Tuần văn hóa Gia Lai: Lung linh và huyền bí với đại ngàn Tây Nguyên Đêm khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai đã diễn ra hoành tráng, mãn nhãn người xem với 1.300 nghệ nhân tham gia tạo khung cảnh Tây Nguyên hào hùng, huyền bí. Tối 11-11, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku), Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai 2023 và và Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên chính thức khai mạc với chủ đề “Gia Lai - Những sắc màu văn hoá". Đêm khai mạc lung linh sắc màu, đặc sắc với 1.300 nghệ nhân tham gia. Ảnh: LK | Chương trình khai mạc diễn ra hết sức hoành tráng, có sự tham gia trình diễn trực tiếp của 1.300 nghệ nhân đến từ các tỉnh Tây Nguyên, cùng hoà tấu giai điệu cồng chiêng giữa đại ngàn xanh của Tây Nguyên hùng vĩ. Sự kiện thu hút hàng chục ngàn người dân và du khách theo dõi. Phát biểu khai mạc, ông Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tự hào: "Cồng chiêng là tài sản quý giá, là bản sắc văn hoá riêng có của mỗi tộc người Tây Nguyên, là biểu trưng cho sự linh thiêng, quyền lực và sự giàu có của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên". Chương trình khai mạc được dàn dựng công phu, đa sắc màu. | Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 nhằm tôn vinh giá trị không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. Qua đây, tạo sự giao lưu văn hóa, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực; là dịp để quảng bá đến du khách trong và ngoài tỉnh về giá trị độc đáo của di sản không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên cùng với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người Gia Lai. Đây cũng là cơ hội để hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần xây dựng Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung ngày càng phát triển bền vững và giàu mạnh. Sân khấu trình diễn rộng lớn như tái hiện cả không gian Tây Nguyên hào hùng. | Sự kết hợp âm thanh, ánh sáng và trang phục thổ cẩm tạo nên khung cảnh đẹp trong đêm khai mạc. | Sự kiện thu hút đông đảo người dân tham dự. | Tuần Văn hóa –Du lịch Gia Lai sẽ kết thúc vào ngày 19-11-2023. Trong khuôn khổ sự kiện sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra tại TP Pleiku và nhiều địa phương của tỉnh như huyện Chư Păh, Ia Grai... Chuỗi các sự kiện chính gồm: liên hoan trình diễn không gian văn hóa cồng chiêng; hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng OCOP; giải chạy bộ “Gia Lai city trail 2023 - Giấc mơ đại ngàn”; lễ hội hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Păh); hội đua thuyền trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai)… Trong lễ khai mạc, Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT&DL đã công bố các quyết định xếp hạng di tích, công nhận bảo vật quốc gia và bảo vật của tỉnh Gia Lai. Theo đó, tỉnh Gia Lai vinh dự đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng – Gò Đá và quyết định công nhận bảo vật quốc gia đối với sưu tập công cụ Sơ kỳ Đá cũ An Khê. | Trong chiều 11-11, hơn 1.000 nghệ nhân đến từ năm tỉnh Tây Nguyên hội tụ tham gia lễ hội đường phố, trình diễn qua nhiều con đường lớn ở TP Pleiku và Quảng trường Đại Đoàn Kết. Hoạt động tạo nên sự tò mò, thích thú của du khách và người dân địa phương. Lễ hội đường phố diễn ra trong không khí vui tươi, rộn ràng âm vang cồng chiêng, múa xoang. | Nhiều nghệ nhân đã ngoài 60 nhưng tinh thần rất thỏa mái, tươi vui. | Những trang phục truyền thống được cải tiến, màu sắc rất bắt mắt, ưa nhìn. | Những chàng trai mặc khố tham gia lễ hội. | Các Pơual (người tấu hề) hóa thân thành những hình ảnh rất kỳ dị, hài hước. | Có những nghệ nhân hóa trang thành những người cây trông rất đáng sợ. | Có nghệ nhân bôi lên mình màu than đen. | Những hình ảnh chỉ có thể bắt gặp ở Tây Nguyên "vừa thật gần, vừa xa xôi". | LÊ KIẾN Pháp luật TPHCM
|