KBSV chỉ ra 4 yếu tố chính định hình xu hướng TTCK 2024
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) 2024 của KBSV Research, nhóm phân tích cho rằng thị trường sẽ có xu hướng hồi phục rõ nét hơn với 4 yếu tố định hình chính.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế quay trở lại mốc quanh 6% từ các động lực tăng trưởng chính như thị trường bất động sản khởi sắc hơn; chính sách tiền tệ và tài khóa mang tính chất hỗ trợ giúp lãi suất duy trì ở mức thấp, đầu tư công được đẩy mạnh, trong khi các chính sách miễn giảm thuế tiếp tục được duy trì; và các động lực tăng trưởng truyền thống khác như vốn đầu tư nước ngoài FDI, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu phục hồi…
KBSV nhận định việc kinh tế tăng trưởng trở lại quanh mốc 6% sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp niêm yết mở rộng hoạt động kinh doanh và tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và đầu tư công được đẩy mạnh. Nhóm phân tích dựa trên dự báo các yếu tố khách quan về áp lực lạm phát và tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong năm 2024, trong khi nợ công vẫn đang ở mức thấp, cho rằng “chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa mở rộng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2024”. Điều này không những hỗ trợ cho thị trường từ góc độ tăng trưởng kinh tế mà còn tác động trực tiếp giúp dòng tiền vào TTCK được cải thiện, định giá cổ phiếu tăng, đặc biệt ở các nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp hưởng lợi từ yếu tố này.
Thứ ba, Fed xoay chiều chính sách trong bối cảnh lạm phát đang hạ nhiệt tích cực và có thể tránh được 1 cuộc suy thoái.
KBSV cho biết các số liệu gần đây của nền kinh tế Mỹ, kết quả cuộc họp chính sách tháng 12 của Fed, biểu đồ dot-plot, các bài phát biểu của quan chức Fed, và dự báo của thị trường thông qua công cụ CME Fed Watch đều cho thấy khả năng gần như chắc chắn Fed sẽ hạ lãi suất ở một thời điểm trong năm 2024.
“Các chuyên viên phân tích của chúng tôi kỳ vọng đợt hạ lãi suất sớm nhất sẽ diễn ra ngay cuối quý 1/2024”, báo cáo ghi rõ, đồng thời nhận định “đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho TTCK toàn cầu cũng như TTCK Việt Nam”.
Song, rủi ro kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vẫn là yếu tố đáng chú ý và trong kịch bản trầm trọng có thể gây sức ép lớn lên TTCK toàn cầu.
Thứ tư, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhưng sẽ tránh được sự đổ vỡ trong năm 2024. Theo kịch bản cơ sở của KBSV, tăng trưởng kinh tế chỉ suy giảm nhẹ và các khó khăn tập trung chủ yếu nửa đầu năm, trong khi nửa sau 2024 có thể ghi nhận một số tín hiệu hồi phục tích cực.
1,330 điểm là vùng hợp lý của VN-Index vào cuối năm
Dựa vào việc phân tích 4 yếu tố trên, KBSV cho rằng xu hướng hồi phục của TTCK Việt Nam sẽ rõ nét hơn trong năm 2024 với vùng giá mục tiêu quanh 1,330 điểm.
Nhóm phân tích đánh giá với việc mặt bằng lãi suất được dự báo vẫn ở mức thấp, lãi vay vẫn còn dư địa giảm thêm, cung tiền M2 được mở rộng với mức tăng 12.2% trong năm 2024 thì “chúng tôi cho rằng mức định giá P/E thị trường (hiện là 14.9) sẽ cải thiện lên 15.3 ở thời điểm cuối 2024, tương ứng bình quân 2 năm giai đoạn 2022-2023”, các chuyên viên đưa ra dự phóng.
Ngoài ra, thị trường còn được hỗ trợ bởi mức tăng 16.4% của lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, được hỗ trợ bởi mức nền so sánh thấp của năm 2023 và kinh tế vĩ mô quay trở lại xu hướng hồi phục.
KBSV cũng không quên lưu ý về rủi ro đáng chú ý nhất của năm 2024, sẽ đến từ các sự kiện xung đột địa chính trị, hay việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp với các nền kinh tế đàu tàu như Mỹ và Trung Quốc rơi vào suy thoái trầm trọng. Ở trong nước là các yếu tố rủi ro chính từ áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2024 ở mức cao kỷ lục, xuất hiện các sự kiện ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng tương tự sự kiện SCB, hay triển vọng thị trường bất động sản tiêu cực hơn kỳ vọng.
TPDN đáo hạn
|
Kha Nguyễn
FILI
|