Thứ Sáu, 25/08/2023 10:02

Thử nghĩ về đầu tư công ‘xanh’

Nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng qua đầu tư công thì nên chăng cần cân nhắc một phần dành cho tăng trưởng xanh? Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm các nước trong vấn đề này.

Nhà nước không nên đứng ra thu hồi đất cho các dự án vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội do tư nhân đầu tư. Trong ảnh: Một công trình thủy lợi ở Tây Ninh. Ảnh: H.P

Báo cáo Điểm lại tháng 8-2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) với chủ đề “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng” đã chạm đúng yếu huyệt của nền kinh tế Việt Nam hiện tại. Mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5% năm 2023 của chúng ta đang cao hơn khá nhiều mức 4,7% được các tổ chức quốc tế như WB hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo.

Để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trong giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình phải đạt 7%, trong khi đó, WB cho rằng mức tăng GDP sẽ phục hồi dần từ năm 2024 nhưng chỉ đạt 5,5% và đến năm 2025 dự kiến đạt 6%.

Bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm và quá nhiều biến số rủi ro càng khiến động lực tăng trưởng phải trông nhiều hơn vào đầu tư công. Lựa chọn này còn mang tính… truyền thống. Từ năm 2000, Việt Nam theo đuổi mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn đầu tư. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2000-2010, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư gấp hơn 40 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Thập kỷ tiếp theo, vốn vẫn đóng góp 51,07% vào tăng trưởng GDP.

Dư địa rất lớn cho tăng trưởng kinh tế có thể xuất hiện nếu chúng ta hóa giải được các vấn nạn đang tồn tại trong đầu tư công – hiệu quả đầu tư, nhân tố kéo lùi hệ số ICOR cả nước do thực trạng đầu tư công dàn trải, chậm tiến độ, đầu tư không đúng trọng tâm, trọng điểm vẫn được nhắc đi nhắc lại hàng năm như vở kịch buồn chưa nhìn thấy hồi kết.

Thêm nữa, tại Báo cáo Điểm lại tháng 8-2023 đã đề cập ở trên, theo nhóm tác giả, thích ứng với biến đổi khí hậu chưa được xem xét đầy đủ trong chiến lược tài khóa tổng thể cũng như trong việc xác định dự án ưu tiên cho đầu tư công ở Việt Nam. Trong khi đó, tổng nhu cầu tài chính phát sinh thêm của Việt Nam để xử lý những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh có thể lên tới 701 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2022-2040.

Đối với mục tiêu chuyển đổi xanh, thông tin trong một nghiên cứu của PwC công bố tháng 4-2023 về hạ tầng chỉ ra, các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam cần đầu tư tới 60% cho cơ sở hạ tầng mới phục vụ được mục tiêu này. Tất nhiên, nguồn tài chính xanh, ngoài huy động từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài, còn đến từ đầu tư công. Rõ ràng, cấu phần đầu tư công cho tăng trưởng xanh buộc phải tính đến.

Việt Nam có thể lựa chọn cách tiếp cận giống như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Theo cách trực diện, Nhật Bản tăng nhu cầu mua sắm xanh, cả khu vực tư nhân và nhà nước, bằng việc trợ giá hay hỗ trợ việc sản xuất cả các loại sản phẩm này.

Trong hai năm 2008-2009, Nhật Bản đã chi tới 0,5% GDP hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường thông qua các biện pháp thưởng điểm sinh thái khi mua các sản phẩm tiết kiệm điện, ưu đãi và hỗ trợ chi phí lắp đặt tấm quang điện hoặc các sản phẩm tiết kiệm điện, trồng rừng sinh thái… Chương trình khuyến khích tiêu thụ xe xanh tại Nhật Bản được triển khai năm 2009 và 2010 với ngân sách 3,7 tỉ đô la.

Với Hàn Quốc, trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (2009-2050), ngoài các gói kích thích kinh tế hàng chục tỉ đô la, nước này dự chi khoảng 100 tỉ đô la cho khoảng một trăm dự án nằm trong chiến lược này. Trong năm 2009, hơn 70% ngân sách nghiên cứu và phát triển của Chính phủ Hàn Quốc được phân bố gắn liền với 27 công nghệ xanh chủ chốt của đất nước này.

Con đường của Việt Nam sẽ có những điểm khác biệt bởi chúng ta cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhân tố đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP nhờ xuất khẩu. Cho tới thời điểm này, dù đã xuất hiện những hoài nghi về kỳ tích ngành dệt may Bangladesh nhờ đầu tư cho các nhà máy xanh, thực tế về việc cần đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao, trong đó có sản xuất và sản phẩm xanh từ các thị trường khó tính là không thể phủ nhận. Tự doanh nghiệp không thể tạo ra sự thay đổi mang tính chất căn bản này và đây là vấn đề không chỉ đối với riêng ngành dệt may.

Bên cạnh đó, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những yêu cầu được cung ứng năng lượng sạch cho sản xuất, từ doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đầu tư hạ tầng xanh cũng có thể là một trong những phương thức thu hút FDI khi Việt Nam thật sự tham gia vào cuộc chơi thuế tối thiểu toàn cầu. Đầu tư công “xanh” có thể trở thành lời giải cho các vấn đề nêu trên, đồng thời góp phần điều chỉnh và cải thiện chất lượng dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.

Hoàng Hạnh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tích hợp dữ liệu liên thông: yêu cầu cấp thiết cho môi trường số an toàn (25/08/2023)

>   Tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng (22/08/2023)

>   Các ngân hàng đã mua lại trước hạn gần 77.000 tỉ đồng trái phiếu (22/08/2023)

>   Tăng phát hành giấy tờ có giá nhưng ngân hàng lại hạn chế đầu tư (19/08/2023)

>   Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1,5 – 2% (15/08/2023)

>   Nhìn lại bức tranh tín dụng nửa đầu năm (14/08/2023)

>   Những biến số tác động tới lợi nhuận ngân hàng 6 tháng cuối năm (13/08/2023)

>   Chi phí vốn ngân hàng tăng mạnh – ai mới là nạn nhân? (12/08/2023)

>   Khó khăn của ngành ngân hàng hiện rõ! (11/08/2023)

>   Chi phí lãi ‘bào mòn’ lợi nhuận nhà băng (11/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật