Thứ Hai, 13/11/2023 14:51

Việt Nam đồng ý nhập khẩu thịt cừu, thịt dê đông lạnh từ Mông Cổ

Việt Nam đồng ý nhập khẩu thịt cừu, thịt dê đông lạnh từ Mông Cổ, trong khi Mông Cổ đồng ý nhập khẩu các sản phẩm thịt gia cầm, trứng và sản phẩm trứng gia cầm từ Việt Nam.

Bộ NN&PTNT mới đây đã đàm phán xong việc xuất khẩu thịt gia cầm, trứng gia cầm sang Mông Cổ. Trao đổi với PLO,ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y đã có những thông tin cụ thể kết quả đàm phán này.

. Bộ NN&PTNT mới đây đã đàm phán xong việc xuất khẩu thịt gia cầm, trứng gia cầm sang Mông Cổ. Cụ thể kết quả đàm phán này như thế nào, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Văn Long: Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ, ngày 2-11 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Thú y Mông Cổ, Trưởng cơ quan thú y của Mông Cổ đã đến và làm việc tại Cục Thú y, đồng thời hai bên đã thống nhất và chính thức ký các mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu liên quan đến sản phẩm nông nghiệp.

Đây là kết quả của sự nỗ lực sau hơn 7 năm đàm phán theo đúng quy định, thông lệ quốc tế, cũng như thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN&PTNT.

Trên tinh thần hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Mông Cổ, phía Mông Cổ đã đồng ý nhập khẩu các sản phẩm thịt gia cầm; trứng và sản phẩm trứng gia cầm; tiến tới thuốc, vắc xin thú y. Việt Nam đồng ý nhập khẩu thịt cừu, thịt dê đông lạnh từ Mông Cổ.

Kết quả này cũng cụ thể hóa nội dung của các biên bản giữa Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ về hợp tác thương mại.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long (trái) và Tổng cục trưởng Tổng cục Thú y Mông Cổ ký mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm động vật, ngày 2-11. Ảnh: Cục Thú y

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long (trái) và Tổng cục trưởng Tổng cục Thú y Mông Cổ ký mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm động vật, ngày 2-11. Ảnh: Cục Thú y

. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường Mông Cổ đối với các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam?

+ Việc các sản phẩm động vật của Việt Nam tiếp cận được các thị trường mới cho thấy việc triển khai có hiệu quả kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm; kế hoạch quốc gia xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm nhằm đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật (bao gồm cả sản phẩm tươi sống, chế biến) sang thị trường các nước. Đây cũng là tiền đề để các sản phẩm thịt, trứng gia cầm tươi sống/đông lạnh của Việt Nam tiếp cận các thị trường mới.

Thị trường Mông Cổ rất tiềm năng. Bởi ngành chăn nuôi Mông Cổ với đặc thù địa hình thảo nguyên bao phủ chủ yếu phát triển chăn nuôi gia súc du mục, nhưng có kiểm soát của cơ quan thú y. Tổng đàn ước tính 70 triệu con trong đó khoảng 30 triệu con dê, 30 triệu con cừu, 4 triệu con bò, 4 triệu ngựa và 2 triệu lạc đà.

Chăn nuôi gia cầm ở Mông Cổ chiếm tỉ trọng rất thấp. Vì vậy, các sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi tiếp cận thị trường này. Bên cạnh đó, xu thế phát triển của nền kinh tế, thói quen tiêu dùng của người dân cũng thay đổi, đặc biệt là giới trẻ được tiếp cận với những cửa hàng ăn nhanh của Mc Donnal, KFC… sẽ là một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

. Được biết hiện Cục Thú y cũng đang đàm phán xuất khẩu thịt gia cầm sang Hàn Quốc, Anh; đàm phán xuất khẩu trứng gia cầm sang Hàn Quốc?

+ Chúng tôi đã và đang đàm phán mở cửa thêm nhiều thị trường khác như Hàn Quốc, EU, Anh, các nước Trung Đông.

Trong tháng 9-2023, Cục Thú y đã tiếp và làm với với đoàn thanh tra an toàn thực phẩm của Hàn Quốc sang kiểm tra chuỗi sản xuất thịt gà chế biến của các Công ty Công ty CP, Công ty Koyu & Unitek và Đoàn thanh tra của Vương quốc Anh sang kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu của Việt Nam. Cục Thú y đang chờ báo cáo của các đoàn thanh tra.

. Hiện các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đã xuất khẩu được đến bao nhiêu thị trường? Những khó khăn trong việc mở rộng thị trường đối với ngành hàng này là gì, thưa ông?

+ Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch một số loại động vật và sản phẩm động vật sang thị trường các nước, giá trị xuất khẩu đạt trung bình trên 450 triệu USD/năm.

Cụ thể, chúng ta đã xuất khẩu được tổ yến, sữa và sản phẩm sữa, lông vũ sang thị trường Trung Quốc; xuất khẩu được thịt gà chế biến và trứng gia cầm sang thị trường Nhật Bản, Hong Kong các nước liên minh Á-Âu và Mông Cổ;

Xuất khẩu trứng (bao gồm cả trứng tươi và trứng qua chế biến) sang hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ; xuất thịt heo sang thị trường Hong Kong và mật ong sang các nước như Hoa Kỳ, EU.

Thịt gia cầm được bán tại các siêu thị trong nước. Ảnh: AH

Thịt gia cầm được bán tại các siêu thị trong nước. Ảnh: AH

Về khó khăn, mặc dù dịch bệnh động vật tại nước ta đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn xảy ra lẻ tẻ. Ngoài ra, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ của người dân dẫn đến tình trạng khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh động vật. Các địa phương, doanh nghiệp cũng chưa thực sự quan tâm, ưu tiên các nguồn lực để xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới để phục vụ xuất khẩu.

Cần chú trọng xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

. Việc mở rộng các thị trường xuất khẩu là cơ hội cho các sản phẩm chăn nuôi gia tăng thêm giá trị. Nhưng để xuất khẩu được thì điều quan trọng là xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Hiện việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với từng nhóm hàng thịt heo, thịt gia cầm được thực hiện đến đâu?

+ Trong 6 tháng đầu năm 2023, chúng ta xây dựng được 1 vùng và 235 cơ sở an toàn dịch bệnh. Cụ thể: 1 vùng cấp huyện và 93 cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm; 130 cơ sở an toàn dịch bệnh trên heo; 12 cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia súc khác.

Lũy kế đến nay, cả nước có 4.037 cơ sở, vùng được chứng nhận an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 1 vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh, 39 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, 180 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã và 1.991 cơ sở an toàn dịch bệnh.

Phân loại theo chứng nhận an toàn dịch bệnh cho từng bệnh đối với các loài thì có 1.471 chứng nhận được cấp cho cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm; 2.518 chứng nhận được cấp cho cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên gia súc; 48 chứng nhận được cấp cho cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên chó, mèo.

Ngày 25-7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889 phê duyệt Kế hoạch quốc gia xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giai đoạn 2023 - 2030.

Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng và cần thiết để các địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi ưu tiên bố trí nguồn lực để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu trong những năm tới.

. Xin cảm ơn ông!

AN HIỀN

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Lô tổ yến đầu tiên xuất sang Trung Quốc từ ngày 16-11 (13/11/2023)

>   Hà Nội – Fukuoka (Nhật Bản) hợp tác về giáo dục, thương mại và đầu tư (13/11/2023)

>   Kinh doanh hàng không tại Việt Nam: Gam màu sáng – tối hậu Covid (13/11/2023)

>   ‘Vàng trắng’ và cuộc đua chiến lược xanh (13/11/2023)

>   ‘Mất’ hợp đồng xuất khẩu gạo, vì sao Việt Nam không thể hạ giá để cạnh tranh? (13/11/2023)

>   Lãi suất huy động giảm kỷ lục, người gửi tiền mất vui (13/11/2023)

>   Bản tin kinh tế 12/11: 14.000 tỷ đầu tư công chưa phân bổ; rà soát đấu giá cát (12/11/2023)

>   Buôn lậu qua đường hàng không phức tạp, hải quan mong người dân tố giác (12/11/2023)

>   Lần thứ hai tăng giá điện; cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư (12/11/2023)

>   Cử tri TP.HCM bức xúc vì 'sập bẫy' khi mua hàng online (12/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật