Thứ Bảy, 16/09/2023 20:02

Giải quyết bài toán lệch pha cung cầu tín dụng cho nông nghiệp ĐBSCL

Đặc điểm ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tính mùa vụ rất cao nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng mang tính thời điểm. Vì vậy, việc cung ứng nguồn lực vốn từ phía ngân hàng cho doanh nghiệp cần phải linh hoạt để giúp giảm “tồn kho tiền lớn” như hiện nay.

Cần linh hoạt trong cấp tín dụng cho lĩnh vực thuỷ sản và lúa gạo. Ảnh: Trung Chánh

Dư nợ tín dụng tăng, nhưng “tồn kho tiền” vẫn lớn

Tại hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản vùng ĐBSCL” diễn ra hôm 15-9 ở thành phố Cần Thơ, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) nhấn mạnh, đơn vị này xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên về tín dụng cũng như khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay, bao gồm sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu.

Cụ thể, ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực lúa gạo và thuỷ sản. Trong đó, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng 15.000 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn 1-2%/năm so với lãi suất vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn, trung và dài hạn) của chính ngân hàng cho vay.

Đến nay đã có 13 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia, với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỉ đồng, tức đạt khoảng 40% so tổng nguồn vốn kế hoạch của chương trình. Ngoài ra, trong khuôn khổ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực, bao gồm lúa gạo và thủy sản.

Từ những chính sách nêu trên, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến cuối tháng 8-2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỉ đồng, tăng 5,35% so với cuối năm 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn có dư nợ đạt gần 535.000 tỉ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75% – PV), chiếm 51,76% tổng dư nợ của ĐBSCL và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Riêng với lĩnh vực lúa gạo và thuỷ sản, dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129.000 tỉ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2022 và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc; dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103.000 tỉ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc.

“Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL (lúa gạo, thuỷ sản – PV)”, bà Giang đánh giá.

Dù dự nợ tín dụng cho lúa gạo và thuỷ sản tăng khá, nhưng đây chỉ là một mảng nhỏ so với tổng thể của nền kinh tế, cho nên, việc hấp thụ vốn từ ngân hàng vào đây cũng không phải quá lớn. Trong khi đó, các lĩnh vực khác như: sản xuất công nghiệp, bất động sản- vốn là lĩnh vực hấp thụ vốn vay lớn, thì lại gặp khó khăn, “đóng băng”, khiến “lượng tồn kho tiền” của các ngân hàng được đánh giá khá lớn.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, vốn của ngân hàng không thiếu, thậm chí đang thừa tiền rất lớn. “Thiếu tiền chữa đã khó, thừa tiền chữa còn khó hơn”, ông nói và cho biết, thiếu thì Ngân hàng Nhà nước có thể cung ứng, nhưng thừa tiền, thì ngân hàng cũng giống như các doanh nghiệp, tức thay vì “tồn kho hàng hoá, thì tồn kho tiền”.

Ông Tú nói rằng, đây là một thực trạng đang diễn ra và điều này có ảnh hưởng đến vấn đề kinh doanh của các doanh nghiệp, nguồn lực cho đầu tư phát triển và ảnh hưởng trực tiếp cho tăng trưởng của nền kinh tế. “Chính vì thế, Chính phủ rất quan tâm, muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hơn nữa”, ông nói.

Linh hoạt cho vay doanh nghiệp lúa gạo, thủy sản

Tuy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực lúa gạo và thuỷ sản khá cao, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Ông Ngô Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản Năm Căn (SNC) cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường thế giới, của nền kinh tế trong nước, dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong vấn đề tiếp cận vốn, tiêu thụ cũng như giải quyết tồn kho.

Theo ông Hiển, có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp đang tồn kho, bán không được, thì vay tiền để làm gì? “Nhưng thật sự vẫn có doanh nghiệp tốt”, ông nói.

Vị tổng giám đốc SNC cho biết, tôm quảng canh chính vụ của Cà Mau được thu hoạch từ tháng 3-6, cho nên, doanh nghiệp cần tiền vào thời điểm này để mua sản phẩm cho người nông dân. “Điều này có nghĩa, doanh nghiệp mua tôm cũng theo mùa vụ, nhưng hạn mức (hạn mức tín dụng là mức dư nợ vay tối đa được duy trì trong một thời hạn nhất định mà tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận trong hợp đồng- PV) chẳng hạn Vietcombank cho tôi vay là 100 tỉ đồng, thì tôi mua hết tiền đó tôi nghỉ”, ông cho biết.

Từ chỗ doanh nghiệp “đứt vốn”,  ngưng thu mua, dẫn đến nông dân phải bán qua thương lái, qua nhiều trung gian khác nhau nên không có được giá tốt. “Nông dân kêu than tôm tôi nuôi từ tháng 7-8 đến tháng 3-4 (năm sau) thu hoạch mà mấy ông mua rẻ như khoai lang vậy?”, ông Hiển nói.

Chính vì vậy, ông Hiển đề nghị, cần phải có sự linh hoạt từ phía ngân hàng trong giải ngân vốn, nhất là đối với doanh nghiệp nào làm tốt. “Nếu được hỗ trợ vào thời điểm đó, tôi có thể giúp bà con tiêu thụ được sản phẩm và mua có giá cạnh tranh hơn 20% so với thời điểm hiện tại”, ông cho biết.

Ông Hiển một lần nữa tái nhấn mạnh, ngân hàng thương mại cần linh hoạt trong việc giải quyết hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, nếu đầu năm doanh nghiệp cần 50 tỉ đồng, nhưng cho vay 100 tỉ đồng; giữa năm cần 150 tỉ đồng, nhưng cho vay 100 tỉ đồng hoặc cuối năm cần 60-70 tỉ đồng, cho vay 100 tỉ đồng…, là không phù hợp.

Đống quan điểm, ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật- đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo cho rằng, lĩnh vực này có tính chất mùa vụ rất cao, cho nên, về hạn mức tín dụng các ngân hàng thương mại cũng cần linh hoạt để đáp ứng. “Ví dụ, thời điểm nông dân thu hoạch, thì nhu cầu mua lúa gạo lớn nên chính sách tín dụng cần có hạn mức đầy đủ và linh hoạt ở những thời điểm như vậy”, ông dẫn chứng.

Ngoài ra, theo ông, đối với ngành hàng lúa gạo, năm nay có đặc điểm giá tăng cao, khoảng 20-40% so với năm ngoái (tuỳ loại), tức nhu cầu vốn để thu mua cũng tăng theo, cho nên, ngân hàng cũng cần xem xét, tạo thuận lợi. “Ví dụ, mua 10.000 tấn gạo trước đây là 100 tỉ đồng, nhưng bây giờ giá tăng 40%, thì 10.000 tấn gạo cần đến 140 tỉ đồng”, ông Nhựt dẫn chứng.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, năm nay đơn vị này ký được một hợp đồng xuất khẩu rất lớn, bằng doanh thu xuất khẩu cả năm 2022, cho nên, lập tức khiến nhu cầu vốn tăng đột biến.

“Chúng tôi có đầu ra, có năng lực sản xuất, có vùng nguyên liệu, nhưng nhu cầu vốn “nhảy vọt” nên chúng tôi đề nghị ngân hàng, đặc biệt lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, có những chính sách cấp vốn cho các doanh nghiệp như trường hợp của Lộc Trời”, ông Nhiên kiến nghị.

Ngoài ra, với đặc thù là đơn vị tham gia sản xuất toàn chuỗi, bao gồm lúa giống, vật tư, sản xuất lúa thương phẩm và xuất khẩu, cho nên, cần thời hạn vay vốn dài, lên đến 18 tháng thay vì là 6 tháng như các ngân hàng thương mại đang áp dụng như hiện nay. “Lộc Trời sản xuất giống, sản xuất lúa thương phẩm, thì chúng tôi cần 12 tháng. Trong khi đó, đối tác bán lẻ nước ngoài kéo dài nợ 6 tháng, cho nên, nếu đẩy mạnh đơn hàng bán trực tiếp (Lộc Trời bán gạo vào hệ thống siêu thị Pháp – PV), thì chúng tôi cần 18 tháng”, ông giải thích.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu câu hỏi về việc làm sao để đẩy mạnh tín dụng, để giải quyết vướng mắc, và cho rằng ngoài các giải pháp linh hoạt, tăng hạn mức cho vay đối với các doanh nghiệp lúa gạo và thủy sản, thì cần “kích thích” khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp. Giải pháp này phải được thực hiện thông qua việc tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ hàng hoá hoặc có cách thức để tạm trữ hàng hóa trong một thời gian…

Ngoài ra, theo ông Tú, cần đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế để các dự án, công trình của doanh nghiệp, nhất là tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý cho bất động sản để có thể triển khai. “Nhiều dự án, ngân hàng sẵn sàng chờ giải ngân, nhưng góc độ pháp lý không triển khai được, doanh nghiệp cũng không dám triển khai nên phải tháo gỡ vấn đề này”, ông cho biết…

Trung Chánh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Áp lực tỷ giá, lạm phát và bài toán tăng trưởng kinh tế (16/09/2023)

>   Vì sao ngân hàng tích cực mua bán trái phiếu thời gian qua? (09/09/2023)

>   Ngành thông tin truyền thông nộp ngân sách giảm 19% trong tháng 8 (07/09/2023)

>   Hơn 40 cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới 25% sau 8 tháng (05/09/2023)

>   Thị trường tài chính tiêu dùng chuyển mình (05/09/2023)

>   Tăng trưởng tín dụng khó đạt mục tiêu (03/09/2023)

>   Nợ xấu bất động sản tăng khiến việc thanh lý tài sản căng thẳng (02/09/2023)

>   Việt Nam và tương lai của thị trường tài sản mã hóa (02/09/2023)

>   Mong đợi gì ở phiên giải trình về hoàn thuế VAT? (31/08/2023)

>   Tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng chỉ đạt 1,5% (31/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật