Mong đợi gì ở phiên giải trình về hoàn thuế VAT? Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đang chuẩn bị cho phiên giải trình về hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Cộng đồng doanh nghiệp không chỉ kỳ vọng phiên giải trình sẽ giúp tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến hoàn thuế mà còn mong rằng tình trạng “công văn làm điêu đứng doanh nghiệp” sẽ được làm rõ và có giải pháp phù hợp.
Luật quy định 40 ngày, doanh nghiệp chờ… hai năm
Sau rất nhiều chỉ đạo, đôn đốc của các cấp lãnh đạo, việc hoàn thuế VAT đến nay vẫn “chưa thực hiện được, chưa tháo gỡ được trong khi doanh nghiệp đang rất khó khăn”, như nhận xét của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16-8-2023 về công tác dân nguyện.
Theo Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 7-2023, cử tri phản ánh việc thực hiện trách nhiệm hoàn thuế VAT của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp xuất khẩu đã gây tác động lớn đến vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh và cả uy tín của doanh nghiệp.
Trước đó, phát biểu kết luận phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15-8-2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, số lượng doanh nghiệp có đơn thư về việc hoàn thuế VAT gửi các cơ quan của Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội vẫn tăng.
Thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế đã được quy định cụ thể trong Luật Quản lý thuế năm 2019. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau, thời gian hoàn thuế là sáu ngày làm việc; doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau, thời gian hoàn thuế tối đa là 40 ngày. Luật cũng quy định doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng ba điều kiện sau sẽ được hoàn thuế VAT: có hợp đồng xuất khẩu, có tờ khai hải quan, thanh toán qua ngân hàng. Như vậy, nếu doanh nghiệp xuất khẩu đủ điều kiện thì cơ quan thuế phải thực hiện hoàn thuế VAT.
Luật quy định là vậy nhưng thời gian hoàn thuế trên thực tế kéo rất dài, không tuân thủ luật định. Có doanh nghiệp FDI chờ… hai năm vẫn chưa được hoàn thuế VAT với số tiền tích lũy lên tới cả ngàn tỉ đồng. Thực tế này cho thấy, chính sách, thủ tục hoàn thuế rõ ràng cần được xem xét lại.
Doanh nghiệp nộp thuế đầu vào đương nhiên phải được hoàn thuế đầu ra – đây là nghĩa vụ của Nhà nước chứ người ta không xin xỏ gì. “Nếu đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp thì có thể sống được không?” – Chủ tịch Quốc hội nói! |
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, một số công văn của ngành thuế vừa làm khó doanh nghiệp, vừa làm chậm quá trình hoàn thuế. Ví dụ, trong văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiến nghị xem xét và tháo gỡ vướng mắc liên quan tới hoàn thuế VAT mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, nếu các Công văn 2124 ngày 22-5-2020 và Công văn 633 ngày 7-3-2022 của Tổng cục Thuế không được bãi bỏ hoặc sửa đổi thì các vướng mắc trong hoàn thuế sẽ không được giải quyết triệt để.
Cụ thể, tại Công văn 2124, Tổng cục Thuế quy định: “Khi thực hiện thanh tra, Cục Thuế phải chủ động phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác trên địa bàn: hải quan, biên phòng, kiểm lâm… trong việc xác định rõ nguồn gốc gỗ…”; “đối với hàng hóa có nguồn gốc thu mua trực tiếp từ người dân theo bảng kê hàng hóa, phải thực hiện xác minh trực tiếp đến từng người dân theo yếu tố rủi ro. Khi thực hiện kiểm tra về phương tiện vận chuyển, thì phải đối chiếu giữa lịch trình di chuyển của từng xe, theo từng lái xe…”.
Công văn 633 về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế VAT nêu rõ “triển khai thực hiện trong tháng 2-2022 và kết thúc chậm nhất trong tháng 5-2022”. Công văn cũng yêu cầu, đối với đầu vào của doanh nghiệp hoàn thuế, việc triển khai công tác thanh tra/kiểm tra các doanh nghiệp F0 cần tập trung đối chiếu, xác minh, làm rõ những dấu hiệu sai phạm (nếu có) về hoàn thuế VAT của các doanh nghiệp qua các khâu từ F1, F2, F3… đến khâu cuối theo hướng dẫn tại các văn bản của Tổng cục Thuế… Còn đối với đầu ra, tập trung rà soát, xác minh các nội dung rủi ro liên quan tới hoạt động xuất khẩu (hồ sơ hải quan, thanh toán qua ngân hàng, xác minh thông tin về các đối tác nhập khẩu ở nước ngoài…).
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, những quy định này làm khó doanh nghiệp. Bởi lẽ, việc xác định đầu vào và đầu ra của các doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế VAT tới tận người trồng rừng/người nhập khẩu mất rất nhiều thời gian, cần rất nhiều nguồn lực và không khả thi dẫn đến vi phạm về thời hạn hoàn thuế.
Công văn cao hơn luật?
Về mặt pháp lý, công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật và không thể vượt trên các quy định của luật. Thế nhưng, thực tế thì các công văn như vậy rất nhiều và không chỉ trong lĩnh vực hoàn thuế VAT.
Chẳng hạn, Công văn 1798/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế ban hành ngày 16-5-2023 yêu cầu các doanh nghiệp giải trình về những hóa đơn đã giao dịch với 524 doanh nghiệp có rủi ro về thuế nêu trong phụ lục.
Công văn này khiến doanh nghiệp bức xúc vì lúc họ mua hàng thì bên xuất hóa đơn vẫn hoạt động; hóa đơn điện tử do cơ quan thuế cấp mã nên cũng không thể nói là hóa đơn không hợp lệ. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý các doanh nghiệp đã bỏ trốn sau khi bán hàng thuộc về cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh. Vì vậy, bắt họ phải giải trình các hóa đơn mua hàng hóa từ doanh nghiệp bỏ trốn, phải chịu trách nhiệm về việc làm của doanh nghiệp khác là rất vô lý.
Hơn thế, những gì liên quan tới quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp phải quy định trong luật chứ không thể quy định trong các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành, đặc biệt là công văn. Thế nhưng thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vẫn phải bỏ thời gian, công sức giải trình hàng loạt nội dung với cơ quan thuế về “hóa đơn ma” theo yêu cầu của công văn và đối diện với nguy cơ bị xử phạt dù không làm gì nên tội!
Ủy ban Tài chính – Ngân sách đang chuẩn bị cho phiên giải trình về hoàn thuế VAT, hướng tới mục tiêu vừa ngăn ngừa được những hành vi trục lợi, tham nhũng, tiêu cực trong chính sách, vừa bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Luật Quản lý thuế. Phiên giải trình này cần nhận diện rõ những “nút thắt” về mặt chính sách, thủ tục hoàn thuế VAT hiện nay và tìm ra cách tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế. Kể cả chuyện doanh nghiệp chậm nộp thuế ngay lập tức bị phạt, vậy cơ quan thuế chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp thì xử lý thế nào cũng cần được xét tới!
Hơn thế nữa, cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi phiên giải trình sẽ làm rõ tình trạng “công văn làm điêu đứng doanh nghiệp” trong ngành thuế nói chung. Việc cơ quan thuế ban hành các văn bản như vậy có đúng không? Những công văn nào chứa đựng quy phạm pháp luật – không đúng với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật – phải được nhận diện và nhanh chóng có giải pháp xử lý phù hợp.
Cũng trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hoàn thuế VAT là vấn đề rất bức xúc đã được báo chí, cử tri nói nhiều, Quốc hội cũng đã có nghị quyết. Doanh nghiệp nộp thuế đầu vào đương nhiên phải được hoàn thuế đầu ra – đây là nghĩa vụ của Nhà nước chứ người ta không xin xỏ gì. “Nếu đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp thì có thể sống được không?” – Chủ tịch Quốc hội nói!
Các doanh nghiệp đang điêu đứng vì đại dịch Covid-19 và diễn biến kinh tế vô cùng khó khăn. Vào lúc này đừng để họ phải chịu thêm những gánh nặng không đáng có! Doanh nghiệp nào sai phải xử nghiêm, nhưng cũng không nên để xảy ra tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” và đặc biệt là phải tuân thủ luật Quốc hội ban hành.
Hải Phong TBKTSG
|