Thứ Hai, 19/02/2024 20:19

Góc nhìn 20/02: Rung lắc và điều chỉnh?

CTCK Beta nhận định trong phiên giao dịch 20/02, thị trường đang ở trạng thái quá mua nên rất có thể áp lực chốt lời sẽ gia tăng, dẫn đến có những nhịp rung lắc và điều chỉnh.

Quán tính tăng điểm chiếm ưu thế

CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index tăng điểm với biên độ được mở rộng về cuối phiên 19/02. Dòng tiền tiếp tục có sự lan tỏa tích cực trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đóng vai trò dẫn dắt chính cho chỉ số và tạo hiệu ứng giao dịch tích cực lên toàn bộ thị trường.

Mặc dù tín hiệu kỹ thuật cho thấy trạng thái giao dịch có phần quá mua và rủi ro xuất hiện nhịp điều chỉnh ngắn hạn vẫn hiện hữu, quán tính tăng điểm được KBSV kỳ vọng vẫn có phần chiếm ưu thế hơn với động lực chính từ nhóm cổ phiếu trụ và thanh khoản gia tăng.

Nhà đầu tư được khuyến nghị kê mua trở lại từng phần khi chỉ số quay xuống điểm đỡ quanh 1,170 (+/-10 điểm) hoặc các mã mục tiêu riêng lẻ quay lại các vùng hỗ trợ đáng lưu ý.

Rung lắc và điều chỉnh

CTCK Beta (Beta): Theo quan điểm kỹ thuật, về mặt xu hướng VN-Index duy trì nằm trên các đường MA10 và MA20 tiếp tục thể hiện xu hướng tăng trong ngắn hạn và có thể hướng đến vùng kháng cự 1,250 điểm. Các chỉ báo như SAR, MACD và cặp (DI+,DI-) vẫn duy trì trạng thái tích cực và củng cố xu hướng hiện tại. Tuy nhiên, chỉ báo RSI đang ở vùng quá mua và VN-Index tiếp tục bám sát dải trên của dải Bollinger Bands.

Beta dự báo trong phiên giao dịch 20/02, thị trường đang ở trạng thái quá mua nên rất có thể áp lực chốt lời sẽ gia tăng, dẫn đến có những nhịp rung lắc và điều chỉnh. Dù vậy, với sự nỗ lực quyết tâm của nhà điều hành nhằm đáp ứng các điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam điều này sẽ góp phần quan trọng đem lại tín hiệu tích cực cho thị trường trong tương lai.

Dòng tiền có thể sẽ tập trung vào các cổ phiếu có tín hiệu tích cực từ nền tích lũy trước đó. Do vậy, nhà đầu tư có thể lưu ý đến các cổ phiếu có nền tích lũy tốt và đồng thời thận trọng tránh bán tháo trước các nhịp điều chỉnh của thị trường.

Trở về ngưỡng kháng cự 1,250 điểm

CTCK BIDV (BSI): Phiên tăng tốt ngày 19/02 có sự ủng hộ của thanh khoản là bước đệm cho VN-Index tiếp tục trở về ngưỡng kháng cự 1,250 điểm.

Rủi ro gia tăng

CTCK Asean (Aseansc): Thị trường tăng điểm tốt trong phiên 19/02 nhưng điểm đáng chú ý là đến từ nhóm cổ phiếu trụ, tác động mạnh đến điểm số, đặc biệt là trong phiên chiều khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng trần.

Độ rộng thị trường gia tăng vào cuối phiên với 60% số mã trên HOSE chuyển sang sắc xanh tiếp tục ủng hộ cho xu hướng tăng của chỉ số. Tuy nhiên, Aseansc cho rằng rủi ro sẽ càng tăng lên cùng với điểm số của VN-Index.

Áp lực điều chỉnh có thể xảy ra

CTCK Shinhan (SSV): VN-Index tiếp tục đà tăng với nhóm vốn hóa lớn tăng trưởng mạnh là chủ yếu. Dù đà tăng vẫn duy trì tốt nhưng đà lan tỏa của các cổ phiếu không mạnh. Các chỉ báo động lượng giá như RSI đã vào vùng quá mua, và điểm số đã đi vào vùng kháng cự mạnh 1,220-1,250 điểm, khiến cho áp lực điều chỉnh có thể xảy ra trong các phiên tới.

 

Có khả năng bước vào nhịp điều chỉnh

CTCK Agribank (Agriseco Research): Agriseco Research nhận định, chỉ số đang có nhiều cơ hội mở rộng đà tăng điểm và tiếp tục hướng lên vùng đích kỳ vọng kế tiếp quanh 1,25x trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, trong kịch bản thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao nhưng điểm số không ghi nhận mức tăng tương xứng, rủi ro VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh và lấp lại vùng gap quanh 1,209 – 1,214 điểm cần được tính đến.

Các nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế gia tăng tỷ trọng các vị thế trading trong các nhịp tăng điểm hưng phấn, chỉ ưu tiên mua mới trong các nhịp điều chỉnh với thanh khoản thấp quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1,20x điểm.

Tiếp tục đà tăng

CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Yuanta nhận định thị trường có thể tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index hướng về mức 1,245 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và có thể chỉ xảy ra nhịp điều chỉnh kỹ thuật. Các nhóm cổ phiếu có thể sẽ phân hóa, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có thể sẽ còn điều chỉnh, trong khi đó dòng tiền có thể tìm kiếm đến các nhóm cổ phiếu khác.

Nhìn chung, dòng tiền chưa có dấu hiệu rút khỏi thị trường, nhưng điểm tiêu cực là đà tăng của thị trường ảnh hưởng nhiều từ nhóm cổ phiếu Vingroup, điều này có thể sẽ khiến đà tăng của thị trường khó bền vững và gây ra tâm lý chốt lời ở các nhóm cổ phiếu khác.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và hạn chế gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu ở thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư ngắn hạn cũng có thể tìm kiếm cơ hội ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu Vingroup (VIC, VHM, VRE) khi nhóm cổ phiếu này đều đã xác nhận xu hướng tăng với chiến lược mua lướt sóng ngắn hạn.

Dòng tiền tham gia mạnh

CTCK Phú Hưng (PHS): Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm thứ sáu liên tiếp. Khối lượng giao dịch gia tăng trên mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền tham gia thị trường khá mạnh.

Mặt khác, chỉ số đi lên với nến tăng cô đặc và duy trì đóng cửa trên MA5, cùng với chùm MA5, 20, 50 giữ trạng thái phân kỳ dương tích cực, cho thấy xu hướng phục hồi đang tiếp diễn. Thêm vào đó, đường RSI hướng lên vùng 78 thể hiện đà tăng đang rất mạnh và MACD nằm trên Signal củng cố tín hiệu mua, cho thấy chỉ số có thể tiến lên thử thách kháng cự gần quanh vùng 1,250 điểm (đỉnh tháng 9/2023) hoặc xa hơn là vùng tâm lý 1,300 điểm.

Nhìn chung, thị trường đang tiếp diễn xu hướng phục hồi sau phiên tăng 19/02. Do đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục thực hiện các giao dịch lướt sóng của mình. Trong đó, ưu tiên các cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh 2024 khả quan và đang thu hút được dòng tiền mạnh.

Có rủi ro điều chỉnh

CTCK Vietcombank (VCBS): Ở khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI tiếp tục hướng lên trên phá bỏ việc tạo phân kỳ âm, đường ADX và DI+ đều đang ở mức 30 và 42, đồng thời chỉ báo CMF cũng hướng lên cho thấy dòng tiền vẫn đang có diễn biến tích cực và thị trường vẫn đang trong nhịp tăng trung hạn. Tuy nhiên, chỉ số chung đã vượt khỏi dải Bollinger band nên việc thị trường có thể xuất hiện phiên điều chỉnh là điều cần được tính đến.

Ở khung đồ thị giờ, VN-Index vẫn đang bám sát và có dấu hiệu vượt dải trên của dải Bollinger band và đường Senkou Span B của mây Ichimoku vẫn mỏng và hướng lên trên góp phần củng cố cho nhận định trên.

Thị trường vẫn đang có diễn biến phân hóa rõ ràng khi dòng tiền đang lần lượt tìm đến các nhóm ngành khác nhau. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư nên xây dựng chiến lược lướt sóng T+, duy trì tỷ trọng đối với các cổ phiếu vốn hóa lớn đang thu hút dòng tiền đồng thời cân nhắc giải ngân đối với những cổ phiếu tích lũy tốt và có xu hướng vượt đỉnh thuộc nhóm ngành như thép, xăng dầu, và bán lẻ.

Rung lắc và điều chỉnh

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Trong ngắn hạn đà tăng của VN-Index có thể sẽ gặp khó khăn bởi thị trường sẽ có rung lắc và có thể điều chỉnh khi tiệm cận vùng 1,250 điểm. Về trung hạn, VN-Index duy trì vận động trong khu vực cân bằng để hình thành nền tích lũy mới, kỳ vọng thị trường sẽ hình thành nền tích lũy trong biên độ 1,150 – 1,250 điểm.

Thị trường có thể sẽ có rung lắc trong thời gian tới, SHS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn không nên mua đuổi. Với nhà đầu tư trung, dài hạn, thị trường đang dần củng cố và hình thành nền tảng tích lũy nhưng quá trình này sẽ kéo dài, nhà đầu tư trung dài hạn muốn giải ngân thêm nên chờ đợi các giai đoạn điều chỉnh của thị trường.

 

Khang Di

FILI


Các tin tức khác

>   Góc nhìn tuần 19 - 23/02: Giằng co quanh mốc 1,200? (18/02/2024)

>   NT2, HDG và HAH có nên đầu tư? (19/02/2024)

>   Góc nhìn 16/02: Có rủi ro tạo đỉnh ngắn hạn? (15/02/2024)

>   VN-Index: Giai đoạn tăng trưởng mới (20/02/2024)

>   Nhà đầu tư nên tập trung nhiều hơn vào chất lượng quản trị công ty (08/02/2024)

>   VDSC kỳ vọng TTCK không có nhiều biến động trong tháng 2 (07/02/2024)

>   Góc nhìn 07/02: Rung lắc? (06/02/2024)

>   Góc nhìn 06/02: Xu hướng tăng tiếp tục trong ngắn hạn (05/02/2024)

>   Dòng tiền sau Tết đổ về đâu? (14/02/2024)

>   Nên định giá đất theo phương pháp nào? (20/02/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật