Thứ Tư, 10/01/2024 11:33

Để điểm sáng xuất khẩu của TPHCM đi đường dài

Sáng ngày 09/01, diễn đàn kinh tế vĩ mô năm 2024 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược" do Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức với sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng.

Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TPHCM, sử dụng câu chuyện kinh tế giai đoạn 2012 – 2019 để dẫn dắt đến năm 2023.

Theo ông Trung, kinh tế Việt Nam năm 2023 ghi nhận nhiều yếu tố tích cực. Chính sách tiền tệ được thực hiện với rất nhiều nội dung, trong đó có 4 lần hạ thấp lãi suất; tăng trưởng tín dụng 13.71% hoàn toàn phù hợp với cân đối vĩ mô. Chính sách tài khóa đã thực hiện tốt các vấn đề về giảm, hoãn, trong đó có giảm thuế về đất đai. Ngoài ra, đầu tư công được giải ngân trên 80%.

“Chúng ta đạt tăng trưởng 5.05%, thấp hơn kỳ vọng nhưng cao hơn phần lớn các nước trong khu vực và trong nhóm cao của thế giới nhờ vào sự am hiểu sâu sắc của Chính phủ” – ông Trung chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TPHCM

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng cần nhìn thẳng vào từng vấn đề để có giải pháp cụ thể. Chẳng hạn ở TPHCM, thực sự tiêu dùng đang cầm chừng, thông qua thống kê cho thấy mức giảm tương đối của dân cư trong việc chi tiêu mua sắm hàng hóa tiêu dùng cao cấp đến hàng hóa thường xuyên, do đó chỉ số bán lẻ chưa được một nửa của năm 2022.

Theo đó, cần nhân rộng mô hình xúc tiến thương mại của TPHCM như livestream bán hàng, tổ chức đại hội mua sắm trực tuyến để người dân tiếp cận mạnh mẽ và đồng thời kích thích hành vi mua sắm hơn nữa. Giảm thuế VAT cần tiếp tục duy trì qua đó giảm trực tiếp giá bán trong bối cảnh thu nhập chưa có sự thay đổi đáng kể.

Điểm sáng năm qua là xuất khẩu dịch vụ du lịch đã tăng rất mạnh, gấp ba lần so với năm trước đó. Đồng thời, việc đầu tư cần được chú trọng hơn vào các thành phố thật sự là điểm đến quan trọng, các thành phố phải đạt được những đảm bảo kỹ thuật giống TPHCM.

Về đầu tư, năm 2023 vừa qua, các tập đoàn công nghệ cao của Mỹ và Trung Quốc đã có những chuyến thăm cũng như cam kết đầu tư công nghệ xanh, điện sạch, đầu tư hạ tầng, bưu chính viễn thông.

Ông Trung đề nghị tận dụng tối đa, đặc biệt là TPHCM tiếp tục duy trì việc “bay cùng đại bàng lớn” là các tập đoàn công nghệ như từng thu hút thành công đối với Samsung, Intel,…trước đây.

Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu năm 2024 chưa hoàn toàn khả quan. Ngoài ra, các yêu cầu về quy trình xanh, tăng trưởng xanh để nhập hàng tại thị trường này là rào cản kỹ thuật. Thay vào đó, ông Trung đề xuất chọn thị trường Ấn Độ, có vẻ gần địa lý hơn, đỡ tốn chi phí hơn.

Ông Trung cho rằng cần đầu tư nhiều hơn cho TPHCM để làm “hiệu ứng lan tỏa” và kéo theo các khu vực khác cùng đi lên nhưng cũng không nên tạo ra khoảng cách quá xa.

“…như cuộc sống, sốt và ốm là một điều bắt buộc để mình bình tĩnh điều chỉnh để có được khoảng lặng, biết đâu lại là cơ hội tốt, để ngồi nghĩ những điều lớn lao hơn cho dài hạn, thay vì luôn cố gắng ngay cả khi ốm, sẽ có thể tốn hại rất nhiều cho sức khỏe…” – ông Trung chốt lại phần chia sẻ.

Phát biểu tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành và GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM có cùng quan điểm khi cho rằng tình hình kinh tế tài chính Việt Nam cho đến hôm nay đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất, khó khăn nhất.

Áp lực lãi suất, lạm phát, tỷ giá đã đỡ hơn rất nhiều, trái phiếu trải qua cơn chấn động và bắt đầu “rục rịch” phục hồi, dù vậy vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Ông Bảo cũng kỳ vọng độ trễ của sự lan tỏa đầu tư công lên tổng cầu và tổng đầu tư từ chương trình của Chính phủ sẽ có điểm rơi vào năm 2024.

2024 - Năm của những điểm rơi

Không nên lạc quan hay bi quan

Tại diễn đàn, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Tổng biên tập Tạp chí JABES đưa ra góc nhìn trung dung.

Theo ông Hoài, không nên lạc quan hay bi quan mà phải nhìn vào bối cảnh đã, đang và sẽ diễn ra để có những đầu tư mang tính trung hạn, thậm chí là dài hạn để đưa TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung lên tầm cao mới, để ít nhất đến năm 2030 đạt được niềm tin thu nhập bình quân vượt khỏi các nước có thu nhập trung bình thấp.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Tổng biên tập Tạp chí JABES

Ông cũng đồng tình với ý kiến của ông Trung về điểm sáng của TPHCM trong năm qua là tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ, trong khi đó đóng góp của khu vực công nghiệp “tịnh tiến” chậm dần.

Tương tự, xuất khẩu tại TPHCM là điểm sáng nhưng vẫn phụ thuộc vào thị trường truyền thống như châu Âu và Mỹ. Dù vậy, việc tái cấu trúc thị trường xuất khẩu lại là vấn đề lớn do đụng đến văn hóa, các rào cản khác về mặt kỹ thuật, đụng đến các đối thủ cạnh tranh khác.

Để đạt được niềm tin, kỳ vọng dài hạn về một sự thịnh vượng, hạnh phúc của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đến năm 2030, thời điểm hiện tại cần cẩn trọng nêu ra những điểm sáng và những hy vọng trong năm 2024, đồng thời nhìn nhận những mặt hạn chế mang tính trung và dài hạn về mặt năng suất.

Chẳng hạn, việc sử dụng công nghệ làm sao để nâng cao năng suất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, từ đó tạo ra công việc chất lượng cao, thu nhập cao cho người lao động mới hy vọng năng suất lao động thay đổi.

“Chúng ta đừng dựa quá nhiều vào điểm sáng, phải nhìn vào thực trạng để chúng ta có những hoạch định chắc chắn trong trung và dài hạn” – ông Hoài chốt lại.

Tham dự diễn đàn còn có GS.TS Sử Đình Thành, hiện đang là Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM. Ông Thành cho biết, vốn tích lũy của nền kinh tế nói chung và TPHCM nói riêng hầu hết dựa trên vốn FDI, còn một phần là của đầu tư công. Một số tổng công ty, doanh nghiệp vốn Nhà nước hiện nay vận hành không hiệu quả, vốn tích lũy nhiều nhưng thiếu đóng góp cho tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Nhằm chuẩn bị nguồn lực đón các “đại bàng” vào TPHCM, ông Thành cho biết lộ trình kỳ vọng đến năm 2030 phải có 50 ngàn kỹ sư, nhưng sẽ không thể đạt được nếu thiếu các chính sách sắc hơn, dài hạn hơn.

GS.TS Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM

Tử Kính

FILI

Các tin tức khác

>   Thủ tướng chỉ đạo gỡ khó về định mức, đơn giá, vật liệu xây dựng công trình giao thông (10/01/2024)

>   Hà Nội đặt mục tiêu thu nhập bình quân 45.000-46.000 USD/người (10/01/2024)

>   Thủ tướng: Ngành đường sắt đang thay đổi tích cực, phải quyết tâm làm đường sắt tốc độ cao (09/01/2024)

>   Khởi tố và bắt tạm giam Tổng Giám đốc Tổng CTCP Sông Hồng Lã Tuấn Hưng (09/01/2024)

>   EuroCham: Niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi (09/01/2024)

>   Kết luận vụ án tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (08/01/2024)

>   Vụ Việt Á: Vì sao 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh được đề nghị mức án dưới khung? (08/01/2024)

>   Choáng với giá cước vận chuyển hàng đi Mỹ, châu Âu (08/01/2024)

>   Lý do loạt dự án điện khí bế tắc, hơn 10 năm chỉ 1 dự án vận hành (08/01/2024)

>   Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao kế hoạch đạt lãi hơn 320 tỷ đồng (08/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật