Thứ Ba, 16/01/2024 09:45

Chuyên gia: Không chủ quan trong kiểm soát giá cả, tránh tạo lạm phát kỳ vọng

Theo các chuyên gia để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4-4,5%, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả.

Khách hàng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Co.opmart Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2024 dự báo lạm phát sẽ không đáng quan ngại, nhưng không vì thế Việt Nam có thể chủ quan trong kiểm soát giá cả, tránh tạo lạm phát kỳ vọng vì tình hình kinh tế trong nước vẫn có biến động khó lường, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới chưa được kiểm soát.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính (Học viện Tài chính) dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 sẽ tăng ở mức từ 3,2-3,5%.

Theo Phó Giáo sư, tiến sỹ Vũ Duy Nguyên, nguyên nhân chính là do lạm phát tại các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU có xu hướng giảm về mức 2% và cầu tiêu dùng dần phục hồi. Giá dầu và một số hàng hóa lương thực không có nhiều rủi ro tăng mạnh.

Chính sách tài khóa mở rộng kết hợp chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng vẫn duy trì nhưng không mạnh như cuối năm 2023. Thị trường bất động sản chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi.

Bà Vũ Hương Trà, Phó Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cũng dự báo năm 2024, giá xăng dầu được đánh giá ổn định nhưng đây là một yếu tố rất khó lường bởi biến động chính trị, nếu tiếp tục đứt gãy vận chuyển, giá dầu có thể sẽ là một ẩn số.

Ngoài ra, một yếu tố có thể tăng áp lực là những mặt hàng do Nhà nước giữ bình ổn theo lộ trình để hỗ trợ người dân đến thời điểm điều chỉnh giá.

Cụ thể, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đánh giá Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.

Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và trình Chính phủ sửa đổi dự kiến trong năm 2024, khung giá dịch vụ giáo dục có thể giữ ổn định hoặc điều chỉnh với khu vực ngoài công lập. Đây là yếu tố có thể tác động lên CPI trong năm 2024.

Cùng với đó, dịch vụ y tế và giá điện điều chỉnh vào cuối năm 2023 nên năm 2024 sẽ chịu ảnh hưởng. Việc điều chỉnh giá điện tiếp hay không sẽ phụ thuộc vào sự tính toán của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và sự phối hợp của Bộ Tài chính.

Theo bà Vũ Hương Trà, CPI của năm 2024 có thể sẽ xoay quanh 4% do cộng hưởng từ yếu tố thị trường và quản lý nhà nước.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước sẽ còn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, các chuyên gia đều cho rằng việc kiểm soát lạm phát năm 2024 vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng mạnh, không nên chủ quan.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng những yếu tố chính có thể gây áp lực với lạm phát năm 2024 là giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp.

Từ đó, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Đồng USD tăng giá cũng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Năm 2024, Việt Nam cũng thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục cũng tác động làm tăng CPI.

Ngoài ra, việc thực hiện cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ giữa năm 2024 sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng.

Do đó, theo các chuyên gia để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4-4,5%, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam.

Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để đưa ra chính sách phù hợp.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, muốn ổn định thị trường giá cả nội địa để kiểm soát lạm phát cần xây dựng quy hoạch phát triển theo vùng một cách ổn định; sản xuất gắn với kho dự trữ và cơ sở chế biến sâu, nhằm tăng giá trị cho sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cùng đó, tiêu thụ hàng hóa chủ động theo chuỗi sản xuất phân phối của từng mặt hàng nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú nêu rõ điều hành giá cả các mặt hàng quan trọng là đầu vào của sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng gia đình như điện, xăng dầu, than theo hướng từng bước vận hành theo cơ chế thị trường, tăng cạnh tranh bình đẳng, giảm điều hành theo kiểu hành chính, nhiều đầu mối quản lý. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ giá bán cho sản xuất, tiêu dùng công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Duy Nguyên khuyến nghị các bộ, ngành nên chủ động đề xuất các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào các tháng đầu năm 2024 (thời điểm Tết âm lịch). Hoặc, dồn vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, đồng thời giảm bớt áp lực cho điều hành giá, kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, có phương án giảm những tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu.

Ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết năm 2024, Cục sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong quản lý giá để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Song song với đó, giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường trong nước để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá, đặc biệt trong các thời điểm có biến động giá như lễ, tết, điều chỉnh chính sách tiền lương.

Cục Quản lý giá cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình. Cùng đó, tăng cường kiểm tra, giám sát kê khai, niêm yết giá; chú trọng thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng./.

Thùy Dương

Vietnamplus

Các tin tức khác

>   TP.HCM triển khai Nghị quyết 98 rất khẩn trương (15/01/2024)

>   Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 theo dự báo của CIEM (15/01/2024)

>   Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV (15/01/2024)

>   Quốc hội họp bất thường lần thứ 5 khai mạc ngày 15/01, sẽ xem xét và thông qua 4 nội dung (15/01/2024)

>   Chuyên gia nghiên cứu Dragon Capital chỉ ra 2 cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 (11/01/2024)

>   'Vị trí của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục nâng lên' (11/01/2024)

>   HSBC: Năm Giáp Thìn sẽ mở ra nhiều hy vọng hơn cho Việt Nam (11/01/2024)

>   Để điểm sáng xuất khẩu của TPHCM đi đường dài (10/01/2024)

>   2024 - Năm của những điểm rơi (10/01/2024)

>   Bloomberg dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam trong năm 2024 (09/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật