PHP - Khó khăn ngắn hạn, lạc quan dài hạn (Kỳ 1)
Cảng nước sâu trong hệ thống cảng biển Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng ngày càng quan trọng khi nâng cao hiệu quả hoạt động của các hãng tàu và đáp ứng hoàn hảo cho các tuyến vận tải kết nối Việt Nam với các đối tác thương mại quan trọng. Bến cảng 3, 4 Lạch Huyện sẽ là nhân tố thúc đẩy CTCP Cảng Hải Phòng (UPCoM: PHP) tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Ngành cảng biển cả nước suy yếu
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 7/2023 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm, tổng kim ngạch đạt 57.21 tỷ USD, giảm 6.7%yoy. Lũy kế 7 tháng năm 2023 tổng kim ngạch đạt 374.23 tỷ USD, giảm 10.6%yoy.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 và 7 tháng giảm lần lượt 3.5% và 10.6%yoy, kim ngạch nhập khẩu tháng 7 và 7 tháng cũng có chung xu hướng, giảm lần lượt 9.9% và 17.1%yoy.
Xuất khẩu các mặt hàng chính như điện tử, máy tính, linh kiện, máy móc thiết bị, dệt may, giày dép đều đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các thị trường xuất nhập khẩu chủ lực như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU… đều gặp tình trạng tương tự.
Nguyên nhân do các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU cắt giảm chi tiêu mua sắm khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Nhu cầu giảm cũng ảnh hưởng đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu.
Hoạt động giao thương giảm mạnh do suy thoái kinh tế cũng dẫn đến nhu cầu vận tải biển xuống dốc. Bên cạch đó, giá cước giảm sâu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành cảng biển. Theo số liệu mới nhất của Cục Hàng hải Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt 359.47 triệu tấn, giảm 3.28%yoy. Trong đó, hàng container chỉ đạt 12.26 triệu TEUS, giảm 4.45%yoy.
Tốc độ tăng trưởng khu vực cảng biển Hải Phòng chậm lại
Tại khu vực cảng biển Hải Phòng, hoạt động khai thác cảng biển cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt so với giai đoạn đầu năm. Theo Cảng vụ cảng Hải Phòng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 7 năm 2023 ước đạt 13.5 triệu tấn, tăng 6.33%mom nhưng giảm 4.17%yoy, tính chung 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 82.9 triệu tấn, giảm 3.18%yoy.
Xuất nhập khẩu hàng hóa của TP.Hải Phòng cũng không nằm ngoài vòng xoáy giảm tốc của cả nước. Tổng kim ngạch sau 7 tháng đầu năm đạt 24.67 tỷ USD, giảm 3.68%yoy; trong đó, kim ngạch xuất khẩu lùi nhẹ 0.93%yoy đạt 13.28 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 11.38 tỷ USD giảm 6.7%yoy.
Nguyên nhân do nhu cầu xuất nhập khẩu từ các thị trường chính qua khu vực cảng biển Hải Phòng suy yếu khi các thị trường như Trung Quốc, Mỹ và EU chiếm gần 50% sản lượng hàng hóa qua khu vực cảng Hải Phòng.
Chúng tôi kỳ vọng bức tranh xuất nhập khẩu giai đoạn cuối năm sẽ có cải thiện tích cực khi tình trạng lạm phát toàn cầu đang có dấu hiệu hạ nhiệt, sức mua của người tiêu dùng có thể sẽ gia tăng trở lại trong mùa cao điểm cuối năm và giải phóng lượng hàng hóa tồn kho cao tại các thị trường nhập khẩu lớn. Bên cạnh đó, trong cập nhật mới nhất của báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 3%, tăng 0.2% so với dự báo 2.8% hồi tháng 4/2023. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản đều được IMF nâng dự báo tăng trưởng so với trước đó.
Nhưng vẫn còn nhiều mối đe dọa như: Tình trạng đối đầu giữa một số nhóm nền kinh tế đang gia tăng; Chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bị gián đoạn khi tình hình chiến sự giữa Nga-Ukraine chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến giá dầu, giá lương thực; Điều kiện thời tiết khắc nghiệt và chính sách an ninh lương thực tại nhiều quốc gia có thể sẽ khiến giá lương thực biến động.
Kết quả kinh doanh 6 tháng 2023 của PHP
Trong Q2/2023, PHP đạt doanh thu thuần là 524 tỷ đồng (giảm 14.2%yoy) trong khi đó lợi nhuận gộp đạt 257 tỷ đồng (tăng 8.56%yoy), biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng đạt lần lượt 49% và 35%.
Sau 6 tháng 2023, PHP đạt sản lượng hợp nhất là 16.095 triệu tấn, số lượng tàu vào các cảng của PHP có sự sụt giảm so với cùng kỳ khi chỉ đạt 1,098 lượt tàu, giảm 10.5%. Doanh thu thuần đạt 1,028 tỷ đồng (giảm 11.4%yoy); lợi nhuận gộp đạt 443 tỷ đồng (tăng nhẹ 2.1%), biên lợi nhuận gộp lên mức 43.1%; lợi nhuận ròng đạt 332 tỷ đồng (tăng 7.2%), biên lợi nhuận ròng tăng lên mức 32.3%. Nếu loại trừ thu nhập không thường xuyên từ hoạt động nhận tiền bồi thường thiệt hại tài sản thì lợi nhuận ròng của PHP sẽ giảm 12.8%yoy và biên lợi nhuận ròng sẽ chỉ còn 26.3%.
Dù tăng trưởng doanh thu không khả quan nhưng kết quả lợi nhuận của PHP vẫn có sự cải thiện tích cực là do:
- Chi phí giá vốn có tốc độ giảm mạnh hơn khi các chi phí mua ngoài, chi phí khác bằng tiền thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, chi phí nhiên liệu cũng giảm do giá dầu trung bình trong Q2/2023 thấp hơn 30% so với cùng kỳ.
- Bên cạnh đó, việc tăng giá một số dịch vụ từ đầu năm như dịch vụ bốc xếp và đóng rút hàng hóa cũng đóng góp vào sự cải thiện của biên lợi nhuận gộp.
- Trong Q1/2023 ghi nhận 62 tỷ đồng lợi nhuận khác từ tiền bồi thường (129 tỷ đồng) sau khi trừ chi phí sửa chữa (66.8 tỷ đồng) cần trục STS 01 tại Cảng Đình Vũ. Qua đó đóng góp tích cực vào kết quả lợi nhuận ròng.
Tình hình tài chính
Đến Q2/2023, Tổng tài sản của PHP tăng 335 tỷ đồng, nhích nhẹ 5.07% lên mức 6,951 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu tăng 507.96 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang Bến cảng container 3, 4 Lạch Huyện và tăng 205 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Ngược lại, tiền và tương đương tiền giảm 342 tỷ đồng so với đầu năm.
Về nguồn vốn, PHP hiện đang có cơ cấu vốn khá lành mạnh, nợ vay tài chính ngắn và dài hạn chỉ chiếm 8% tổng nguồn vốn, tỷ lệ Debt/Equity đạt 10%, thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý tỷ lệ Debt/Equity của doanh nghiệp có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi dự kiến PHP sẽ phải vay thêm khoảng 3,800 tỷ đồng để đầu tư Bến cảng container 3, 4 Lạch Huyện. So với đầu năm, quỹ đầu tư phát triển đã tăng thêm 335 tỷ đồng, do nhu cầu đầu tư cao nên PHP đang duy trì mức trích lập khoảng 65% cho quỹ đầu tư phát triển. Chúng tôi dự kiến PHP sẽ tiếp tục giữ tỷ lệ trích lập này cho đến năm 2025.
Kỳ 2 – Triển vọng và kết quả định giá
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|