Thứ Hai, 13/11/2023 19:01

Ngân hàng nói gì về lãi suất cho vay quá cao?

Trong khi doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất cho vay từ 9-10%/năm là quá cao, các ngân hàng lại cho rằng với mức lãi này chỉ vừa đủ giá vốn.

Ngày 13-11, NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công điện 933 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường bất động sản.

Doanh nghiệp kêu trời lãi suất cho vay cao

Tại đây, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: "Nhìn chung, mặc dù thị trường chưa đủ lực để vượt dốc nhưng cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ mất kiểm soát.

Chỉ số giao dịch thành công được ghi nhận tăng theo từng quý. Riêng trong quý III, thị trường ghi nhận 6.000 giao dịch, cao gấp hơn hai lần so với quý I nhưng chỉ bằng 10% so với thời điểm trước dịch.

Về giá trên thị trường sơ cấp không thay đổi nhiều so với quý trước, đã bắt đầu đi ngang, thậm chí tăng nhẹ tại một số địa phương có dấu hiệu phục hồi tiêu dùng.

Đáng chú ý, sản phẩm thấp tầng giảm giá, chấp nhận lỗ nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức giá sơ cấp từ các chủ đầu tư. Giá thuê căn hộ tiếp tục tăng và các chủ đầu tư tiếp tục cuộc đua về chính sách bán hàng, ưu đãi lãi suất để kích cầu.

Thực trạng sức khoẻ của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có dấu hiệu được cải thiện. Trung bình, mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Riêng các sàn giao dịch bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này chỉ giữ lại một số vị trí chủ chốt, còn lại buộc phải sa thải hàng loạt nhân viên."

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Vingroup cho biết: “Hiện nay các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay lãi suất thấp và các khoản vay cũ thương mại vẫn chịu lãi suất cao.

Việc hạn chế room tăng trưởng tín dụng dẫn đến các ngân hàng cân nhắc lựa chọn khách hàng ưu tiên khi cho vay. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản hiện vẫn giảm chưa như kỳ vọng.

Nhiều ngân hàng chỉ giải ngân đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo là bất động sản, trong khi cổ phiếu, máy móc thiết bị, quyền tài sản phát sinh từ dự án cũng không được xem là tài sản đảm bảo.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính, thủ tục thẩm tra các hồ sơ vay vốn dự án trì trệ kéo dài cũng gây thiệt hại cho các doanh nghiệp”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.INVEST cho biết thêm: Các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang phải vay với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất đầu vào của các ngân hàng, chưa kể thời gian phê duyệt hồ sơ tín dụng kéo dài từ 2-3 tháng.

"Hiện nay, các ngân hàng chỉ cho vay với chi phí nộp tiền sử dụng đất, thiết kế, thi công dự án mà không cho vay vốn đối với chi phí đền bù giải phóng mặt bằng trả trực tiếp cho các hộ dân trong khi chi phí này rất lớn. Do đó, chúng tôi đề nghị ngân hàng xem xét cho vay đối với chi phí giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị các ngân hàng thương mại cần ban hành danh mục hồ sơ vay vốn theo hướng chỉ thu thập những giấy tờ pháp lý chính như chấp nhận chủ trương đầu tư, quy hoạch 1/500, giấy chứng nhận quyền sử dụng, giấy phép xây dựng… thay vì những giấy tờ chỉ mang tính hình thức như biên bản cuộc họp đại hội cổ đông" - ông Hiệp nói.

Ngân hàng tích cực giảm lãi suất cho vay

Ngân hàng tích cực giảm lãi suất cho vay

Vì sao ngân hàng nói lãi suất cho vay đã rất thấp?

Ông Hoàng Hải cho rằng: “Đây là giai đoạn quan trọng, mang tính quyết định cho sự chuyển mình của thị trường bất động sản. Do đó, cùng với việc gỡ các nút thắt về pháp lý thì nguồn vốn của khách hàng, niềm tin của nhà đầu tư chính là chốt chặn cuối cùng cần giải tỏa để thị trường trở về trạng thái bình thường mới”.

Trước ý kiến của nhiều doanh nghiệp cho rằng lãi suất cho vay bất động sản hiện vẫn còn cao so với lãi suất huy động, lãnh đạo ngân hàng MB cho biết: "Lãi suất cho vay trong giai đoạn này đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Hiện tại, lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân tại MB chỉ khoảng 7-8%/năm, cho vay tổ chức từ 8-9%/năm trong khi lãi suất tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn neo ở mức cao. Do đó, các doanh nghiệp kỳ vọng hạ thấp lãi suất thêm nữa là điều vô cùng khó trong giai đoạn này."

Có doanh nghiệp cho rằng vì sao ngân hàng huy động bình quân chỉ có 4,6%/năm mà lãi suất cho vay lên đến 9,5%/năm. Lý giải về điều này, giám đốc ngân hàng MB cho biết lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân có thể là 4-6,5%/năm, tỉ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa chỉ có 30%.

Như vậy, để cho vay vốn dài hạn thì ngân hàng đi huy động với kỳ hạn từ 24 tháng trở lên. Hiện nay, mức lãi suất huy động kỳ hạn này đang là từ 6,5%/năm.

Hoặc ngân hàng phải đi vay từ các tổ chức tín dụng, các định chế nước ngoài với lãi suất USD bình quân từ 7-8%/năm, hoặc huy động từ kênh phát hành trái phiếu.

Như vậy, giá vốn bình quân của các ngân hàng để cho vay trung dài hạn phải từ 6,5-7%/năm. Chính vì vậy, lĩnh vực bất động sản đang được vay từ 9-10%/năm đã là mức lãi suất rất tốt rồi. Còn ngân hàng cho vay với lãi suất trung dài hạn từ 9-10%/năm thì cơ bản chỉ đủ hòa vốn.

Hơn nữa, lãi suất tiền gửi neo cao ở mức 9-10%/năm kéo dài từ quý IV-2022 đến hết quý I-2023. Hiện giờ ngân hàng vẫn đang phải trả mức lãi suất này cho những khách hàng chọn kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.

Dự kiến, mức lãi suất này phải từ quý IV-2023 mới giảm dần và sang đến hết quý I-2024 các sổ tiết kiệm có mức lãi suất cao này mới đến kỳ đáo hạn.

"Vậy nên, giá vốn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng vẫn đang rất cao, phải chờ đến quý II năm sau, các ngân hàng mới có giá vốn thấp. Trong giai đoạn này, cứ mỗi ba tháng chúng tôi lại điều chỉnh lãi suất cho vay một lần vậy nên lãi suất cho vay cũ cơ bản đã được giảm, không còn cao như trước nữa" - vị lãnh đạo này nói.

Được biết, thời gian tới, Thống đốc NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

THUỲ LINH

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Xử phạt 2 công ty đa cấp hơn 300 triệu đồng (13/11/2023)

>   Giới thiệu tọa đàm về an toàn trong sản xuất nông nghiệp (13/11/2023)

>   Xe Indonesia giá từ 339 triệu đồng/chiếc nhập nhiều về Việt Nam (13/11/2023)

>   Xuất khẩu cá tra: ‘ánh sáng’ đã quay trở lại? (13/11/2023)

>   Sóc Trăng – nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp... (13/11/2023)

>   Tăng rất nhiều chi phí vì quy định xuất hoá đơn (13/11/2023)

>   Vốn đầu tư từ Mỹ và châu Âu đang hướng đến Việt Nam (13/11/2023)

>   Giá xăng dầu đồng loạt giảm từ chiều nay (13/11/2023)

>   Việt Nam đồng ý nhập khẩu thịt cừu, thịt dê đông lạnh từ Mông Cổ (13/11/2023)

>   Lô tổ yến đầu tiên xuất sang Trung Quốc từ ngày 16-11 (13/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật