Đã rõ lý do tôm hùm bông Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị ách tắc Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc xuất khẩu tôm hùm bông sống sang Trung Quốc gặp khó khăn không phải do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm hay thủ tục hải quan mà do nguyên nhân khác. Liên quan đến việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc bị ách tắc từ tháng 8 trở lại đây, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết không phải do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm hay thủ tục hải quan mà do nguyên nhân khác. Theo đó, trong báo cáo gửi Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam ngày 13-11, Cục này cho biết, từ các thông tin phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy vướng mắc trong xuất khẩu tôm hùm bông vào Trung Quốc là vấn đề bảo vệ động vật quý hiếm, nguy cấp và các thủ tục (của cả nhà nhập khẩu và cơ sở xuất khẩu) chứng minh quá trình nuôi trồng (từ con giống) đáp ứng yêu cầu này. Cụ thể, trong cuộc làm việc trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 10-11, Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật của phía Trung Quốc cho biết, với tôm hùm bông tự nhiên, năm 2021, Trung Quốc đã sửa đổi danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần được bảo vệ. Nuôi tôm hùm bông ở Khánh Hoà. Ảnh: XUÂN HOÁT | Trong đó tôm hùm bông được đưa vào Danh mục loài cần được bảo vệ cấp độ 2 (có hiệu lực từ ngày 1-2-2021). Tháng 5-2023, phía Trung Quốc sửa đổi Luật bảo vệ động vật hoang dã, trong đó quy định cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán đối với tôm hùm bông và các loài trong Danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ nêu trên. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo (nội bộ) tới Cơ quan Hải quan địa phương về quy định này để thực hiện. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc là cơ quan xây dựng quy định và quản lý đối với tôm hùm bông khai thác tự nhiên. Vì vậy đề nghị phía Việt Nam liên hệ với cơ quan này để lấy các thông tin cụ thể liên quan nếu cần. Đối với tôm hùm bông nuôi, nước này yêu cầu không được đánh bắt trực tiếp từ biển và phải có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế hệ F2). Về thủ tục nhập khẩu, nhà nhập khẩu Trung Quốc phải xin cấp phép về Bảo vệ động vật hoang dã từ Cục Ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Riêng thủ tục thông quan lô hàng và kiểm tra an toàn thực phẩm không thay đổi so với trước đây. Đối với yêu cầu đối với cơ sở bao gói, cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu phải thực hiện đăng ký danh sách kèm theo thông tin cụ thể về cơ sở nuôi tôm hùm. Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật thông báo sẽ gửi cho phía Việt Nam biểu mẫu đăng ký mới (thông qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc) để tiến hành rà soát, thực hiện đăng ký đối với các cơ sở bao gói, cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau khi nhận được danh sách đăng ký của phía Việt Nam, phía Trung Quốc sẽ tổ chức kiểm tra trực tuyến và/hoặc trực tiếp đối với cơ sở nuôi và công bố trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về danh sách các cơ sở bao gói xuất khẩu, cơ sở nuôi của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Cũng tại cuộc họp này, phía Trung Quốc đề xuất hai bên nhanh chóng xem xét, ký kết Nghị định thư về kiểm soát thủy sản sống khai thác tự nhiên của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước tình hình trên, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường đề xuất tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc để cập nhật, thông báo tới các cơ sở bao gói xuất khẩu, cơ sở nuôi tôm hùm bông về quy định, biểu mẫu đăng ký của Trung Quốc đối với xuất khẩu tôm hùm bông sống vào thị trường này. Sau khi phía Trung Quốc cung cấp biểu mẫu đăng ký mới, Cục Thủy sản chỉ đạo và phối hợp các địa phương thực hiện rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của Việt Nam và Trung Quốc, chuyển Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường để gửi cho phía Trung Quốc. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường chủ trì, phối hợp với Cục Thủy sản, Cục Thú y tham mưu việc xây dựng, góp ý, trình cấp thẩm quyền ký kết Nghị định thư về kiểm soát thủy sản sống khai thác tự nhiên của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi nhận được đề nghị chính thức từ Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật Trung Quốc. AN HIỀN Pháp luật TPHCM
|