Tăng 10% giá sàn dịch vụ nâng hạ tác động ra sao với doanh nghiệp cảng?
Thông tư 39/2023/TT-BGTVT quy định mức khung giá cước nâng hạ container và các dịch vụ tại cảng biển Việt Nam vừa được thông qua với mức giá sàn cho dịch vụ nâng hạ tăng lên 10% ở các phân khúc cảng biển nhận được nhiều quan tâm.
Giá sàn cho dịch vụ nâng hạ được nâng lên 10% ở các phân khúc cảng biển
Ngày 25/12/2023, Bộ Giao thông vận tải đã ký Thông tư 39/2023/TT-BGTVT quy định mức khung giá cước nâng hạ container và các dịch vụ tại cảng biển Việt Nam, hiệu lực từ ngày 15/02/2024, thay thế Thông tư 54/2018/ TT-BGTVT. Trong đó, điểm quan trọng là mức giá sàn cho dịch vụ nâng hạ được tăng lên 10% ở các phân khúc cảng biển (bao gồm cả cảng sông và cảng nước sâu).
Theo nhận định của SSI Research, so với bản dự thảo trước đó, Thông tư chính thức có điểm khác biệt là điều khoản quy định mức giá sàn cho cảng nước sâu tiếp nhận cỡ tàu trọng tải trên 160,000 DWT có thể tăng thêm 10% (theo đó mức giá sàn sẽ là 120% giá sàn trước đó) so với các cảng nước sâu khác cùng loại không được đề cập trong Thông tư này.
Tăng giá sàn khó tăng doanh thu?
SSI Research phân tích, quy định mới dự kiến sẽ giúp tất cả doanh nghiệp cảng tăng giá cước nâng hạ và giảm cạnh tranh về giá giữa các cảng nhằm thu hút khách hàng, sản lượng qua cảng.
Cạnh tranh mạnh về giá giữa các cảng biển từ lâu đã là vấn đề các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm, bởi cảng biển trong nước còn khá phân mảnh và quy mô nhỏ hơn so với hệ thống cảng ở các nước khác. Do đó, việc Chính phủ tham gia quản lý được coi như một biện pháp đối phó với tình trạng cạnh tranh quá mức và có thể đưa giá thị trường về mức hợp lý hơn, mang lại lợi ích cho tất cả doanh nghiệp cảng biển, cải thiện nguồn thu thuế cho Chính phủ.
Tuy nhiên, SSI Research cũng cho rằng, không có bằng chứng thuyết phục cho thấy doanh thu/TEU toàn ngành tăng sau khi mức giá sàn mới có hiệu lực.
Đầu tiên, SSI Research không thấy bằng chứng cho thấy việc điều chỉnh giá sàn sẽ dẫn đến mức tăng trưởng doanh thu/TEU trung bình thực tế cao của ngành trong năm 2018 (tăng 0,2% so với cùng kỳ). Thời điểm đó, hầu hết công ty cũng cho rằng việc điều chỉnh giá sàn sẽ không có nhiều tác động vì thị trường sẽ tự điều chỉnh theo mức giá cung cầu hợp lý.
Bên cạnh đó, các cảng công suất hoạt động cao hơn có khả năng thương lượng cao hơn và tăng giá cước tốt hơn. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng doanh thu/TEU đạt 0.4% trong giai đoạn 2016 - 2022 cho thấy nhu cầu mới mỗi năm đều được nguồn cung mới đáp ứng, giữ cho mối quan hệ cung cầu tương đối ổn định ở cùng một mức giá.
Theo dữ liệu từ SSI Research, trong năm 2021 và 2022, hầu hết cảng đều có doanh thu/TEU tăng trung bình lần lượt 2.7% và 7.6% so với cùng kỳ. 2022 là năm duy nhất trong dữ liệu cho thấy giá cước ở tất cả cảng đều tăng. Theo SSI nhận định thì 2021 và 2022 là những năm ghi nhận hoạt động tốt nhất đối với tất cả hãng tàu trên thế giới (khách hàng của các công ty cảng), do đó, việc đàm phán điều khoản có lợi sẽ dễ dàng hơn.
Lưu ý rằng, các phân tích từ SSI Research dựa trên số liệu của cảng feeder (tàu dưới 3,000 TEU) vì không có đủ dữ liệu về các cảng biển nước sâu trong cùng kỳ phân tích.
Do đó, SSI Research cho rằng, nếu Thông tư được phê duyệt và áp dụng từ năm 2024, đề xuất mức giá sàn mới có thể có tác động tích cực trong ngắn hạn đối với một số cảng và không tích cực đối với một số cảng khác (tùy thuộc vào công suất hoạt động). Về dài hạn, giá cước của ngành sẽ phụ thuộc vào sự cân bằng cung cầu.
Những năm tốt và xấu của các hãng tàu, giá cước sẽ tăng và giảm tương ứng. Hiện tại, giá cước đã quay về mức lỗ đối với một số hãng tàu, do đó các cảng sẽ gặp khó khăn hơn khi đàm phán giá hợp đồng với khách hàng so với năm 2021 và 2022.
Trước đó, tại buổi hội thảo liên quan đến chủ đề tiềm năng ngành cảng biển năm 2024, thuộc chuỗi hội thảo Connecting to Customers do Chứng khoán HSC tổ chức chiều 14/12, bà Chế Thị Mai Trang – Trưởng phòng phân tích cao cấp ngành hàng công nghiệp HSC - dự báo giá cước được điều chỉnh tăng khoảng 10% sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành, trong bối cảnh giá cước tại Việt Nam đang ở mức thấp so với khu vực, chỉ bằng khoảng 30 - 50% so với Singapore, thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Campuchia, Indonesia.
Nhưng tùy khu vực sẽ có mức tăng trưởng khác nhau. Đối với Cái Mép – Thị Vải, đã chịu ảnh hưởng nặng nề thời gian qua và chỉ mới hồi gần đây, sẽ có sự bứt phá tốt khi nhu cầu trở lại trong năm 2024. Còn khu vực TPHCM và Hải Phòng có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp và tốt hơn ở khu vực Nội Á, do đó không bị ảnh hưởng nhiều thời gian qua, sẽ có độ bật tăng không cao.
* Triển vọng nào cho ngành cảng biển năm 2024?
Huy Khải
FILI
|