Cử tri TP.HCM bức xúc vì 'sập bẫy' khi mua hàng online Người tiêu dùng khi mua hàng online bị bên bán hàng lừa đảo, đặt hàng hiệu này, giao hàng hiệu khác. Thậm chí chỉ giao bao bì không có ruột, hoặc giao sản phẩm không đạt chất lượng. Sáng 12-11, HĐND TP.HCM phối hợp Đài Truyền hình TP.HCM, Sở TT&TT TP.HCM tổ chức chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” số tháng 11- 2023 với chủ đề “Công tác quản lý thị trường - Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Chương trình diễn ra sáng 12-11. Ảnh: Chụp màn hình. | Mua hàng online nhận về chỉ có bao bì Các ý kiến thảo luận tại chương trình đều đề cập việc mua hàng online là hình thức phổ biến hiện nay vì sự tiện lợi. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, bà Phan Thị Việt Thu cho rằng đã có rất nhiều trường hợp người tiêu dùng gặp phải vấn đề như bị bên bán hàng, các cửa hàng lừa đảo, đặt hàng hiệu này nhưng giao hàng hiệu khác. Thậm chí chỉ giao bao bì không có ruột hoặc giao sản phẩm không đạt chất lượng, hay hàng hóa giả mạo. Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM Phan Thị Việt Thu nêu ý kiến về việc mua hàng online. Ảnh: Chụp màn hình. | Dù đã khiếu nại nhưng người dân không nhận được câu trả lời. Bên tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử cũng chối bỏ trách nhiệm, không giải quyết khiếu nại của khách hàng. Bà Thu cũng nói đến vấn đề các cơ sở kinh doanh hàng online đăng ký trên sàn, dù đã có pháp lý nhưng vẫn khó xử lý. Từ đó, bà đặt câu hỏi rằng: tổ chức kinh doanh cung ứng hàng hóa qua sàn thương mại điện tử có trách nhiệm hay không? Cơ quan nào sẽ bảo vệ người tiêu dùng khi mua phải hàng giả, hàng nhái hay thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm? Tương tự, cử tri Nguyễn Hữu Ngữ (quận Bình Tân) đề nghị cơ quan chức năng mạnh tay xử lý việc bán hàng lừa đảo. Theo cử tri, tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng lậu của những gian thương đang gây ra thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp chân chính. Cử tri Nguyễn Hữu Ngữ nêu các thực trạng về hàng gian, hàng giả hiện nay. Ảnh: Chụp màn hình. | Ông cho rằng, lực lượng quản lý thị trường hiện quản lý còn mỏng, cũng chưa có biện pháp để kiểm tra, xử lý và ngăn chặn các cửa hàng lừa đảo nói trên. Thị trường ngày càng đa dạng, người tiêu dùng rất khó phân biệt vì các phương thức làm giả, làm nhái hàng hóa rất tinh vi. Cử tri Ngữ cũng nói đến hiện tượng quảng cáo sản phẩm sai sự thật bởi người nổi tiếng và hỏi: Cơ quan chức năng có biện pháp gì để trích xuất đâu là hàng gian, hàng giả đang kinh doanh trên nền tảng online như Facebook, Zalo, Tiktok… Nhiều cơ quan chức năng cùng vào cuộc Trước phản ánh của cử tri, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, khi thói quen mua hàng của người dân có sự thay đổi thì cũng cần thay đổi phương thức quản lý, nhưng luật pháp chưa có sự điều chỉnh theo kịp với thực tiễn. Theo quy định trước đó, các cửa hàng bán các mặt hàng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải cung cấp đầy đủ thông tin. Điều này có nghĩa, các cửa hàng, tổ chức kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Người tiêu dùng có khiếu nại với hàng hóa mình mua có thể liên hệ với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, nơi doanh nghiệp cung cấp bán sản phẩm có đăng ký kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, các cơ quan chức năng người tiêu dùng gửi đơn khiếu nại như Sở Công Thương TP, Cục Quản lý thị trường để báo thông tin. Với các mặt hàng liên quan tới an toàn thực phẩm, sản phẩm y tế có thể liên hệ với sở, ngành liên quan hoặc khiếu nại thông qua tổng đài bảo vệ người tiêu dùng toàn quốc theo số 18006838. | Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM Nguyễn Tiến Đạt khẳng định lực lượng quản lý thị trường luôn tổ chức các đợt kiểm tra thường xuyên, liên tục nhưng vẫn rất khó nhận diện hàng giả, hàng nhái. Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM Nguyễn Tiến Đạt trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: Chụp màn hình. | Ông Đạt cho biết, phải căn cứ vào quy định nhãn hiệu sản phẩm, chỉ tiêu, thực hiện kiểm nghiệm mới đủ căn cứ pháp lý làm rõ đâu là hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng chứ không chỉ dựa vào cảm quan. Ông Đạt nói, ngành quản lý thị trường cũng đã xây dựng cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, hệ thống dữ liệu, giám sát, thu thập dữ liệu các hoạt động trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, cho phép bộ ngành, các cơ quan chức năng chia sẻ thông tin…Qua đó siết chặt công tác quản lý; tăng cường hợp tác quốc tế để chống hàng gian, hàng giả. Ông Đạt khẳng định các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO chứng nhận là chỗ dựa đáng tin cậy cho người tiêu dùng, việc chứng nhận này cũng phải thực hiện đúng theo quy định. Nếu tổ chức, cá nhân bán hàng nào lợi dụng điều này thì sẽ dễ bị người tiêu dùng quay lưng, hoặc bị tố cáo. Bên sản xuất sản phẩm có quyền công bố mức chất lượng của sản phẩm trên bao bì để chứng minh năng lực sản xuất, hiệu quả sản phẩm. Điều này đồng nghĩa bên sản xuất cũng phải đảm bảo duy trì chất lượng đã công bố và chịu trách nhiệm. Cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu, theo dõi, giám sát các sản phẩm này. Về ý kiến về hoạt động công vụ của cán bộ, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát nội bộ, cấp trên giám sát cấp dưới và tuyên truyền để người dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ. Kết luận tại chương trình, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Phạm Quỳnh Anh yêu cầu Sở Công thương cần tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tiếp nhận, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng. Các cơ quan tư pháp trên địa bàn TP công khai thông tin vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP.HCM tăng cường chỉ đạo, thực hiện nghiêm việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 41 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Thức ăn đường phố là mối lo Trao đổi về an toàn vệ sinh thực phẩm, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, đây luôn là vấn đề nóng. Nhất là an toàn thực phẩm trong các chợ truyền thống hoặc thức ăn đường phố, suất ăn trong khu công nghiệp… Theo bà Lan, các chợ truyền thống, chợ đầu mối gặp khó khăn rất nhiều khi cơ sở vật chất xuống cấp, khó bảo đảm vệ sinh nhưng ngân sách sửa chữa chưa phải là ưu tiên. Mặt khác, còn tồn tại tình trạng người tiêu dùng vẫn ủng hộ chợ “chồm hổm” hơn là vào chợ truyền thống. Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP cũng cho rằng, thức ăn đường phố cũng là một mối lo. Hiện, toàn TP.HCM có 13.506 cơ sở và 15.854 người hoạt động trong lĩnh vực này. | THANH TUYỀN Pháp luật TPHCM
|