Thứ Ba, 16/01/2024 20:20

Chuyên gia khuyến nghị chính sách để thực hiện mục tiêu CPI trong năm 2024

Tăng thực hiện đầu tư công, chính sách tiền tệ lỏng, bình ổn ngoại hối, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng... là những chính sách được giới chuyên gia khuyến nghị nhằm kiểm soát mức tăng CPI đã đặt ra.

Năm 2024, người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với những quyết định quan trọng về chi tiêu và đầu tư. (Ảnh: Vietnam+)

Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc Hội thông qua tiêu tăng trưởng GDP từ 6%-6,5% và kiểm soát mức tăng CPI bình quân từ 4%-4,5% trong năm 2024, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao theo kế hoạch phát triển 5 năm của giai đoạn 2021-2025.

Nhiều thuận lợi để duy trì CPI bình quân

Trên cơ sở tiếp cận kinh tế vĩ mô, phân tích kinh tế, chính trị thế giới và trong nước, Phó giáo sư, Tiến sỹ Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính dự báo CPI bình quân quý1-2/2024 duy trì trong khoảng 3,2% -3,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Tiến sỹ Vũ Duy Nguyên, tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều thuận lợi cho duy trì CPI bình quân của Việt Nam. Năm 2024, lạm phát ở Trung Quốc dự báo tiếp tục ở mức thấp 0,5% trong khi cán cân thương mại của Trung Quốc với Việt Nam đạt mức 173,3 tỷ USD (năm 2023) với việc cung cấp đầu vào chủ yếu cho hoạt động sản xuất của Việt Nam, do đó rủi ro nhập khẩu theo lạm phát là thấp.

Hơn nữa, tình hình lạm phát tại các nền kinh tế lớn trên thế giới, đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang được kiểm soát (như Mỹ-Cán cân thương mại 110,6 tỷ USD, lạm phát 3,1% năm 2023 đang hướng tới mục tiêu 2%; EU-Cán cân thương mại 59,1 tỷ USD, lạm phát mức 2,9% năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu 2%) nên rủi ro gây ra lạm phát từ xuất khẩu cũng là thấp.

Trong nước, ông Nguyên chỉ ra một số thuận lợi nhờ chính sách kinh tế vĩ mô duy trì theo hướng chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng trên cơ sở “bệ đỡ” của dự trữ ngoại hối, nguồn thu ngân sách, thặng dư cán cân thương mại, thu hút và thực hiện giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng. Trên thực tế, lượng tiền gửi người dân vào các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng cao trong bối cảnh suất huy động giảm.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Phan Thế Công, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Thương mại, đưa ra một số đánh giá thận trọng có thể tác động đến lạm phát năm 2024. Cụ thể, kinh tế toàn cầu trong năm nay có thể ít biến động hơn so với 3 năm trước nhưng nhiều khả năng vẫn đang tìm kiếm sự cân bằng giữa lãi suất, tiền lương và giá cả so với mức trước đại dịch COVID-19.

Thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Công cũng chỉ ra các yếu tố gây áp lực gia tăng lạm phát và gây biến động về giá cả ở Việt Nam. Cụ thể, giá nguyên, vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao và dự báo cũng sẽ ở mức cao. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất và từ đó đẩy giá hàng hóa trong nước tăng lên.

Bên cạnh đó, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI. Ngoài ra, giá các mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục có thể tăng sau nhiều năm kìm giữ, tác động của tăng lương và giá các mặt hàng tiêu dùng gia tăng theo yếu tố mùa vụ. Các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cũng làm gia tăng tổng cầu, gây áp lực lạm phát của nền kinh tế. Những điều này khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với những quyết định quan trọng về chi tiêu và đầu tư.

Mặt khác, việc tỷ giá USD đi lên sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Chưa hết, việc điều chỉnh giá dịch vụ lại do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, chi phí sẽ tác động làm tăng CPI. Ngoài ra, giá vàng cũng được dự kiến tăng cao trong năm 2024. Trong đời sống, giá điện có thể tiếp tục tăng do nguyên liệu đầu vào như xăng, dầu, than đều đang ở mức cao. Cùng với đó, việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2024, sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên.

Điểm lưu ý khác, giá gạo trong nước dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng theo giá gạo thế giới do những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hạn chế hoặc cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước do tác động của El Nino gây sụt giảm sản lượng lương.

Khuyến nghị 6 chính sách

Trên cơ sở những phân tích trên, Tiến sỹ Vũ Duy Nguyên đưa ra sáu khuyến nghị về điều hành chính sách đảm bảo thực hiện mục tiêu CPI bình quân từ mức 4%-4,5% trong năm 2024.

Một là tăng cường thực hiện đầu tư công theo dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được Quốc Hội thông qua đi cùng kiểm soát tính hiệu hiệu quả, giá nguyên liệu đầu vào của các dự án.

Hai là tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng (Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất thấp và mở rộng tín dụng có kiểm soát). Tuy nhiên, ông Nguyên khuyến nghị thêm cần kiểm soát chặt chẽ về giải ngân tín dụng đúng mục đích và hiệu quả khi sử dụng vốn vào sản xuất, tiêu dùng nhằm đảm bảo sản lượng tổng cung và hiệu quả kinh doanh và gia tăng tổng cầu qua tiêu dùng cá nhân.

Ba là bình ổn thị trường ngoại hối và giá trị đồng tiền trong bối cảnh Chính phủ sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng (đi ngược với xu hướng chính sách các nước trên thế giới). Do đó, ông Nguyễn cho rằng cần duy trì tình trạng thặng dư cán cân thương mại đối với hàng hóa, tăng cường thu hút và giải ngân vốn FDI và thu hút ngoại tệ thông qua dự án đầu tư, qua đó góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ.

Bốn là thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Các bộ ngành nên chủ động đề xuất các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào các tháng đầu năm 2024.

Năm là chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Sáu là tăng cường công tác tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá.

Các cấp quản lý cần có chính sách đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. (Ảnh: Vietnam+)

Về điều này, chuyên gia Phan Thế Công nhấn mạnh áp lực lạm phát trong năm 2024 vẫn khá lớn, theo đó để kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu đề ra, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát trong nước để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Ông Công cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát để có các biện pháp ứng phó phù hợp. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh, những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hạn chế, cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực, giá gạo trong nước có thể bị tăng theo giá thế giới. Do vậy, các cấp quản lý cần có chính sách đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị khó lường, phức tạp.

“Đặc biệt, giảm lạm phát kỳ vọng trước các chính sách, giải pháp tài khoá, tiền tệ và điều chỉnh lương. Cộng đồng doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung cho thị trường hàng hoá và dịch vụ cũng như đầu tư về công nghệ, nhân sự và các lĩnh vực khác để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng,” ông Công chia sẻ./

Hạnh Nguyễn

Vietnamplus

Các tin tức khác

>   Chuyên gia: Không chủ quan trong kiểm soát giá cả, tránh tạo lạm phát kỳ vọng (16/01/2024)

>   TP.HCM triển khai Nghị quyết 98 rất khẩn trương (15/01/2024)

>   Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 theo dự báo của CIEM (15/01/2024)

>   Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV (15/01/2024)

>   Quốc hội họp bất thường lần thứ 5 khai mạc ngày 15/01, sẽ xem xét và thông qua 4 nội dung (15/01/2024)

>   Chuyên gia nghiên cứu Dragon Capital chỉ ra 2 cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 (11/01/2024)

>   'Vị trí của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục nâng lên' (11/01/2024)

>   HSBC: Năm Giáp Thìn sẽ mở ra nhiều hy vọng hơn cho Việt Nam (11/01/2024)

>   Để điểm sáng xuất khẩu của TPHCM đi đường dài (10/01/2024)

>   2024 - Năm của những điểm rơi (10/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật