Khả năng giải quyết rủi ro bất động sản là ẩn số lớn nhất năm 2024
Ông Pyon Young Hwan - Giám đốc phụ trách mảng Giao dịch ngoại hối và Phái sinh Ngân hàng Shinhan Việt Nam chỉ ra nhiều yếu tố cho thấy kinh tế Việt Nam có thể phục hồi dần trong năm 2024. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải nắm bắt và tận dụng được cơ hội để đưa ra chiến lược nhằm tối ưu hóa và phát triển lợi thế của mình, thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Nhìn lại năm 2023, theo ông, đâu là những yếu tố chính tác động đến nền kinh tế Việt Nam?
Ông Pyon Young Hwan: Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 đã có những điểm sáng, dù kinh tế toàn cầu suy thoái. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khó khăn cản bước mục tiêu đã đề ra.
Đầu tiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 là 5.05% so với năm trước, không đạt được mức tăng trưởng 6.5% do Chính phủ đề ra.
Thứ hai, do nhu cầu bên ngoài là sản xuất và xuất khẩu - 2 động lực tăng trưởng cốt lõi của nền kinh tế - đều đã suy giảm.
Cụ thể, cơ cấu kinh tế Việt Nam khá nhạy cảm với các tác động kinh tế bên ngoài, khi ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao. Ngoài ra, tính đến quý 3/2023, ngành sản xuất cũng chiếm tới 24% GDP.
Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, năm 2023, số doanh nghiệp (chủ yếu là ngành sản xuất và chế biến) tạm dừng hoạt động kinh doanh tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng việc làm trong lĩnh vực công nghiệp cũng suy giảm.
Thêm vào đó, tình trạng mất điện xảy ra thường xuyên hơn trên diện rộng ở khu vực phía Bắc, do nhu cầu tăng cao vào các đợt nắng nóng cuối tháng 5 và tháng 6, dẫn đến hoạt động xuất khẩu và sản xuất bị gián đoạn, thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 1.4 tỷ USD (0.3% GDP, theo Ngân hàng Thế giới).
Cuối cùng, do điều kiện trong nước còn nhiều hạn chế và tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo, Chính phủ Việt Nam đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 từ mức 6-6.5% xuống còn 5%.
Mặc dù vậy, vẫn có một số chỉ số chính đã được cải thiện trong thời gian qua như triển vọng phục hồi xuất khẩu trong quý 4 (trong tháng 10 tăng 5.9% so với cùng kỳ), duy trì xu hướng mở rộng chế biến, chế tạo sau quý 3 (tháng 10 tăng 4.9% so với cùng kỳ)….
Dựa trên tình hình hiện tại, ông dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ diễn biến như thế nào?
Nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi dựa trên các yếu tố tăng trưởng cốt lõi như xuất khẩu, sản xuất, đầu tư công, nhu cầu trong nước.
Đầu tiên, sự cải thiện về nhu cầu bên ngoài tại các thị trường xuất khẩu chính như Bắc Mỹ hay châu Á, mở rộng dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất (dòng vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 46% trong 10 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ).
Thứ hai, mở rộng đầu tư công (mục tiêu tỷ lệ thực hiện 95% cho năm 2024) và triển vọng tăng trưởng cho tiêu dùng hộ gia đình trong nước (tăng 7% vào năm 2024 so với cùng kỳ).
Cuối cùng, nhu cầu bên ngoài phục hồi, tình hình tài chính ổn định, đầu tư công tăng tốc và nền kinh tế trong nước vững mạnh sẽ kích thích nền kinh tế và tập trung đạt được tốc độ tăng trưởng mục tiêu.
Do đó, tôi cho rằng, GDP có thể tăng trưởng 5.8% trong năm 2024 và CPI có thể kiểm soát ở mức 3.4%.
Đâu sẽ là yếu tố tác động nhiều nhất đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024?
Yếu tố có tác động lớn nhất tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 là khả năng giải quyết rủi ro thị trường bất động sản trong nước.
Các cuộc khủng hoảng liên quan đến nợ bất động sản trong và ngoài nước đang diễn ra có thể đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế nói chung, nếu nó lan sang hệ thống ngân hàng.
Trên thế giới, lo ngại bất động sản thương mại tại các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra. Cụ thể, bất động sản thương mại Mỹ tháng 9 giảm 5% tính từ đầu năm. Đầu tư bất động sản Trung Quốc tháng 10 giảm 9% so với cùng kỳ. Trong nước, số liệu từ S&P Global cho thấy, tỷ lệ nợ xấu ngành bất động sản của ngân hàng Việt Nam dự kiến tăng khoảng 4.5%.
Tỷ trọng GDP của ngành xây dựng và bất động sản trong quý 3/2023 là 9.5%. Số liệu này cho thấy thị trường bất động sản rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Do đó, tôi cho rằng, quyết tâm của Chính phủ sẽ góp phần quan trọng trong công cuộc xoa dịu cuộc khủng hoảng bất động sản.
Trước các chính sách đã được triển khai trong năm qua, thị trường bất động sản trong nước đang dần cải thiện: Tốc độ tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản được cải thiện, áp lực lên kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản giảm, lãi suất điều hành giảm... Tuy nhiên, sự hồi phục của thị trường bất động sản còn phụ thuộc vào dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản có được cải thiện hay không (tổng vốn FDI 9 tháng đầu năm vào ngành bất động sản giảm 45% so với cùng kỳ), cũng như sự chấp thuận của Chính phủ đối với các dự án bị trì hoãn…
Ông có thể nói cụ thể hơn yếu tố nào từ bên ngoài ảnh hưởng lên nền kinh tế Việt Nam?
Yếu tố đầu tiên là việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) từ đầu năm 2024 sẽ tạo ra cơ hội mới trong khủng hoảng.
Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các công ty FDI có doanh thu hàng năm từ 750 triệu EUR (800 triệu USD) trở lên phải chịu mức thuế tối thiểu 15% và nếu thuế suất ở quốc gia đầu tư dưới 15%, phần chênh lệch sẽ được trả cho quốc gia nơi đặt trụ sở chính.
Nhìn lại mức đóng góp của FDI vào nền kinh tế Việt Nam, có thể thấy xuất khẩu đóng góp 20% vào tăng trưởng GDP. Trong khi đó, thuế thu nhập doanh nghiệp từ công ty FDI chiếm từ 8-9% ngân sách giai đoạn 2020-2022.
Sức hấp dẫn đầu tư có thể tạm thời giảm đi khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Việc áp thuế có thể tác động tiêu cực trong ngắn hạn, do động lực thu hút đầu tư nước ngoài chính - ưu đãi thuế - giảm đi (thuế suất thực tế sản xuất FDI là 8%) và dấy lên lo ngại về trốn, gian lận thuế.
Tuy nhiên, việc áp dụng thuế tối thiểu cũng tạo ra cơ hội để đảm bảo khả năng cạnh tranh mới. Ngân sách được bổ sung khi áp dụng mức thuế tối thiểu và doanh thu thuế bổ sung từ các công ty trong nước hoạt động ở các quốc gia không áp dụng mức thuế này (thuế thu nhập doanh nghiệp là 18-21% trong giai đoạn 2020-2002).
Do đó, trong ngắn hạn, chúng ta cần chuẩn bị các biện pháp ngăn chặn việc rút vốn FDI. Trong trung và dài hạn, cần tăng cường khả năng cạnh tranh của các công ty trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh để hấp dẫn các công ty nước ngoài.
Yếu tố thứ hai tác động đến kinh tế Việt Nam là việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu bước vào giai đoạn mới.
Rủi ro địa chính trị gia tăng sẽ đẩy nhanh việc cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bước vào giai đoạn mới. Khi các vấn đề tranh chấp về thuế quan, công nghệ và sở hữu trí tuệ xảy ra cũng thúc đẩy việc tái cơ cấu chuỗi giá trị toàn cầu.
Cụ thể, Mỹ đã ban hành Đạo luật chip bán dẫn và Đạo luật giảm lạm phát. Về mặt sở hữu trí tuệ, đã có 986 vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ mới đối với các công ty Trung Quốc được nộp tại Mỹ vào tháng 8/2023, tăng 14% so với cùng kỳ.
Trong khi Mỹ đang tập trung vào công nghiệp chất bán dẫn và pin trong 4 ngành lớn (chất bán dẫn, pin, khoáng sản quý hiếm và dược phẩm) thì thông báo xây dựng nhà máy VinFast tại Mỹ với quy mô 4 tỷ USD cũng tạo ra sức hấp dẫn với thị trường Việt Nam.
Thêm vào đó, Việt Nam đang nhận được sự chú ý trong bối cảnh Mỹ tái cơ cấu chuỗi cung ứng và nâng cấp quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện: (1) Hỗ trợ xây dựng và thúc đẩy hệ sinh thái chip bán dẫn Mỹ - Việt (đào tạo 30,000 đến 50,000 chuyên gia tại Việt Nam); (2) chuỗi cung ứng khoáng sản của Mỹ (ký kết MOU để tăng cường hợp tác cung cấp nguyên tố đất hiếm giữa hai nước).
Tuy nhiên, vẫn cần cẩn thận trước rủi ro khi chính sách “hồi hương” và làn sóng chuyển trụ sở về gần với thị trường tiêu thụ (near-shoring) của Mỹ.
Ông có dự báo gì về lãi suất và tỷ giá Việt Nam trong năm 2024?
Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang bước vào giai đoạn hoàn tất việc tăng lãi suất, sẽ hỗ trợ cho áp lực tăng đối với lợi suất trái phiếu Chính phủ dài hạn của Mỹ dự kiến sẽ chậm lại.
Trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục theo đuổi chính sách lãi suất hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh như giảm lãi suất vay, cho vay ưu đãi doanh nghiệp... Những chính sách này sẽ góp phần hỗ trợ giá nguyên liệu đầu vào và thúc đẩy các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ.
Mặt bằng lãi suất hiện tại ở mức 4.5% - đang khá thấp so với mức thấp nhất trong thời kỳ dịch COVID-19 là 4%. Do đó, NHNN không còn nhiều dư địa cắt giảm lãi suất điều hành thêm nữa. Tuy nhiên, khả năng cao NHNN sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Chính phủ Việt Nam có thể phát hành trái phiếu Chính phủ quy mô lớn nhằm kích thích nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng và trì hoãn trong việc cắt giảm lãi suất của Fed (giữ mức lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn)… Vì vậy, tôi cho rằng xu hướng lãi suất giảm vừa phải dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2024.
Về tỷ giá, tỷ giá USD/VND sẽ có xu hướng giảm trong nửa cuối năm 2024.
Đồng USD được dự báo sẽ suy yếu dần. Chỉ số USD-Index giảm từ 103.5 điểm (quý 1/2024) xuống còn 102.5 điểm (quý 2/2024) và chỉ còn 101 điểm (quý 3/2024). Sẽ mất thời gian để tỷ giá xuất hiện xu hướng giảm, nhưng xét đến triển vọng xuất khẩu và cải thiện tài khoản vãng lai trong năm 2024, tôi cho rằng khả năng tỷ giá USD/VND tăng mạnh hơn nữa tương đối thấp.
Cùng với việc đồng USD suy yếu dần, VND sẽ mạnh lên vào nửa cuối năm. Tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 23,300-24,600 đồng.
Có nhiều yếu tố hỗ trợ cho VND tăng giá, bao gồm cung cầu ngoại tệ ổn định và tình hình đối ngoại tốt (tỷ lệ tổng nợ nước ngoài/GDP giảm từ 33% năm 2022 xuống còn 31% năm 2023 và dự kiến còn 30% năm 2024).
Dự trữ ngoại hối dự kiến sẽ phục hồi và cần bổ sung dự trữ ngoại hối để ổn định.
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư từ Hàn Quốc, ông có thể cho biết niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay như thế nào? Lĩnh vực đầu tư nào thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại nhất?
Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ. Các nhà đầu tư quốc tế đang đầu tư vào Việt Nam đều hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì và gia tăng tỷ trọng này trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Mỹ đã tăng cường chính sách “hồi hương” và nếu gặp khó khăn sẽ ưu tiên các sản phẩm từ Mexico và Canada. Mặt khác, tỷ trọng của Trung Quốc đang giảm dần.
Thêm vào đó, năm tới sẽ có cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ. Nếu ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ vào năm tới, việc tập trung ưu tiên sản xuất trong nước sẽ được tăng cường hơn nữa. Đây sẽ không phải là tin tốt đối với các quốc gia có ngành công nghiệp là ngành chính, bao gồm cả Việt Nam.
Các nhà đầu tư quốc tế có cơ sở sản xuất ở châu Á hiện đang tìm kiếm các cơ sở sản xuất khác ngoài Trung Quốc. Việt Nam phải tận dụng tối đa cơ hội này.
Các nhà đầu tư quốc tế cũng hy vọng Việt Nam sẽ sản xuất được sản phẩm để xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu bằng cách đem lại nhiều ưu đãi.
Dù rất khó để có thể vừa đáp ứng được thị hiếu của các quốc gia này mà vẫn mang lại lợi ích cho Việt Nam, song trong điều kiện kinh tế trì trệ như hiện nay, các nhà đầu tư quốc tế và Việt Nam phải trở thành đối tác chiến lược.
Nền kinh tế xuất khẩu toàn cầu được dự kiến sẽ mở rộng vào năm 2024. Dòng vốn FDI vào ngành sản xuất, chế biến vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất và cũng đang ngày càng tăng về số lượng. Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký mới lũy kế trong tháng 10 là 15.3 tỷ USD (tăng 54%), cao nhất kể từ tháng 10/2017 và 90% tổng vốn FDI hàng tháng trong tháng 10 (5.6 tỷ USD) là vào lĩnh vực xây dựng nhà xưởng.
Hiện nay, các cụm công nghiệp của Hàn Quốc đang gặp khó khăn trong kinh doanh, ngừng hoạt động và mất khả năng cạnh tranh. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm đầu tư vào ngành sản xuất của Việt Nam. Tôi cho rằng đây thực sự là thời điểm quan trọng để đưa ra chiến lược nhằm tối ưu hóa và phát triển lợi thế của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông.
Cát Lam
Design: Tuấn Trần
FILI
|