Thứ Hai, 08/01/2024 10:44

Lý do loạt dự án điện khí bế tắc, hơn 10 năm chỉ 1 dự án vận hành

Đến thời điểm tháng 12/2023, mới chỉ 1 nhà máy điện khí là Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) đã đưa vào vận hành năm 2015. Trung bình 1 nhà máy điện khí phải mất 7,5 năm mới có thể đưa vào vận hành.

Trung bình mất 7,5 năm mới xong 1 dự án

Bộ Công Thương vừa gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thực hiện các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII.

Điện khí có tiến độ đầu tư rất chậm.

Theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án), trong đó: tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án), tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng LNG là 22.524 MW (13 dự án).

Đến thời điểm tháng 12/2023, mới chỉ 1 nhà máy điện khí là Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) đã đưa vào vận hành năm 2015, hiện tại sử dụng nhiên liệu dầu. Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I sẽ chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí sau khi có khí từ mỏ khí Lô B.

1 dự án đang xây dựng là dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, công suất 1.624 MW, tiến độ đạt 73%. Dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 sử dụng LNG từ Kho cảng LNG Thị Vải.

Hiện tại, dự án Kho cảng LNG Thị Vải đã hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng, sẵn sàng cấp LNG cho dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.

Còn lại 18 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng.

Đánh giá tiến độ của các dự án điện khí, Bộ Công Thương cho hay tiến độ xây dựng của các tổ máy tuabin khí chu trình kết hợp, từ khi được giao chủ đầu tư đến khi đưa vào vận hành thương mại cần ít nhất khoảng 7,5 năm. Trong đó, thời gian đàm phán Hợp đồng mua bán điện (Hợp đồng PPA), thu xếp vốn vay khoảng 2-4 năm.

"Thời gian của giai đoạn này là khó xác định và có độ dao động rất lớn, vì phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm và tài chính của nhà đầu tư và các yêu cầu cụ thể trong Hợp đồng PPA", Bộ Công Thương lưu ý.

Thực tiễn như dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 đã tiến hành thi công xây dựng (hiện nay được khoảng 73%) nhưng chưa ký được Hợp đồng PPA và thu xếp xong vốn vay.

Theo Bộ Công Thương, các dự án điện khí có thể đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030, gồm: các dự án điện trong Trung tâm điện lực Ô Môn; Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4; Hiệp Phước. Tổng công suất các dự án đưa vào vận hành trước năm 2030 là 6.634 MW.

Các dự án còn lại chỉ có thể đưa vào vận hành đến năm 2030 nếu hoàn thành đàm phán Hợp đồng PPA và thu xếp vốn vay trước năm 2027. Các dự án điện khí thuộc chuỗi khí điện (Lô B, Cá Voi Xanh) còn phụ thuộc vào tiến độ của dự án thượng nguồn để đảm bảo hiệu quả chung của cả chuỗi dự án.

Chủ đầu tư đòi hỏi cao

Ở phía các chủ đầu tư trong nước, nhà đầu tư thường đòi hỏi trong Hợp đồng PPA cần cam kết sản lượng dài hạn ổn định hoặc bao tiêu sản lượng điện hoặc chuyển ngang cam kết sản lượng mua khí từ Hợp đồng mua khí sang hợp đồng mua điện; chuyển ngang giá khí sang giá điện.

Còn các chủ đầu tư nước ngoài luôn có những yêu cầu rất khác biệt. Ngoài những yêu cầu nêu trên, các chủ đầu tư nước ngoài còn yêu cầu ngôn ngữ Hợp đồng PPA là tiếng Anh và tiếng Việt nếu có sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt thì tiếng Anh được ưu tiên áp dụng; Luật áp dụng nước ngoài (Anh hoặc Singapore). Các chủ đầu tư nước ngoài yêu cầu Chính phủ bảo lãnh thanh toán và chấm dứt hợp đồng của EVN, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh rủi ro liên quan đến tiến độ dự án đấu nối và truyền tải, các sự cố lưới điện và truyền tải…

Bộ Công Thương cho rằng: Quy định vận hành thị trường điện hiện hành không quy định về việc cam kết bao tiêu sản lượng điện tối thiểu đối với các nhà máy tham gia thị trường điện (bao tiêu về mặt vật lý). Việc quy định cơ chế bao tiêu sản lượng điện về mặt vật lý đối với các đơn vị tham gia thị trường điện là không phù hợp với Điều 17 Luật Điện lực nêu trên và Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Để có cơ sở triển khai các dự án điện khí trong thời gian tới, căn cứ quy định hiện hành, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN và chủ đầu tư các nhà máy điện thực hiện đàm phán, thỏa thuận sản lượng điện hợp đồng và bổ sung vào hợp đồng mua bán điện.

Tuy nhiên, việc EVN thỏa thuận, cam kết sản lượng điện hợp đồng dài hạn với chủ đầu tư các dự án điện khí sẽ phát sinh các tồn tại vướng mắc trong thực tế đối với EVN (là bên mua điện của dự án).

Trong đó có trường hợp có thời điểm sản lượng mà EVN cam kết mua từ nhiều nhà máy điện sẽ bị vượt quá so với nhu cầu thực tế. Khi đó nhà máy sẽ không phát điện nhưng EVN vẫn phải trả tiền điện, ảnh hưởng đến cân đối tài chính của EVN trong trường hợp giá bán lẻ điện không được điều chỉnh kịp thời.

Tuy nhiên, đối với việc triển khai các dự án điện khí trong nước như chuỗi dự án điện khí – điện như Lô B, Cá Voi Xanh sẽ đem lại hiệu quả, đóng góp vào ngân sách nhà nước, vì vậy Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao các bộ liên quan xây dựng cơ chế tài chính cho EVN, PVN trong việc triển khai đồng bộ chuỗi dự án khí, điện, không tạo sức ép lên giá điện và gánh nặng cho EVN.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đối với cơ chế bao tiêu khí – điện theo nguyên tắc chuyển ngang (chuyển ngang giá khí sang giá điện, chuyển quy định về bao tiêu sản lượng khí trong các hợp đồng mua bán khí sang các hợp đồng mua bán điện), giao Bộ Công Thương chỉ đạo các bên liên quan đàm phán hợp đồng mua bán khí, hợp đồng bán khí, hợp đồng mua bán điện theo nguyên tắc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Đến nay, Thường trực Chính phủ đã có ý kiến đồng ý về nguyên tắc chuyển ngang giá khí sang giá điện đối với dự án Lô B, Cá Voi Xanh, LNG Nhơn Trạch 3&4.

Riêng đối với nội dung bao tiêu sản lượng điện, sản lượng khí của dự án LNG Nhơn Trạch 3&4, Thường trực Chính phủ có ý kiến: “Việc đàm phán bao tiêu sản lương điện và sản lượng khí là thỏa thuận sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp”.

Do những khó khăn, vướng mắc trong phát triển các dự án điện khí (bao gồm dự án điện sử dụng khí khai thác trong nước và LNG), điện gió ngoài khơi là những vấn đề rất mới, liên quan đến nhiều cấp có thẩm quyền, các bộ, ngành. Vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ công tác liên ngành của Chính phủ để tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách và các vấn đề cấp bách, quan trọng, đồng thời đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm đồng bộ, khả thi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Lương Bằng

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao kế hoạch đạt lãi hơn 320 tỷ đồng (08/01/2024)

>   Chủ tịch TPHCM: Không để lặp lại kịch bản tăng trưởng thấp như quý 1/2023 (08/01/2024)

>   Khởi tố thêm 2 thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Chè Việt Nam (07/01/2024)

>   Đề nghị truy tố người mẫu Ngọc Trinh về tội 'Gây rối trật tự công cộng' (06/01/2024)

>   Èo uột mùa bia Tết (06/01/2024)

>   Thứ trưởng Bộ GTVT: Năm 2023 chúng ta đã đưa vào khai thác 475 km cao tốc (06/01/2024)

>   Khởi tố 08 bị can trong vụ án khai thác đất hiếm trái phép (05/01/2024)

>   Từ ngày 1/2 sẽ tăng phí 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý (05/01/2024)

>   Khởi tố, bắt tạm giam Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái (04/01/2024)

>   Sớm đưa ra xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (04/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật