‘Vàng trắng’ và cuộc đua chiến lược xanh Tiếp cận kinh tế xanh là giải pháp tối ưu của ngành cao su để gia tăng động lực tăng trưởng trong tương lai, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất của thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp cao su Việt đang có nhiều nỗ lực phát triển kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn và ESG (*) nhằm nắm bắt cơ hội phát triển, thâm nhập vào các thị trường khó tính. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt gặp khó trong việc tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu vì thiếu tiêu chuẩn kinh tế xanh, sản phẩm nệm của Công ty nệm Đồng Phú, công ty con của Công ty cao su Đồng Phú xuất khẩu đi thị trường nước ngoài khá tốt. Ông Đàm Duy Thảo - Tổng giám đốc Công ty nệm Đồng Phú cho biết điều này nhờ vào đầu tư dây chuyền sản xuất và công nghệ hiện đại cũng như tận dụng nguồn nguyên liệu cao su sẵn có từ công ty mẹ cung cấp. “Quan trọng hơn cả là việc sử dụng các dăm gỗ cao su, thứ bị loại thải trong quá trình chế biến gỗ cao su để đưa vào làm nguyên liệu đốt lò hơi đã giúp giảm chi phí và thu hút được các khách hàng quan tâm đến phát triển môi trường bền vững” - ông Thảo nói. Tương tự, Công ty cao su Chư sê cũng chuyển đổi từ sử dụng dầu DO sang vỏ trấu cho lò sấy mủ cao su, năng suất vẫn tương đương mà giảm được giá thành và giảm thiểu tác hại khí thải carbon ra môi trường. Hay Công ty cao su Bà Rịa cũng thay thế nhiên liệu dầu DO sang Biomass sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như trấu, mùn cưa, vỏ cà phê, bã điều… cho hệ thống sấy mủ nhằm giảm thiểu ô nhiễm khí thải. Theo ông Thảo, Việt Nam đang ngày càng chú trọng hơn đến quá trình phát triển kinh tế xanh. Kinh tế tuần hoàn được xem là một nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Do đó, việc sử dụng dăm gỗ cao su là cách biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nói về hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong một doanh nghiệp, thời gian gần đây, các thách thức kinh doanh trong ngành gỗ đang được Công ty gỗ Dầu tiếng, công ty con của Công ty cao su Dầu Tiếng vượt qua bằng đổi mới và sáng tạo trong kinh doanh, sản xuất. Gỗ Dầu Tiếng có thuận lợi là nguồn gỗ từ các cánh rừng cao su được chứng nhận chứng chỉ quản lý rừng bền vững do các tổ chức quốc tế cấp. Gỗ cao su có chứng chỉ bền vững ngày càng được ưa chuộng trên thị trường quốc tế. Do đó, thực hiện tốt phát triển bền vững đang là luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu. Theo các chuyên gia, bằng cách quan tâm đến phương thức kinh tế tuần hoàn, các công ty cao su đang đóng góp vào quá trình đổi mới kinh tế của Việt Nam. Hiện nay, xu hướng kinh tế thế giới đã chuyển sang phát triển bền vững. Chuyển đổi sang kinh tế xanh sẽ giúp các công ty không bị đánh thuế nhiều hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo đơn hàng ổn định. Việc chuyển đổi này cũng đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng cho tương lai. Ngày càng nhiều công ty cao su triển khai công nghệ chuyển đổi sang kinh tế xanh để định vị sản phẩm xanh, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nhất của các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Đơn cử như Công ty Cao su Dầu Tiếng đã tiếp cận chiến lược tăng trưởng kinh tế xanh bằng quy trình sản xuất sạch hơn. Lợi ích của sản xuất sạch hơn là quá trình sản xuất ít chất thải hơn, thu hồi được các sản phẩm phụ có giá trị, cải thiện hiệu suất môi trường, giảm tiêu thụ năng lượng và chi phí tổng thể. Một số giải pháp công ty này áp dụng là đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cột A, lắp hệ thống camera giám sát và tủ lấy mẫu tự động tại các nhà máy chế biến cao su, sử dụng vi sinh yếm khí trong hệ thống vận hành xử lý nước thải... Một thách thức với các công ty cao su là quá trình sản xuất tạo ra mùi hôi đặc trưng và việc xử lý nước thải ra môi trường. Thế nhưng, hiện nay bước vào nhiều nhà máy chế biến mủ cao su người ta đã thấy không khí trong lành hơn. Có được điều này là nhờ đổi mới trong quy trình sản xuất kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn, Công ty cao su Tây Ninh lắp đặt hệ thống thu mùi, khí thải ngay trong quá trình sản xuất; nước thải được đi qua một quy trình phức tạp như bể gạn mủ, điều hòa, bể lắng, khử trùng rồi tái sử dụng cho dây chuyền sản xuất cao su. Tương tự, tại nhà máy chế biến của cao su Bà Rịa có trồng một cụm rừng với mục đích hấp thụ khí thải, điều hòa không khí, hạn chế bụi. Tiến sĩ Stanley Tek Lee Yap, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá việc áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn và hệ thống sản xuất bền vững có thể mang lại nhiều lợi ích cho các công ty cao su. Thông qua việc triển khai kinh tế tuần hoàn tập trung vào sử dụng vật liệu tái chế, năng lượng tái tạo, tiết kiệm nước và quản lý nước thải cũng như giảm thiểu phát thải chất thải nguy hại, các công ty cao su Việt Nam có thể giảm chi phí vận hành kinh doanh theo phương thức sản xuất xanh bền vững, đảm bảo đa dạng sinh học và cải thiện hiệu quả sử dụng đất trong dài hạn. Vị chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam nhấn mạnh, việc tăng cường thực hành kinh tế tuần hoàn và phương thức sản xuất xanh bền vững, các công ty cao su Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm xã hội về nhiều mặt. Ví dụ, ở khía cạnh uy tín xã hội, các công ty có thể tạo được danh tiếng thương hiệu tốt và nâng cao lòng trung thành của khách hàng đối với các sản phẩm cao su thân thiện với môi trường. Đồng thời thu hút thêm nhiều nhân tài nhờ văn hóa tổ chức chú trọng sản xuất xanh cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn và sức khỏe con người. "Điều này cũng bao gồm các khía cạnh về tính bền vững môi trường. Theo đó, các công ty cao su thực hành đạo đức kinh doanh nhằm giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái tự nhiên, chống cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu thông qua quản lý rừng và quản lý diện tích canh tác bền vững. Hơn nữa, về khía cạnh quản trị, các công ty có thể tránh được những vụ kiện tụng công khai và khoản tiền phạt do vi phạm luật liên quan đến kinh tế tuần hoàn của địa phương và tạo ra sự minh bạch trong quản trị kinh doanh cho nhiều bên liên quan” Tiến sĩ Stanley Tek Lee Ya - Đại học RMIT Việt Nam | (*) ESG là viết tắt ba chữ cái đầu tiên của cụm Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ ba tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. QUANG HUY PHƯƠNG MINH Pháp luật TPHCM
|