tệ khá lớn gây sức ép lên thị trường phi chính thức trong nước.
Giá USD tăng vọt
Giá đô la Mỹ trên thị trường tự do liên tục đi lên trong những ngày gần đây. Cụ thể chỉ trong 2 ngày đầu tuần này, giá đồng bạc xanh đã bất ngờ tăng vọt 170 đồng ở chiều mua vào và tăng 230 đồng ở chiều bán ra, theo đó chênh lệch mua bán đã mở rộng từ mức quanh 60-70 đồng trước đây lên 130 đồng. Hiện giá mua vào USD tự do đã leo lên mức 25,540 đồng, còn giá bán ra là 25,670 đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Nối tiếp đà tăng mạnh của tháng 2, xu hướng tăng vọt trong những ngày đầu tháng 3 đã đẩy tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường phi chính thức tăng 900 đồng so với thời điểm đầu năm nay, tương đương mức tăng hơn 3.6%. Đây là mức tăng khá cao nếu nhìn vào tốc độ tăng chỉ xấp xỉ 4.2% của cả năm 2023. Nếu nhìn theo yếu tố mùa vụ, cùng thời điểm này năm ngoái, giá USD tự do thậm chí còn đang ghi nhận mức giảm so với đầu năm.
Đà tăng mạnh của đồng USD ở thị trường tự do diễn ra trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ đổ vào trong nước vẫn đang ở trạng thái khá dồi dào. Theo cập nhật của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/02/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 4.29 tỷ USD, tăng 38.6% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân vào Việt Nam ước đạt 2.8 tỷ USD, tăng 9.8% so với cùng kỳ năm trước.
Ở hoạt động thương mại, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113.96 tỷ USD, tăng 18.6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19.2%; nhập khẩu tăng 18%. Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4.72 tỷ USD, tăng hơn 34% so với mức xuất siêu của cùng kỳ năm 2023 (3.5 tỷ USD). Ngoài ra, 2 tháng đầu năm trùng với dịp tết Nguyên đán cũng là giai đoạn cao điểm dòng tiền kiều hối đổ về rất lớn, với lượng kiều bào đổ về ăn Tết.
Trong khi đó, đồng USD trên thị trường quốc tế cũng không biến động quá mạnh. Chỉ số USD Index trong hơn 1 tháng qua gần như đi ngang trong vùng 103-104 điểm. Dù khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản USD trong cuộc họp tháng 3 này là khá chắc chắn, dựa trên những dữ liệu kinh tế của nước này công bố gần đây về thị trường việc làm và lạm phát, nhưng chỉ số USD Index vẫn khá trầm lắng trong những ngày qua.
Chính vì vậy, diễn biến nổi sóng của đồng USD trên thị trường tự do những ngày qua là khá bất ngờ, nhất là khi thị trường chính thức vẫn đang khá ổn định. Cụ thể, tỷ giá trung tâm USD/VNĐ sáng ngày 06/3 nằm ở mức 24,017, tăng 15 đồng so với tháng trước và tăng 131 đồng, tương đương tăng 0.55% so với đầu năm. Trong khi đó, giá USD giao dịch tại các ngân hàng so với đầu năm tăng 1.8% so với đầu năm, nhưng mức tăng cũng chủ yếu tập trung trong tháng 2, còn những ngày đầu tháng 3 này chỉ tăng nhẹ 40 đồng.
Yếu tố nào đang tác động?
Sự biến động mạnh của USD tự do diễn ra khi đồng USD trên thị trường quốc tế và tỷ giá ở thị trường chính thức vẫn ổn định, dường như phản ánh đang có một lực cầu ngoại tệ khá lớn gây sức ép lên thị trường phi chính thức trong nước. Một số ý kiến phân tích cũng cho rằng giá USD trong nước tăng mạnh trong thời gian qua được cho là do cung cầu chi phối.
Nếu quan sát cũng sẽ thấy đà tăng vọt của USD tự do trong những ngày qua khá tương đồng với diễn biến leo thang của các tài sản khác như vàng và các đồng tiền ảo. Giá vàng thế giới đã thiết lập kỷ lục mới khi chạm mốc 2,140 USD/ounce trong ngày 05/03. Chỉ trong 3 ngày giao dịch đầu tháng 3 này, giá kim loại quý này đã tăng gần 5%. Sự đi lên của thị trường này diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương vẫn liên tục mua vàng vào và kỳ vọng Fed sẽ sớm giảm lãi suất trong năm nay.
Nếu quan sát cũng sẽ thấy đà tăng vọt của USD tự do trong những ngày qua khá tương đồng với diễn biến leo thang của các tài sản khác như vàng và các đồng tiền ảo. Giá vàng thế giới đã thiết lập kỷ lục mới khi chạm mốc 2,140 USD/ounce trong ngày 05/3. Chỉ trong 3 ngày giao dịch đầu tháng 3 này, giá kim loại quý này đã tăng gần 5%.
|
Tương tự, giá vàng trong nước cũng liên tục nổi sóng trong những ngày qua. Giá vàng miếng SJC trong đầu ngày 06/03 đã vọt lên mốc 81 triệu đồng/ lượng, cao nhất từ trước đến nay. Hiện giá vàng trong nước đang cao hơn 17 triệu đồng so với giá vàng thế giới quy đổi. Với mức chênh lệch cao như vậy, khả năng lực cầu thu mua ngoại tệ để nhập lậu vàng ăn chênh lệch là có thể xảy ra. Cũng có ý kiến cho rằng trước những kỳ vọng về việc nhà điều hành sẽ sớm sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng chính thức nối lại hoạt động nhập khẩu vàng đế đáp nhu cầu trong nước, khi đó sẽ cần một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, cũng có thể thúc đẩy hoạt động đầu cơ tỷ giá ngắn hạn.
Ngoài ra, là một trong những quốc gia có lượng nhà đầu tư tham gia thị trường tiền ảo lớn, diễn biến đồng Bitcoin nói riêng và thị trường tiền số nói chung tăng vọt trong những ngày qua, cũng có thể tác động đến tỷ giá trong nước. Đồng Bitcoin liên tục lập kỷ lục mới, với mức cao nhất trên 68,300 USD/BTC đạt được trong ngày 04/03. Việc các quỹ ETF Bitcoin được phê duyệt đầu năm nay và liên tục hút vốn trong những tuần qua đã thúc đẩy đồng Bitcoin đi lên mạnh mẽ, tuy nhiên giới đầu tư còn đang chờ đợi sự kiện lớn hơn là Bitcoin halving (chia đôi Bitcoin) lần thứ 4 sẽ diễn ra vào tháng 4 tới.
Bitcoin Halving là sự kiện liên quan đến việc phần thưởng khối của thợ đào bị giảm một nửa, nhằm làm giảm tỷ lệ lạm phát của Bitcoin trong tương lai. Cụ thể, Bitcoin có nguồn cung được giới hạn tại 21 triệu BTC. Quá trình tạo ra BTC mới sẽ chấm dứt khi tổng số BTC đạt đến mức 21 triệu. Cơ chế chia đôi Bitcoin đảm bảo rằng lượng Bitcoin khai thác trên mỗi khối sẽ giảm theo thời gian, làm cho Bitcoin trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn. Quá khứ 3 lần chia đôi trước cho thấy giá Bitcoin thường tăng rất mạnh sau mỗi sự kiện Bitcoin Halving, nên các nhà đầu tư kỳ vọng lần này cũng không ngoại lệ.
Và việc các nhà đầu tư trong nước nhảy vào thị trường tiền ảo với tâm lý FOMO khi chứng kiến xu hướng tăng mạnh cũng có thể làm tăng nhu cầu ngoại tệ chuyển ra các sàn giao dịch ở nước ngoài để đầu tư. Dù không có con số chính thức công bố lượng ngoại tệ đã chuyển ra nước ngoài để đầu tư vào các thị trường tiền số trong những năm qua, nhưng như đã nói với lượng nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam tham gia không nhỏ vào hình thức đầu tư này, nhu cầu tăng đột biến vào những thời điểm nhất định có lẽ cũng không nhỏ.
Phan Thụy
FILI
|