Thứ Hai, 15/01/2024 21:30

TP.HCM triển khai Nghị quyết 98 rất khẩn trương

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Nghị quyết 98 là cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhưng ở góc độ bộ, ngành Trung ương, việc hướng dẫn thực hiện vẫn phải làm theo quy trình.

Chiều 15-1, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023.

Đây là phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo của TP.HCM về thực hiện Nghị quyết 98/2023 nhằm chuẩn bị nội dung báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện Nghị quyết 98 (Ban Chỉ đạo 850) do Thủ tướng làm trưởng ban.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98. Ảnh: HÀ THƯ

Tư duy cách làm, tổ chức để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tinh thần triển khai Nghị quyết 98 của TP.HCM rất khẩn trương. Ngay khi Quốc hội chưa thông qua nghị quyết, TP.HCM đã có sự chuẩn bị và đến khi nghị quyết được thông qua, TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách.

Tuy nhiên, ông Mãi cho biết việc thực hiện đang gặp nhiều vướng mắc. Theo ông, trong quá trình chuẩn bị các nghị định hướng dẫn thực hiện nghị quyết, ở góc độ các bộ, ngành, vẫn còn tư duy làm theo quy trình.

“Bản thân Nghị quyết 98 là cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhưng hướng dẫn thực hiện vẫn làm theo quy trình” – ông nói và đề nghị các sở, ngành TP phải nghiên cứu sâu, mạnh mẽ, phát biểu tập trung vào các điểm khó.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: HÀ THƯ

Chủ tịch TP.HCM cho rằng “muốn làm TOD, không thể đầu năm nói thì cuối năm có”, hay các vấn đề tín chỉ carbon, cơ chế về nhà đầu tư chiến lược, thu hút nguồn lực khoa học – công nghệ, tổ chức bộ máy… cũng cần được thảo luận kỹ.

“Bản thân Nghị quyết 98 không tự nhiên thành tiền, thành bạc, thành vật chất mà phải qua quá trình thực hiện tổ chức thực hiện” – ông Mãi nói.

Chia sẻ thêm, ông nhìn nhận việc mới, việc khó thì tư duy cách làm như thế nào, tổ chức nguồn lực để triển khai ra sao để thực hiện nghị quyết hiệu quả.

Nhiều khung pháp lý hướng dẫn chưa kịp tiến độ

Báo cáo về kết quả bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 98, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết HĐND TP.HCM đã thông 24 nghị quyết cụ thể hóa 19/27 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền, còn UBND TP.HCM đã hoàn thành 6/25 nội dung, cho ý kiến để các cơ quan chủ trì bổ sung hoàn thiện 19/25 nội dung còn lại.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: HÀ THƯ

Nói rõ hơn về các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 98, liên quan đến công tác phối hợp với bộ, ngành, ông Hoan cho biết việc ban hành khung pháp lý hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị quyết 98 chưa kịp tiến độ đề ra. Do đó, TP chưa có cơ sở để triển khai một số nội dung chính sách theo quy định.

Trong đó, phải kể đến các nghị định của Chính phủ về quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân liên quan đến các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hướng dẫn việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường; phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho TP.HCM.

Theo lãnh đạo TP.HCM, đến nay các nghị quyết này vẫn chưa được ban hành.

Lãnh đạo TP.HCM cũng nhìn nhận chưa có cơ chế phối hợp giữa TP và bộ, ngành Trung ương, nhất là phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 98. Hiện nay, các kiến nghị của TP đều báo cáo trực tiếp Thủ tướng, về lâu dài, việc này không phát huy được vai trò của thành viên Ban Chỉ đạo 850.

Tại TP.HCM, một số chính sách cần thêm thời gian mới có thể triển khai được trên thực tế do phải tuân thủ các bước quy trình thủ tục. Trong đó, chính sách thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) cần phải thực hiện nhiều bước. Cụ thể, rà soát quy hoạch đô thị, rà soát quỹ đất, điều chỉnh quy hoạch dọc hai bên tuyến và vùng phụ cận xung quanh nhà ga và tuyến Metro số 1, số 2, tuyến Vành đai 3, xác định nguồn vốn bố trí để thu hồi đất đấu giá.

Ngoài ra, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cần bổ sung chức năng khu bến cảng Cần Giờ tại quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.

Đồng thời, phải thực hiện trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác để có quỹ đất thu hút nhà đầu tư chiến lược thì mới có căn cứ trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án…

LÊ THOA

Pháp luật TPHCM


Các tin tức khác

>   Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 theo dự báo của CIEM (15/01/2024)

>   Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV (15/01/2024)

>   Quốc hội họp bất thường lần thứ 5 khai mạc ngày 15/01, sẽ xem xét và thông qua 4 nội dung (15/01/2024)

>   Chuyên gia nghiên cứu Dragon Capital chỉ ra 2 cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 (11/01/2024)

>   'Vị trí của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục nâng lên' (11/01/2024)

>   HSBC: Năm Giáp Thìn sẽ mở ra nhiều hy vọng hơn cho Việt Nam (11/01/2024)

>   Để điểm sáng xuất khẩu của TPHCM đi đường dài (10/01/2024)

>   2024 - Năm của những điểm rơi (10/01/2024)

>   Bloomberg dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam trong năm 2024 (09/01/2024)

>   TS. Võ Trí Thành: Kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất (09/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật