Chuyên gia nghĩ gì về VN-Index năm 2024?
Hội quán Chứng khoán đã có buổi sinh hoạt định kỳ lần thứ 2 vào 16h00 Thứ 6, ngày 29/12/2023. Các diễn giả và nhà đầu tư đã có những thảo luận về kinh tế Việt Nam và thế giới năm 2024 cùng các cơ hội đầu tư, với chủ đề “Nhận diện những cơn sóng 2024”.
Cổ phiếu, bất động sản là những tài sản nên tham khảo cho năm sau
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Thành Công (TCSC) dẫn số liệu dự phóng của Bloomberg về kinh tế các quốc gia năm 2024, chỉ ra tăng trưởng nhìn chung chưa thể hồi phục mạnh, song kỳ vọng lạm phát và lãi suất ở Mỹ và khu vực châu Âu sẽ thấp hơn năm 2023, tạo điều kiện tốt cho thị trường chứng khoán (TTCK).
“Lạm phát lãi suất thấp hơn, chứng tỏ môi trường đầu tư, đặc biệt là những tài sản rủi ro có thể tích cực hơn”, ông nói.
Đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, phần lớn các tổ chức lớn như Bank of America, Morgan Stanley, Goldman Sachs,… dự báo tăng trưởng ổn định trong năm 2024 với GDP tăng trưởng từ 1-2% và lạm phát quanh 3%.
Các dự phóng kinh tế Việt Nam từ Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) khá thận trọng, với GDP tăng trưởng từ 5-5.8%, lạm phát quanh 3%.
Ở kịch bản tích cực hơn, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức khác như HSBC, ADB, Fitch Solutions dự báo GDP tăng trưởng từ 6-6.5%, lạm phát trên 3% và trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Ông Nguyễn Thành Trung chia sẻ dự báo về kinh tế và TTCK 2024. Ảnh: Thế Mạnh
|
Vị chuyên gia từ TCSC đã thực hiện một khảo sát từ các những người quản lý tài sản (PM - Portfolio Manager) của các định chế tài chính. Kết quả khá phân hóa với 3 kịch bản: 42% cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức trung lập (từ 5.5-6%), 42% kết quả cho thấy kỳ vọng tăng trưởng kinh tế ổn định (6-6.5%) và 16% kỳ vọng kinh tế hồi phục ở mức tích cực (trên 6.5%).
Ông kết luận rằng góc nhìn của họ về kinh tế có vẻ chưa rõ ràng, tại vì sự phân hóa còn khá lớn.
Ngoài góc nhìn từ các PM, ông Trung cũng thực hiện một khảo sát từ cộng đồng các nhà đầu tư, phần lớn cho rằng kinh tế năm sau sẽ có sự phân hóa và một số khác đưa ra thêm quan điểm kinh tế thậm chí sẽ diễn biến tiêu cực.
Song song đó, ông Trung cho rằng để biết được nên đầu tư vào tài sản nào cần nhìn được chu kỳ kinh tế, điều mà chủ yếu dựa vào 2 biến lớn là tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Từ giai đoạn 11/2022 kinh tế ở giai đoạn đình lạm (staginflation) đã chuyển sang giai đoạn giảm phát (deflation). Giai đoạn gần đây tăng trưởng GDP không tốt bằng, lạm phát có dấu hiệu giảm xuống. Theo ông Trung, với những các dự báo của Chính phủ và các tổ chức lớn, khả năng chu kỳ giảm phát đang chuyển qua tăng phát (reflation).
“Với xu hướng này, tôi cho rằng các cổ phiếu, bất động sản là những tài sản nên tham khảo cho năm sau”, ông nói.
Từ đó, nhìn về triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn, ông Trung thấy rằng trong 4 quý gần đây, tốc độ giảm của EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) giảm dần. Cụ thể, quý 4/2022 lợi nhuận các doanh nghiệp giảm hơn 30% so với cùng kỳ, thì quý 3/2023, chỉ giảm khoảng 2%.
Theo đó, vị chuyên gia dự báo từ quý 4/2023, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng trưởng dương trở lại. Năm 2024, EPS có thể tăng quanh 30%. Trong đó, từng ngành sẽ có tăng trưởng khác nhau, một số ngành có thể tăng trưởng rất mạnh (như nguyên vật liệu tăng gần 550% do nền năm nay thấp).
Hướng tới diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Trung trình bày kết quả thu được từ việc khảo sát các PM với 3 kịch bản: 83% kỳ vọng rằng VN-Index năm sau sẽ tăng trên 10%, tức trong vùng 1,250 - 1,500 điểm; còn 17% kỳ vọng ở mức 1,100 - 1,250 điểm và không có kỳ vọng nào VN-Index sẽ ở mốc 1,100 điểm.
Chứng khoán đang vào chu kỳ tiếp theo
Đến với kỳ sinh hoạt này, ông Phạm Thành Danh, Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư SSI – chi nhánh Nguyễn Công Trứ, cũng đem tới một góc nhìn thú vị về chu kỳ TTCK. Ông dẫn kết luận của Raymond A. Merriman, có 3 chu kỳ gồm: chu kỳ đầu tư (invesment cycle), chu kỳ sơ cấp (primary cycle) dài 18 tuần và chu kỳ ngắn hạn.
Chu kỳ đầu tư là các chu kỳ dài hơn chu kỳ sơ cấp: 50 tuần, 4 năm hoặc 6 năm, 18 năm, 54 năm, 72 năm hoặc chu kỳ 90 năm. Còn chu kỳ ngắn hạn là các chu kỳ nhỏ hơn chu kỳ sơ cấp, gồm chu kỳ chính 6 tuần và chu kỳ anpha, chu kỳ beta (dành cho các nhà trading T+).
Ông Phạm Thành Danh trình bày về chu kỳ TTCK Việt Nam. Ảnh: Thế Mạnh
|
Theo chia sẻ của ông Danh, đối với TTCK Việt Nam, chu kỳ tốt nhất là 4 năm. Chu kỳ gần nhất là 22/01/2016, giai đoạn mà các cổ phiếu bluechip tăng mạnh, tăng 140%; tuy nhiên giảm cũng khá mạnh 46%. Sau, con sóng mới đây là sóng COVID-19 từ 2020 - 2022, thời gian tạo đỉnh là 21 tháng, còn tạo đáy là 10 tháng.
Chu kỳ hiện tại của VN-Index
Nguồn: Ông Phạm Thành Danh cung cấp
|
Theo ông quan sát, trước 2012 đỉnh đáy của chu kỳ không ổn định, độ giảm quá khốc liệt. Dựa vào thời gian tạo đỉnh các chu kỳ 2009 – 2012, 2012 – 2016, 2016 – 2020, 2020 – 2022; ông nêu quan điểm rằng từ 16/11/2022 sẽ là một chu kỳ 4 năm tiếp theo. Qua đồ thị, ông thấy thời gian tăng luôn dài hơn thời gian giảm.
Chu kỳ 4 năm của VN-Index
|
Qua những phân tích, ông kết luận, hiện tại chứng khoán Việt Nam đã vào chu kỳ 3-4 năm tiếp theo và chúng ta đã đi qua được 1 năm, tạo đáy từ 11/2022 đến 11/2023. Ngoài ra, ông cũng đề cập đến quy tắc 8 tuần, tức là khi chu kỳ 1 năm xuất hiện, thị trường sẽ tăng ít nhất 8 tuần và chúng ta đã đi được hết 8 tuần này.
Ông Danh cũng nhắc nhở mọi người nên chú trọng quản trị rủi ro và quan sát các diễn biến vĩ mô, vì tính chất của chu kỳ cũng dựa trên triển vọng kinh tế.
Hội quán Chứng khoán ra đời ngày 28/09/2023. Ý tưởng thành lập hội quán đến từ việc xây dựng không gian cho nhà đầu tư chứng khoán gặp gỡ chia sẻ. Định kỳ vào Thứ 6 cuối cùng hàng tháng, Hội quán Chứng khoán sẽ tổ chức các chuyên đề thiết thực liên quan đến các sự kiện quan trọng, nổi bật của thị trường chứng khoán.
Hội quán là nơi để tất cả thành viên tham gia thị trường gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư. Đây cũng là nơi để các nhà đầu tư tìm đến nhau để trải lòng sau những phút giây đầu tư chứng khoán đầy căng thẳng. Hội quán được đặt tại địa chỉ Nhà hàng Hoa Phố, 19 Tú Xương, Quận 3, TPHCM.
|
Duy Khánh
FILI
|