Ngành dệt may đã thấy ‘ánh sáng cuối đường hầm’? Nhìn về triển vọng kinh doanh trong các quí sắp tới, có thể thấy những tín hiệu tích cực đang dần xuất hiện với ngành dệt may Việt Nam.
Ngành dệt may đang dần xuất hiện những tín hiệu tích cực. Ảnh: T.L |
Khó khăn do đơn hàng sụt giảm
Từ đầu năm 2023 đến nay, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn khi lạm phát trên thế giới gia tăng, kinh tế tăng trưởng chậm lại khiến tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn sụt giảm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành, nhất là với các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Theo đó, trong chín tháng đầu năm 2023, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều báo lãi tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước, thậm chí có doanh nghiệp báo lỗ nặng.
Điển hình như Công ty cổ phần (CTCP) Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) báo lãi chín tháng đầu năm 2023 sụt giảm đến 50% so với cùng kỳ khi chỉ đạt 111 tỉ đồng. Năm 2023, TCM đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế “đi lùi” 13% ở mức 245 tỉ đồng. Như vậy, sau chín tháng, TCM mới hoàn thành được 45% chỉ tiêu lợi nhuận. Một doanh nghiệp dệt may khác là CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) cũng đi lùi khi chín tháng đầu năm nay, doanh thu thuần đạt 1.073 tỉ đồng và lãi sau thuế đạt gần 56 tỉ đồng, lần lượt giảm tới 36% và 72% so với cùng kỳ. Với Tổng công ty Việt Thắng (TVT), lợi nhuận còn lao dốc mạnh hơn khi ba quí đầu năm chỉ lãi vỏn vẹn 6 tỉ đồng, bằng một phần mười cùng kỳ.
Thống kê trong quá khứ, khi lượng hàng tồn kho quần áo ở Mỹ đạt đỉnh điểm vào tháng 1-2007, thị trường mất hai năm để hấp thụ lượng hàng tồn kho này, sau đó mới phục hồi trở lại vào tháng 12-2009. Do đó, kỳ vọng nhu cầu cho các sản phẩm vải và may mặc tại Mỹ sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng kể từ quí 1-2024 nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô trở nên tích cực hơn. |
Tương tự, CTCP Garmex Sài Gòn (GMC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 8 tỉ đồng, giảm tới 97% so với con số 275 tỉ đồng đạt được trong cùng kỳ năm 2022. Lỗ sau thuế ghi nhận 44 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ gần 7 tỉ đồng cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (HSM) còn chuyển từ lãi 23 tỉ đồng cùng kỳ năm trước thành lỗ 55 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm nay. Với Gilimex (GIL), doanh nghiệp này báo mức lỗ ròng hơn 63 tỉ đồng, trong khi chín tháng đầu năm 2022 lãi gần 352 tỉ đồng.
Nguyên nhân chính khiến hầu hết các doanh nghiệp trong ngành dệt may báo lãi tăng trưởng âm thời gian vừa qua là do xuất khẩu bị thu hẹp khiến đơn hàng khan hiếm. Điển hình như GMC, một trong những doanh nghiệp lỗ nặng nhất, là do không ghi nhận bất kỳ khoản thu nào phát sinh từ đối tác GIL. Đây có thể là hệ quả sau lùm xùm GIL khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng cho chính GIL mà còn khiến các doanh nghiệp đối tác như GMC bị liên đới. Đối với GIL, sự vụ Amazon là câu chuyện điển hình của việc tập trung vào một khách hàng và khi khách hàng này thay đổi chính sách, doanh nghiệp như GIL ngay lập tức rơi vào thế bị động, việc sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề.
Còn với Dệt may TNG, công ty cho biết doanh thu ghi nhận trong quí 3 đến từ những đơn hàng sản xuất từ tháng 6-2023. Do ảnh hưởng của tình hình thế giới, một số khách hàng lớn cắt giảm lượng đơn hàng nhưng chi phí sản xuất kinh doanh không giảm khiến TNG báo lãi giảm sâu so với cùng kỳ. Chung cảnh ngộ, STK cho biết doanh số và giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ là do các khách hàng gián tiếp và trực tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng.
Triển vọng dần tươi sáng
Cần nhìn nhận thực tế rằng, thương mại quốc tế biến động cùng lượng hàng tồn kho cao khiến nhu cầu hàng hóa nói chung và sản phẩm dệt may nói riêng sụt giảm nghiêm trọng. Các doanh nghiệp trong ngành liên tiếp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới bên cạnh việc duy trì thị trường xuất khẩu hiện có. Không những vậy, lợi nhuận các doanh nghiệp dệt may còn bị co hẹp lại do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm một nửa so với trước đó. Nhưng để duy trì hoạt động sản xuất, giữ được các mối làm ăn, nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận đơn giá thấp. Thêm vào đó, hàng dệt may Việt Nam còn phải cạnh tranh với Bangladesh khi nước này nằm trong số 45 quốc gia đang phát triển hiện được miễn thuế vào châu Âu. Theo khảo sát của các nhà bán lẻ lớn, mặc dù Việt Nam được đánh giá cao hơn Bangladesh về chất lượng và năng lực sản xuất, nhưng Bangladesh có lợi thế về chi phí, thuế và các khoản trợ cấp của chính phủ (từ hải quan đến trợ cấp lãi suất).
Trong một báo cáo gần đây, Trung tâm Phân tích SSI (SSI Research) nhận định khi kinh tế suy giảm, chi phí là một trong những yếu tố quan trọng nhất để các nhà bán lẻ lựa chọn nhà sản xuất. Mức lương tối thiểu ở Bangladesh hiện là 75 đô la Mỹ/tháng, trong khi mức lương tối thiểu ở Việt Nam và Trung Quốc lần lượt là 199 đô la Mỹ/tháng và 300 đô la Mỹ/tháng. Tuy vậy, SSI Research vẫn lạc quan khi ngành dệt may Việt Nam được xếp hạng cao hơn về chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và thời gian giao hàng. Đây là những yếu tố quan trọng đối với các nhà bán lẻ khi nền kinh tế phục hồi và nhu cầu gia tăng.
Nhìn về triển vọng kinh doanh trong các quí sắp tới có thể thấy những tín hiệu tích cực đang dần xuất hiện. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may của cả nước đạt hơn 9,35 tỉ đô la Mỹ trong quí 3-2023, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, đây là quí thứ 2 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may có sự tăng trưởng so với quí trước đó. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều đã ghi nhận mức nền kết quả kinh doanh thấp trong quí 4-2022, do đó kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ quí 4-2023.
Thống kê trong quá khứ, khi lượng hàng tồn kho quần áo ở Mỹ đạt đỉnh điểm vào tháng 1-2007, thị trường phải mất hai năm để hấp thụ lượng hàng tồn kho này, sau đó mới phục hồi trở lại vào tháng 12-2009. Do đó, kỳ vọng nhu cầu cho các sản phẩm vải và may mặc tại Mỹ sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng kể từ quí 1-2024 nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô trở nên tích cực hơn. Đồng thời, nhu cầu tăng cao trong mùa lễ hội cuối năm cũng có thể sẽ giúp thúc đẩy việc bán hàng và hấp thụ bớt lượng hàng tồn kho đang ở mức cao, tạo dư địa cho các đơn hàng mới để phục vụ cho mùa xuân – hè 2024.
Linh Trang TBKTSG
|