VDSC: VN-Index năm 2024 có thể lên 1,380 điểm trong kịch bản tốt
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa phát hành Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2024 với 2 kịch bản về điểm số của VN-Index.
Với giả định vùng tăng trưởng EPS từ 10-15% (GDP dự báo tăng hơn 6%), VDSC kỳ vọng vùng dao động hợp lý của P/E nằm trong khoảng 12 - 15 lần, tương ứng với mức điểm của VN Index là từ 1,080 - 1,380 điểm cho kịch bản cơ sở.
Vùng dao động VN-Index kỳ vọng cho năm 2024
Nguồn: VDSC
|
Ở kịch bản cơ sở, giả định Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024 một cách lành mạnh trong bối cảnh kinh tế Mỹ không xảy ra suy thoái. DXY suy yếu tương ứng với diễn biến này, giúp giảm áp lực tỷ giá USD/VND. Xuất nhập khẩu cũng được cải thiện từ mức nền thấp của 2023.
Mặt khác, tín dụng trong nước khơi thông với tốc độ tăng trưởng mang tính thực chất và tốt hơn năm 2023. Nhờ đó, thị trường bất động sản (BĐS) khó diễn biến tiêu cực hơn, mặc dù chưa thể sớm hồi phục ở các phân khúc mang tính đầu cơ cao.
Sự thành công trong việc vận hành KRX và chuyển đổi sang cơ chế CCP là cũng là một yếu tố góp phần cho diễn biến của VN-Index ở kịch bản này, bên cạnh các yếu tố khác như thị trường sôi động hơn với nhiều thương vụ huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu ở nhóm ngân hàng, BĐS và công ty chứng khoán
Ngoài ra, VDSC nhận định, định giá thấp gần với mức lịch sử 3 năm của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản sẽ hạn chế rủi ro giảm giá sâu của thị trường.
Cuối cùng, nhóm phân tích của VDSC kỳ vọng ở kịch bản này lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng các nhóm NHTM ổn định 5 - 6%; và thanh khoản trung bình phiên phần lớn trong khoảng 15 - 20 ngàn tỷ đồng, có thể lên tới 25 ngàn tỷ trong giai đoạn thị trường thuận lợi.
Nguồn: VDSC
|
Ở kịch bản tiêu cực, VN-Index dao dộng trong khoảng 950 - 1,250 điểm. Kịch bản này giả định kinh tế Mỹ, châu Âu rơi vào suy thoái với tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng, Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn, gây tác động tiêu cực về tâm lý đầu tư trên thị trường thế giới do lo ngại khủng hoảng. VDSC nhận xét rằng, trong giai đoạn tiêu cực của TTCK thế giới, TTCK Việt Nam thường có mức độ tương quan cao.
Ngoài ra, rủi ro địa chính trị ảnh hưởng chi phí logistics, gây áp lực lên lạm phát toàn cầu.
Trong trường hợp kinh tế Mỹ và châu Âu tránh được khủng hoảng, các động lực nội tại của nền kinh tế là nhân tố chính quyết định tới thị trường Việt Nam như: vốn tín dụng khó đẩy ra ngoài thị trường do lo ngại nợ xấu của các doanh nghiệp BĐS, áp lực trả nợ trái phiếu quá hạn không được giải quyết; áp lực đáo hạn trái phiếu của các tập đoàn tư nhân lớn; xuất nhập khẩu tiếp tục trì trệ do niềm tin người tiêu dùng tại Mỹ và EU thấp.
Dòng tiền nhàn rỗi sẽ lựa chọn kênh đầu tư khác như vàng với triển vọng tăng giá bởi rủi ro địa chính trị và sự suy yếu của USD khi Fed bắt đầu giảm lãi suất hoặc tài sản là BĐS dân cư phục vụ nhu cầu ở thực (chung cư, nhà riêng nội đô).
Ngoài điểm số, nhóm phân tích VDSC cũng đưa ra dự báo về diễn diễn biến của thị trường năm 2024.
Theo đó, thị trường có thể giao dịch trong trạng thái sideway với biên độ hẹp cho tới cuộc họp có quyết định hạ lãi suất đầu tiên của Fed (dự kiến tháng 3/2024). Sau đó, nên theo dõi sát sao thông tin về tiến độ của KRX, “vì thời điểm vận hành hệ thống nhiều khả năng mang lại một đợt tăng điểm tốt”, các chuyên viên phân tích của VDSC đánh giá.
Mặt khác, nếu khả quan, một tín hiệu về khả năng nâng hạng từ các kết quả đánh giá thị trường của MSCI và FTSE (tháng 6, 9, 11) sẽ giúp tiếp nối đà tăng điểm. Ngược lại, thị trường có thể điều chỉnh trở lại trạng thái sideway.
“Trong cả hai kịch bản, chúng tôi tin vào xu thế tăng của thị trường năm sau”, nhóm phân tích kết luận.
Kha Nguyễn
FILI
|