PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, nhưng không nên “bỏ hết trứng vào một rổ”
Đưa ra nhiều kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2024, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) cho rằng, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, tuy nhiên, không nên bỏ hết trứng vào một rổ mà cần cân nhắc giữa các kênh đầu tư.
Ông dự báo kinh tế năm 2024 sẽ diễn biến như thế nào?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Nhìn chung, có nhiều biến số ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế năm 2024, khó có thể dự báo chính xác, ngoài ra còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Chúng ta đang sống trong thời đại uncertancy - không lường trước được những biến cố có thể xảy ra. Nhưng một khi các sự kiện này xảy ra lại có tác động lớn và làm thay đổi mọi dự báo trước đó của các chuyên gia.
Giai đoạn tăng trưởng ổn định trước đó, những gì xảy ra có thể dự báo được hoặc nằm trong tầm kiểm soát. Giờ thì khó có thể dự báo được điều gì sẽ xảy ra. Những gì diễn ra 4 năm qua, dường như không có chuyên gia nào có thể dự báo được như COVID-19 lại kéo dài đến 2 năm, chiến tranh Nga - Ukraine cũng tương tự.
Nên để dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 chính xác là điều rất khó, tôi chỉ có thể đưa ra những kịch bản.
Trong kịch bản tiêu cực, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì mức lãi suất cao như hiện nay, thậm chí vẫn có thể tăng lãi suất nhằm kiểm soát và đưa lạm phát mục tiêu về mức 2%.
Song song đó, cuộc xung đột Israel - Hamas có thể tác động lên lạm phát. Chiến sự ở Trung Đông căng thẳng sẽ tác động lên giá dầu và giá vàng, có thể ảnh hưởng đến lạm phát.
Nếu lạm phát của Mỹ vẫn chưa về 2%, Fed vẫn sẽ duy trì mức lãi suất cao và điều đó sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu lẫn Việt Nam.
Nếu kịch bản này tiếp tục duy trì trong khi sức cầu kinh tế của thế giới vẫn yếu, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực, vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Kể cả đầu tư công cũng sẽ bị ảnh hưởng, qua đó có thể ảnh hưởng đến nợ công. Cầu nội địa cũng bị ảnh hưởng từ xuất khẩu - cầu nước ngoài.
Nếu như sức cầu kinh tế thế giới vẫn yếu như trong năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 cũng chỉ xoay quanh từ 5-6%, không thể hồi phục nhanh chóng. Ví dụ như năm 2023 chỉ tăng trưởng hơn 5% thì sang năm 2024 có thể lên khoảng 5.5%.
Nếu tình hình kinh tế thế giới vẫn như hiện nay, Fed vẫn duy trì chính sách thắt chặt thì khó để kinh tế Việt Nam có thể khả quan trong năm 2024; thậm chí có thể khó khăn hơn năm 2023, nếu Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất.
Còn trong kịch bản tích cực, năm 2024 không có bất kỳ biến cố nào xảy ra đối với kinh tế thế giới. Lạm phát có dấu hiệu đi xuống và Fed bắt đầu thay đổi chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang mở rộng, bắt đầu có động thái giảm lãi suất, lúc đó, nhiều khả năng kinh tế thế giới sẽ hồi phục từ từ, kinh tế Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi từ việc đó.
Đặc biệt, ở kịch bản này, trong nước cũng sẽ không có quá nhiều sự kiện nghiêm trọng xảy ra như vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong năm 2023. Ở kịch bản tích cực, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng trên 6%, có thể đạt được khoảng 6.5%.
Nói riêng về lạm phát, nếu lạm phát thế giới cao thì lạm phát Việt Nam cũng tăng theo. Khi đó, Việt Nam cũng nhập khẩu lạm phát, qua đó tác động lên tỷ giá… Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam không có lo ngại về lạm phát, vì xuất khẩu đang yếu, lạm phát cũng ở mức từ 4%. Trong kịch bản xấu, lạm phát từ 4-4.5%.
Ở kịch bản tốt, lạm phát cũng ở mức tương tự hoặc thậm chí cao hơn, vì có mối tương quan giữa lạm phát và tăng trưởng. Theo lý thuyết kỳ vọng, nếu tăng trưởng cao thì lạm phát cũng sẽ cao tương ứng. Nên với kịch bản xấu, lạm phát có thể thấp hơn so với kịch bản tốt.
Ông dự báo gì cho xu hướng lãi suất và tỷ giá trong năm 2024?
Về lãi suất, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn giữ chính sách tiền tệ như hiện tại. Lãi suất cũng sẽ duy trì ở mức hiện nay, không giảm hơn cũng không tăng trở lại.
Trong điều kiện cần thiết, khi áp lực tỷ giá cao (nếu có xảy ra), NHNN có thể sẽ tăng nhẹ lãi suất trở lại để đảm bảo an toàn tỷ giá, nhưng vẫn sẽ duy trì ở mức này, không tăng/giảm đột biến như trong năm 2022 và 2023.
Trong năm 2023, tỷ giá khá ổn định, do Việt Nam xuất siêu. Cần lưu ý rằng xuất siêu chưa hẳn là tin tốt. Năm qua, Việt Nam xuất siêu cao kỷ lục so với các năm trước, lý do chính là do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu. Cả nhập khẩu và xuất khẩu đều giảm, do không có nhu cầu nhập nguyên vật liệu để sản xuất
Kiều hối cũng như áp lực tỷ giá không quá lớn trong năm 2023, thậm chí Việt Nam cũng đã mua thêm dự trữ ngoại hối. Sang năm 2024, trong kịch bản tốt, nhiều khả năng xuất siêu của Việt Nam sẽ giảm khi nhu cầu nhập khẩu nhiều để sản xuất.
Khi xuất siêu giảm thì áp lực lên tỷ giá sẽ cao.
Ở kịch bản tốt, tăng trưởng kinh tế tốt - phải đánh đổi với lạm phát và tỷ giá, sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Nếu nhập khẩu quá mạnh trong thời điểm nhất định, sẽ gây áp lực tỷ giá trong ngắn hạn và điều đó dẫn đến nhập khẩu lạm phát, tỷ giá sẽ tăng và lạm phát cũng sẽ tăng, ở một số thời điểm nhất định.
Còn ở kịch bản xấu, tăng trưởng kinh tế vẫn thấp xoay quanh 5 - 5.5%, áp lực lên tỷ giá sẽ không nhiều.
Giá vàng thời gian qua đã lập kỷ lục, ông có cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng nữa không?
Giá vàng đang lập đỉnh và vàng cũng là kênh khó dự báo. Về giá vàng thế giới, nếu như chỉ số USD-Index vẫn yếu đi, nhiều khả năng vàng sẽ tiếp tục tăng.
Khi Fed xoay chuyển chính sách tiền tệ, có dấu hiệu giảm lãi suất, nhiều khả năng vàng sẽ tiếp tục tăng, nhưng đỉnh là bao nhiêu vẫn là một ẩn số. Yếu tố về lạm phát cũng sẽ tác động lên giá vàng.
Vàng khó có thể dự báo vì có nhiều yếu tố tác động, đặc biệt là yếu tố về chính trị. Nhưng chính trị thì không thể dự báo được. Khi xung đột xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, giá vàng sẽ tăng do lo ngại về ổn định chính trị. Khi đó, nhà đầu tư sẽ tìm nơi ẩn náu ổn định hơn thay vì nắm giữ đồng USD.
Thêm vào đó, giá vàng hiện nay gần như đã phá đỉnh lịch sử rồi nên có thể sẽ duy trì ở mức cao trong một khoảng thời gian.
Còn giá vàng trong nước, do Việt Nam kiểm soát việc nhập khẩu vàng nên cung cầu trong nước hơi khác so với thế giới, có lúc đi theo liền với thế giới, có lúc thế giới tăng nhưng giá vàng trong nước chưa tăng ngay, nhưng vẫn sẽ có sự liên thông nhất định, cần có độ trễ.
Vậy còn thị trường chứng khoán thì sao, thưa ông?
Thị trường chứng khoán (TTCK) chịu ảnh hưởng của 2 yếu tố: Sự hồi phục của nền kinh tế và dòng tiền.
Khi kinh tế hồi phục, TTCK sẽ hồi phục. Hiện nay, định giá của TTCK Việt Nam đang cao so với các nước trong khu vực. Vậy nên, chỉ có thể chờ đợi vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hồi phục thì P/E mới giảm trở lại, lúc đó mới có thể hấp dẫn; còn hiện nay P/E đang quá cao.
Về dòng tiền, có thể thấy trong năm nay, khối ngoại liên tục bán ròng, lực đỡ của thị trường bị mất đi, dẫn đến thị trường có xu hướng sideway, dù nhà đầu tư cá nhân tham gia khá nhiều. Thêm vào đó, sự bành trướng của các “đội lái” cũng ảnh hưởng khá nhiều đến thị trường.
Chỉ khi TTCK Việt Nam minh bạch hóa, tái cấu trúc tốt và có những thông tin tích cực như chuyển từ thị trường cận biên sang mới nổi, khi đó mới có thể tăng trưởng.
Nếu không có thông tin tích cực, TTCK vẫn sẽ trong xu hướng sideway 1,000-1,200 điểm. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là dòng tiền. Khối ngoại phải quay trở lại mua ròng thì mới thúc đẩy được thị trường tăng trưởng.
Vậy theo ông, nhóm ngành nào sẽ thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư trên TTCK nhiều nhất?
Trong ngắn hạn, nhà đầu tư đang kỳ vọng vào cổ phiếu của những nhóm ngành mà khi nền kinh tế hồi phục sẽ được hưởng lợi ngay như: Bán lẻ, vật liệu xây dựng, bất động sản…
Nói thêm về thị trường bất động sản, ông có cho rằng sẽ ấm trở lại từ quý 2/2024 như các chuyên gia đã từng dự báo?
Tôi e là phải mất thời gian lâu hơn. Khi thị trường bất động sản ấm lại cũng sẽ chia theo phân khúc. Phân khúc có nhu cầu thực như nhà phố, căn hộ chung cư trong nội thành sẽ ấm trở lại trước.
Phân khúc nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp có thể hồi phục từ giữa năm 2024.
Còn những phân khúc như bất động sản nghỉ dưỡng hoặc đất nền ngoại thành sẽ hồi phục chậm hơn. Những phân khúc này thậm chí cuối năm 2024 vẫn chưa hồi phục.
Bất động sản cho thuê, bán lẻ sẽ phụ thuộc vào kinh tế. Kinh tế hồi phục lúc nào thì phân khúc này sẽ hồi phục lúc đó. Nhưng nhiều khả năng mình sẽ phải xác lập mặt bằng giá thuê mới. Nếu vẫn duy trì giá thuê quá cao như hiện nay, rất khó để thị trường này hồi phục, vì hiện nay xu hướng dịch chuyển sang bán hàng online nhiều, nên mở cửa hàng không còn được ưa chuộng như trước đây.
Do đó, chưa có gì chắc chắn để cho rằng năm 2024 thị trường bất động sản sẽ hồi phục, vì hiện nay đơn hàng vẫn chưa có và chúng ta đang sống trong thời đại không lường trước được.
Nếu như kịch bản xấu nhất xảy ra, những biến cố hiếm ập đến, năm 2024 còn khó khăn hơn cả năm 2023.
Dựa trên những yếu tố phân tích ở trên, kênh đầu tư nào sáng giá nhất cho năm 2024, thưa ông?
Kênh đầu tư nào cũng tiềm ẩn rủi ro. Do đó, lựa chọn kênh nào còn phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Dù lãi suất hiện nay đang khá thấp, tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh an toàn nhất.
Còn nếu như chấp nhận rủi ro, có thể lựa chọn kênh chứng khoán. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ nên phân bổ 20-30% nguồn vốn để có thể phiêu lưu ở TTCK. Hiện nay, “lướt sóng” khó có thể kiếm tiền được trong thị trường này, chỉ có thể đầu tư dài hạn, xem xét những cổ phiếu có giá trị nội tại tốt để đầu tư dài hạn, cho tỷ suất sinh lời cao, khi thu nhập của các doanh nghiệp lớn hồi phục.
Còn nếu nhà đầu tư trường vốn thì bất động sản là cơ hội mua hàng “sale off”. Đây là thời điểm nên mua những tài sản này với điều kiện trường vốn và không vay nợ. Nếu như vay nợ để đầu tư bất động sản hay đầu tư vào chứng khoán đều rủi ro.
Những nhà đầu tư có khẩu vị truyền thống, có thể cân nhắc đầu tư vàng, với kỳ vọng Fed giảm lãi suất và đồng USD yếu đi, vàng vẫn sẽ tiếp tục tăng giá. Nhưng lưu ý rằng, hiện nay vàng cũng đang ở đỉnh, do đó đầu tư vàng cũng khá rủi ro.
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn, nhưng không nên bỏ hết trứng vào một rổ. Các kênh đầu tư khác cũng có thể cân nhắc.
Xin cảm ơn ông.
Cát Lam
Thiết kế: Tuấn Trần
FILI
|