Góc nhìn 27/02: Khả năng rung lắc tiếp diễn trong ngắn hạn?
Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng xu hướng ngắn hạn của VN-Index sẽ nhiều khả năng sẽ vẫn tích cực nhưng trong ngắn hạn sẽ có sự rung lắc.
Thị trường khả năng tiếp tục rung lắc?
CTCK BIDV (BSC): VN-Index hồi phục trong ngày 26/02 và kết phiên tại mốc 1,224.17 điểm, tăng hơn 12 điểm so với hôm qua. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 13/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành hóa chất dẫn đầu đà tăng, theo sau là ngành công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính,…
Về giao dịch của khối ngoại, phiên 26/02 khối này mua ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX. Dòng tiền bắt đáy đã xuất hiện tại ngưỡng 1,210 nhưng thanh khoản sụt giảm mạnh so với phiên trước, cho thấy tâm lý thị trường còn e dè.
Trong ngắn hạn, VN-Index có thể hồi phục trở lại sau nhịp điều chỉnh về ngưỡng 1,250 điểm, tuy nhiên sẽ không tránh khỏi rung lắc.
Thị trường cần lực cầu mạnh hơn
CTCK Đông Á (DAS): Thị trường chỉ mới điều chỉnh một phiên (23/02) thì dòng tiền đã nhập cuộc như sợ lỡ cơ hội. VN-Index tiếp tục xu hướng tăng lên vùng 1,250 điểm với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi lực cầu vào nhóm này rất mạnh. Nhóm VN30 dẫn dắt thị trường.
Trong phiên 26/02, chứng kiến sự bứt phá của cổ phiếu thủy sản sau số liệu thống kê xuất khẩu thủy sản tăng mạnh vào thị trường Trung Quốc. Các nhóm giao dịch nổi bật khác là hóa chất và chứng khoán. Thanh khoản thị trường ở mức cao, khối ngoại mua ròng nhẹ, tuy nhiên để thị trường tiếp tục đi lên thì những phiên tiếp theo lực cầu phải đủ mạnh để hấp thu khối lượng lớn cổ phiếu khớp lệnh giá cao trong phiên điều chỉnh vừa qua.
Năm 2024 được dự báo khá thuận lợi cho thị trường chứng khoán khi môi trường kinh tế vĩ mô đang hỗ trợ cho thị trường: Hai nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán hưởng lợi từ lãi suất thấp; các giải pháp thúc đẩy đầu tư công mang đến kỳ vọng cho nhóm xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng và bất động sản.
1,250 điểm tiếp tục là ngưỡng cản ngắn hạn?
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Ngưỡng 1,250 điểm sẽ tiếp tục là ngưỡng cản mạnh mà VN-Index không dễ vượt qua trong ngắn hạn. Về trung hạn rất có thể VN-Index đã chạm ngưỡng trên của kênh tích lũy và bắt đầu phân phối để bước vào nhịp giảm (trong ngắn hạn vẫn có thể có phục hồi).
Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, VN-Index dù hồi phục nhưng để có thể vượt qua cản mạnh 1,250 điểm, CTCK cho rằng thị trường sẽ tiếp tục có những vận động bất thường trong thời gian tới theo hướng rũ bỏ mạnh và tích lũy lại trong thời gian đủ dài và do vậy CTCK không đánh giá cao khả năng VN-Index sớm vượt 1,250 điểm.
Nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng ở giai đoạn hiện tại bởi VN-Index đang vận động ở vùng điểm số cao trong kênh tích lũy trung hạn và đã phát tín hiệu điều chỉnh nên rủi ro ngắn hạn đang tăng lên.
Về góc nhìn trung hạn, sau giai đoạn giảm sâu thì thị trường cần vận động để tiến tới vùng cân bằng mới và tích lũy lại. VN-Index đang dần vận động để hình thành kênh tích lũy rộng trung hạn 1,150 - 1,250 điểm và hiện VN-Index gần như tiệm cận vùng cản trên của kênh tích lũy này nên rủi ro trung hạn đang tăng lên.
Tiếp tục duy trì xu hướng tích cực
CTCK Beta (Beta): Thị trường ngày 26/02 quay đầu phục hồi khá tích cực sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần trước. VN-Index lấy lại sắc xanh khi tăng 12,17 điểm (+1%), thanh khoản có phần suy yếu khi giảm 30.55% so với phiên trước, tuy nhiên vẫn duy trì trên mức bình quân 20 phiên giao dịch. Khối ngoại đảo chiều trạng thái sang mua ròng hơn 32 tỷ sau 2 phiên bán ròng mạnh mẽ. Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index tiếp tục duy trì xu hướng tích cực khi nằm trên các đường trung bình cơ bản.
Phiên phục hồi 26/02 giúp VN-Index tích lũy hướng đến tiếp cận vùng kháng cự mạnh tại 1,250 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật như MACD, SAR và cặp (DI+,DI-) vẫn duy trì trạng thái tích cực. Ngoài ra, chỉ báo RSI duy trì trạng thái tiệm cận vùng quá mua, do vậy các rủi ro rung lắc/điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn có thể xảy ra. Hiện tại, vùng 1,190 – 1,200 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index.
Trong phiên giao dịch ngày 27/02, dưới tín hiệu hồi phục tích cực trong phiên giao dịch 26/02, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục phục hồi hướng đến vùng đỉnh cao nhất trong 1 năm tại 1,250 điểm. Tuy nhiên, không ngoại trừ khả năng những đợt rung lắc,điều chỉnh với áp lực chốt lời sau phiên phục hồi xuất hiện dẫn đến các tín hiệu giằng co trong phiên.
Nhà đầu tư nên thận trọng hạn chế mua đuổi các cổ phiếu có trạng thái tăng nóng, thay vào đó lưu ý đến các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực và có nền tích lũy tốt để bảo toàn sức mua. Đối với nhà đầu tư trung dài hạn và có tỷ lệ tiền mặt cao có thể xem xét tích lũy cổ phiếu trong các nhịp điều chỉnh.
Đối mặt với nhịp điều chỉnh
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Mặc dù khả năng VN-Index đối mặt với nhịp điều chỉnh ngắn hạn vẫn đang hiện hữu, xu hướng tăng vẫn đang được xác nhận cho VN-Index với cơ hội hồi phục trở lại tại các vùng hỗ trợ đáng lưu ý, gần là quanh 1,200 (+/-5) điểm và xa hơn là quanh 1,170 (+/-10) điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị trải lệnh mua từng phần khi chỉ số hoặc các mã mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ, đặc biệt là các điểm đỡ tương ứng với vùng quanh 1,170 điểm của VN-Index.
Sớm thắt chặt biên độ
CTCK Asean (Aseansc): Chỉ số chững lại với biên độ thắt chặt, đây là tín hiệu phục hồi kỹ thuật đơn thuần sau một phiên bán hoảng loạn. Lực cung không có dấu hiệu bung ra thêm, dòng tiền có sự dịch chuyển len lỏi tại một nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Nhịp điều chỉnh từ phiên bán ngày thứ 6 nhưng chỉ số đã quay trở lại tăng sau khi chạm về mốc kiểm định MA10.
Aseansc kỳ vọng thị trường sẽ sớm thắt chặt biên độ trở lại trong tuần này và kỳ vọng vùng 1,190 – 1,210 điểm sẽ trở thành vùng cân bằng. Do vậy, Aseansc khuyến nghị mua khi thị trường quay trở lại vùng hỗ trợ 1,190 – 1,210 điểm.
Dòng tiền tích cực
CTCK Vietcombank (VCBS): Về góc nhìn kỹ thuật, ở khung đồ thị ngày, VN-Index phục hồi trở lại sau khi chạm đường Tenkan cho thấy thị trường vẫn đang trong xu hướng chính tăng điểm, chỉ báo dòng tiền CMF sau khi gần chạm mốc 0 đã có diễn biến tăng trở lại vào phiên hôm nay cho thấy dòng tiền vẫn đang tích cực tham gia thị trường với kỳ vọng VN-Index đạt mốc 1,250 điểm trong ngắn hạn.
Ở khung đồ thị giờ, VN-Index đang bật lên từ dải Bollinger band dưới, còn RSI đang hướng lên từ mốc 52 và đường ADX vẫn đang neo ở mốc 36 cùng với việc DI+ hướng lên trở lại giúp củng cố cho nhận định trên.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư nên chốt lời đối với các mã cổ phiếu đã đạt mục tiêu và có dấu hiệu hụt hơi để cơ cấu danh mục sang nắm giữ cổ phiếu thuộc các nhóm ngành đang thu hút dòng tiền tích cực trong một số phiên trở lại đây như chứng khoán, thủy sản, hóa chất.
Đi ngang
CTCK Shinhan Việt Nam (SSV): Xu hướng tăng vẫn tiếp tục duy trì nhưng các chỉ báo động lượng giá đã thể hiện sự suy yếu. Trong kịch bản cơ sở, VN-Index sẽ đi ngang tạo nền quanh vùng 1,220 điểm, chờ đường EMA 20 nâng lên, để lấy đà chinh phục đỉnh cũ 1,250 điểm. Tuy nhiên, vẫn có khả năng thị trường giảm về vùng 1,200 điểm tương ứng EMA 20 để test lại.
Lực cầu duy trì vững chắc ở vùng giá thấp
CTCK Tiên Phong (TPS): Trong phiên hôm nay (26/02), chỉ số VN-Index đã thành công khi lấy lại gần hết số điểm giảm trong phiên trước, cho thấy lực cầu duy trì ở vùng giá thấp khi chỉ số có sự điều chỉnh là khá vững chắc. Vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index là 1,160 - 1,180 điểm và vùng kháng cự gần nhất là 1,230 - 1,240 điểm.
Rủi ro điều chỉnh hiện hữu
CTCP Phú Hưng (PHS): Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm trở lại. Khối lượng giao dịch tuy có suy giảm so với phiên trước đó nhưng giữ trên mức bình quân 20 phiên, hàm ý dòng tiền vẫn ở lại thị trường.
Mặt khác, chỉ số duy trì đóng cửa trên MA20 và 50 hướng lên tích cực, cùng với ADX nằm trên 35 và +DI nằm trên –DI, thể hiện xu hướng phục hồi ngắn hạn vẫn tiếp diễn, với mục tiêu gần quanh đỉnh cũ 1,250 điểm. Tuy nhiên, chỉ số chưa thoát khỏi áp lực của MA5, cùng với MACD có dấu hiệu thu hẹp trở xuống với Signal thể hiện sức mua có phần hạ nhiệt, cho thấy sức ép điều chỉnh từ 3 phiên trước đó có thể chưa được rũ bỏ hết. Do đó, rủi ro chỉ số tiếp tục rung lắc vẫn hiện hữu ở những phiên tới, với hỗ trợ gần quanh ngưỡng tâm lý 1,200 điểm.
Nhìn chung, thị trường vẫn giữ được xu hướng phục hồi ngắn hạn sau phiên tăng 26/02. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc tận dụng nhịp rung lắc kỹ thuật để tái cơ cấu lại danh mục của mình hợp lý hơn. Trong đó, ưu tiên các cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng lợi nhuận kinh doanh 2024 tăng trưởng và đang thu hút được dòng tiền mạnh.
Tử Kính
FILI
|