Dòng tiền cá nhân “gánh” thị trường, VN-Index có thể đạt 1,440 điểm năm 2024
Theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược thị trường Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), VN-Index được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực hơn trong năm 2024 với nhiều yếu tố hỗ trợ từ vĩ mô, các chính sách, có thể tăng lên mức cao nhất 1,440 điểm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Anh chỉ ra hai nguyên nhân chính khiến cho khối ngoại bán ròng năm 2023, bao gồm sự trái chiều về chính sách tiền tệ và tăng trưởng yếu của kinh tế vĩ mô Việt Nam. Tuy nhiên, sang năm 2024 sẽ là một câu chuyện khác khi hầu hết các Ngân hàng Trung ương (NHTW) lớn được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất, mặc dù thời điểm có thể khác nhau.
Đơn cử, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng có thể hạ lãi suất suất sớm nhất vào tháng 3 và sẽ chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm 2024. Khi đó, chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam sẽ không còn đi ngược chiều với các NHTW lớn nữa và áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ dòng ngoại hối.
Liên quan đến câu chuyện tăng trưởng kinh tế, vị chuyên gia KBSV cho biết năm 2024 sẽ có rất nhiều yếu tố để kỳ vọng, đặc biệt là nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như việc đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế VAT, hạ lãi suất.
Kết hợp với kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đến các nước phương Tây, cải thiện nguồn vốn FDI vẫn được duy trì, tiêu dùng trong nước hồi phục… Đây sẽ là cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 sẽ tăng trưởng trở lại.
Đánh giá chung, ông Đức Anh tin rằng với việc chính sách tiền tệ không còn nữa, áp lực tỷ giá không lớn, và kinh tế hồi phục trở lại thì có thể kỳ vọng năm 2024 dòng tiền khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng. “Nhưng thời điểm mua ròng cũng tương đối khó đánh giá vì sẽ phụ thuộc vào sự đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài về thời điểm kinh tế Việt Nam thực sự hồi phục”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Đánh giá khách quan, ông Đức Anh cho biết thời điểm hiện tại, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước vẫn là dòng tiền chi phối thị trường. Đối với năm 2023, kể cả khối ngoại bán ròng nhưng thị trường vẫn có xu hướng hồi phục là chủ đạo. Do đó, câu chuyện bán ròng của khối ngoại không đáng sợ bằng việc nhà đầu tư trong nước rút ròng.
Theo vị chuyên gia, nhà đầu tư trong nước chỉ rút ròng khi lãi suất suất tăng mạnh trở lại, kênh gửi huy động khi đó trở nên hấp dẫn. Còn ngược lại, việc lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức thấp như hiện tại, dòng tiền nội vẫn dồi dào và hỗ trợ thị trường.
Ông Đức Anh cho biết, thanh khoản của thị trường năm 2023 đã có sự hồi phục rất tích cực so với thời điểm đáy (cuối năm ngoái) và động lực cho sự hồi phục này tới từ diễn biến hạ nhiệt giảm rất nhanh của mặt bằng lãi suất huy động. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường chưa thể bùng nổ được ngay mặc dù lãi suất huy động đã chạm đáy là vì thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều yếu tố đang đè năng lên tâm lý của nhà đầu tư thời gian qua. Đơn cử ở quốc tế là câu chuyện xung đột dải Gaza, còn trong nước có câu chuyện của Vạn Thịnh Phát, trái phiếu doanh nghiệp...
Trong thời gian tới, khi những yếu tố rủi ro lắng xuống, tâm lý các nhà đầu tư được cải thiện, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm và lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức thấp, thanh khoản thị trường kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục, trong đó động lực chủ yếu tới từ các nhà đầu tư cá nhân. “Thanh khoản trung bình thị trường năm 2024 sẽ cải thiện từ 20-30% so với mức bình quân 2023”, vị chuyên gia KBSV dự báo.
Về câu chuyện tăng trưởng của thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024, ông Đức Anh có 2 kỳ vọng chính. Thứ nhất, kinh tế tăng trưởng trở lại mức 6-6.5%, mức bình quân trước giai đoạn COVID-19. Việc GDP tăng trưởng trở lại sẽ tạo điểm tựa để các các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng về lợi nhuận, đặc biệt là khi so với mức nền rất thấp của năm 2023.
Động lực thứ hai đến từ việc NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, Chính Phủ duy trì chính sách tài khóa nới lỏng, lãi suất ở mức thấp, đầu tư công được đẩy mạnh, sẽ là một trong những động lực để giúp thị trường tăng trưởng trong năm 2024.
“Chỉ số VN-Index có thể chạm mức cao nhất trong năm 2024 là 1,440 điểm, tăng trưởng khoảng 20% so với mức 1,200 điểm”, ông Đức Anh nhận định.
Ông Đức Anh nhận thấy, mức P/E của VN-Index khoảng 15.5 lần như hiện tại chỉ thấp hơn không nhiều so với mức bình quân 2 năm trở lại và không phải quá hấp dẫn. Dù vậy, trên cơ sở mặt bằng lãi suất huy động đã xuống thấp kỷ lục, và kỳ vọng nền kinh tế cũng như lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ cho thấy xu hướng hồi phục rõ nét, định giá thị trường đã nằm ở vùng hấp dẫn để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu.
Liên quan việc lựa chọn và quyết định mua bán cổ phiếu, ông Đức Anh cho biết bản thân sử dụng phương pháp phân tích chứng khoán cơ bản, và ưu tiên lựa chọn những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tương đối đột biến trong khoảng 1 năm tới. Những cổ phiếu như thế thường sẽ thuộc những nhóm ngành được hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô.
Ngoài ra, vị chuyên gia KBSV cũng sẽ chọn những cổ phiếu đầu ngành, bởi doanh nghiệp lớn sẽ có xu hướng phát triển, thâu tóm thị phần, và gây áp lực cho nhóm doanh nghiệp nhỏ.
Trong thời điểm hiện tại, ông Đức Anh đánh giá khá lạc quan cho nhóm ngành chứng khoán với kỳ vọng được hưởng lợi từ hệ thống KRX và câu chuyện giảm lãi suất.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng kỳ vọng sự hồi phục đến từ nhóm ngành bán lẻ. Trong năm 2023 với sự suy yếu của kinh tế vĩ mô, sức cầu của người dẫn ở mức rất thấp, các doanh nghiệp bán lẻ báo cáo số liệu lợi nhuận sụt giảm mạnh nhưng sang năm 2024 nếu câu chuyện vĩ mô khởi sắc hơn, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng sự tăng trưởng cao ở ngành bán lẻ.
Đối với nhóm ngân hàng, bất động sản cũng sẽ có cơ hội tăng trưởng. “Tuy nhiên, sẽ phải chờ thêm 1-2 quý đầu năm 2024 để đánh giá cụ thể, những ngành này vẫn còn một số yếu tố rủi ro mà chúng ta cần soát xét”, ông Đức Anh nhìn nhận.
Thế Mạnh
FILI
|