Trung và dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn trong xu hướng hồi phục
Cuối tuần qua, thông tin về kết luận điều tra vụ án của bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được công bố. Những con số về ngân hàng SCB cũng như các công ty liên quan đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phiên sáng 20/11.
Thị trường đầu phiên sáng 20/11 diễn ra trong không khí tiêu cực và bao trùm sắc đỏ hầu hết các nhóm ngành. Hàng loạt các cổ phiếu VN30 giảm mạnh như SSB, MBB, TCB, BCM, STB, ACB, SHB, HDB, SSI… Riêng VCB và VRE là 2 mã duy nhất trong nhóm le lói sắc xanh.
Kết phiên sáng, sắc đỏ tạm thời chiếm ưu thế hơn khi nhìn vào tổng thể toàn ngành. VN-Index dừng ở mức 1,100.19 điểm, giảm 0.09%. Trong đó, ngành nông - lâm - ngư đang là ngành tăng mạnh nhất với mức tăng 1.73%. Ở chiều ngược lại, sản xuất thiết bị, máy móc là ngành giảm mạnh nhất với mức giảm 1.54%.
Khối ngoại mua ròng hơn 283 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng hơn 2 tỷ đồng.
Trong ngắn hạn, tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thể ổn định
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định những thông tin công bố về vụ án điều tra của bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát công bố cuối tuần qua đã phần nào ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Thị trường cổ phiếu dù không phải là thị trường trái phiếu, nhưng cũng sẽ có tác động nhất định đến tâm lý của nhà đầu tư nói chung. Chính vì thế, thị trường chứng khoán trong phiên sáng 20/11 trong xu thế giảm điểm, nhưng đã bắt đầu hồi phục về cuối phiên sáng.
Thế nhưng, có một điều chắc chắn, thị trường chứng khoán điều chỉnh do đang bị ảnh hưởng bởi vụ điều tra của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Trong ngắn hạn, tâm lý của nhà đầu tư vẫn sẽ chưa ổn định, sau vụ việc Vạn Thịnh Phát, nhiều nhà đầu tư hoang mang, những người đã mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát, và tâm lý thị trường chứng khoán cũng đã dao động, sắp tới cũng phải mất một thời gian, tâm lý nhà đầu tư mới có thể ổn định lại.
Dòng vốn bắt đáy sẽ xuất hiện nếu có thêm những phiên điều chỉnh
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu – Trưởng phòng phân tích CTCK KIS Việt Nam cũng cho rằng, thông tin gây ảnh hưởng tiêu cực làm cho thị trường chứng khoán điều chỉnh phiên sáng 20/11 là do ảnh hưởng từ thông tin vụ điều tra của bà Trương Mỹ Lan.
Tuy nhiên, lại có vấn đề khá tích cực là dòng tiền bắt đáy trở lại vào gần cuối phiên sáng. Bởi vì thị trường chứng khoán đã giảm khá mạnh từ cuối tháng 9/2022 khoảng 15%. Ở thời điểm này, dù sau kết quả kinh doanh, nhiều doanh nghiệp công bố không đạt như kỳ vọng, nhưng với sự điều chỉnh từ năm trước, thị trường ở thời điểm này đang ở vùng định giá tương đối hấp dẫn. Vì vậy khi có những phiên điều chỉnh sẽ kích thích dòng vốn bắt đáy vào thị trường, đặc biệt như thông tin vào phiên sáng như 20/11.
Thông thường, những thông tin tiêu cực sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân, còn những nhà đầu tư tổ chức đã có dự đoán trước đó. Có sự phục hồi trong cuối phiên sáng là do tâm lý khi thị trường đang ở mức thấp, một số nhà đầu tư nhận thấy vùng giá này đang tốt để đầu tư trung và dài hạn. Có thể trong phiên chiều áp lực bán vẫn gia tăng, như tập trung ở nhà đầu tư cá nhân nhiều.
Hiện tại các nền tảng cơ bản đều khá tốt, ông Trần Trương Mạnh Hiếu đánh giá trong trung và dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn theo xu hướng phục hồi. Việc tác động trong phiên 20/11 hoặc trong thời gian ngắn tới đây, sẽ tạo ra vùng giá mua hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Dòng vốn bắt đáy sẽ xuất hiện nếu có thêm những phiên điều chỉnh.
Riêng tác động của nhóm cổ phiếu ngân hàng, ông Hiếu cho rằng không có tác động nhiều. Trong ngắn hạn, sẽ chỉ xuất hiện tình trạng giá cổ phiếu vua biến động. Về kết quả kinh doanh nội tại của các ngân hàng, ngân hàng đã đánh giá và dự phòng từ đầu năm. Điều này phản ánh qua việc kỳ vọng lợi nhuận trong năm nay đã thấp hơn các năm trước cũng như câu chuyện tín dụng tăng trưởng chậm. Đi kèm với đó, các ngân hàng đã có sự chuẩn bị và trích lập dự phòng cao hơn.
Do đó những thông tin điều tra chỉ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân, liên quan đến giá cổ phiếu.
* Sức khỏe SCB đã xấu từ năm 2017 nhưng bị “bưng bít”
* Chuỗi thủ đoạn Trương Mỹ Lan sử dụng để “rút ruột” hơn 304 ngàn tỷ từ SCB
* Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 304 ngàn tỷ đồng của SCB
Cát Lam
FILI
|