Thứ Sáu, 11/08/2023 17:02

Khó khăn của ngành ngân hàng hiện rõ!

Không chỉ biên lãi ròng (NIM) thu hẹp, mà nguồn thu ngoài lãi của nhiều ngân hàng cũng trong xu hướng thu hẹp trong nửa đầu năm 2023.

Lợi nhuận trước thuế trong quí 2-2023 của Techcombank đạt 5.649 tỉ đồng, nhưng lũy kế nửa đầu năm nay chỉ ở mức 11.300 tỉ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái (14.106 tỉ đồng). Ảnh: THÀNH HOA

Kết quả kinh doanh “kém sắc”

Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thấp, chi phí đầu vào tăng, nguồn thu phi tín dụng suy giảm và nguy cơ nợ xấu tạo áp lực lên dự phòng rủi ro, lợi nhuận của nhiều ngân hàng có xu hướng đi xuống trong nửa đầu năm 2023.

Điển hình như Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong quí 2-2023 tương đương quí 1-2023 khi đạt 5.649 tỉ đồng, nhưng lũy kế nửa đầu năm nay chỉ ở mức 11.300 tỉ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái (14.106 tỉ đồng). Nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận của Techcombank suy giảm là do chi phí huy động tăng nhanh, NIM suy giảm do tăng chi trả lãi tiền gửi (gấp 2,8 lần) và lãi tiền vay (gấp 4,2 lần), dẫn đến quy mô thu nhập lãi thuần thu hẹp còn 12.800 tỉ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, Techcombank cũng phải trích lập gần 1.342 tỉ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng (tăng gấp 2 lần cùng kỳ) khiến lãi trước thuế mới đạt khoảng 50% so với kế hoạch cả năm 2023 (22.000 tỉ đồng).

Tương tự, các ngân hàng TPBank, ABBank, LPBank, PGBank, Saigonbank cũng công bố báo cáo tài chính quí 2-2023 với lợi nhuận sau thuế sụt giảm. Cụ thể, tổng lãi ròng của năm ngân hàng này giảm 46,2% so với cùng kỳ và giảm 35,8% so với quí 1-2023, chủ yếu là do NIM thu hẹp, tín dụng tăng thấp và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh.

Kết quả kinh doanh của các ngân hàng này cũng phần nào phản ánh bức tranh lợi nhuận kém tích cực của ngành trong quí 2-2023 do một số hệ lụy từ những diễn biến bất lợi gần đây trên thị trường bất động sản cũng như nhu cầu vay vốn cho sản xuất, kinh doanh chưa hồi phục.

Thực tế cho thấy không chỉ NIM thu hẹp, mà nguồn thu ngoài lãi của nhiều ngân hàng cũng trong xu hướng thu hẹp trong nửa đầu năm 2023, nhất là đối với mảng bảo hiểm, vốn mang lại nguồn thu lớn cho các ngân hàng trong những năm trước thì năm nay bị ảnh hưởng khá nặng.

Cụ thể, ước tính thu nhập ngoài lãi quí 1-2023 chỉ chiếm trung bình 20% trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng, giảm 21,7% so với cùng kỳ khi các hoạt động dịch vụ, đầu tư chứng khoán đều suy giảm. Còn thu nhập từ bán chéo bảo hiểm – bancassurance (chiếm khoảng 30% thu nhập dịch vụ) cũng bị ảnh hưởng do các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra và thu nhập của người dân giảm sút. Theo thống kê, sau bốn tháng đầu năm 2023, doanh thu khai thác mới qua kênh bancassurance toàn thị trường ghi nhận mức giảm lên tới 38% so với cùng kỳ.

Những góc nhìn tổng quan

Ở một góc nhìn rộng hơn, theo Công ty chứng khoán VNDirect thì tổng lợi nhuận trước thuế trong quí 2-2023 của tốp 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất đạt khoảng 61.600 tỉ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ (trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 36%). Nguyên nhân dễ thấy nhất là sự suy giảm của tăng trưởng tín dụng. Tại thời điểm cuối quí 2-2023, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ tăng 4,7% so với đầu năm – thấp hơn mức tăng 9,4% tại cuối quí 2-2022, nhưng đã cao hơn mức 3,17% tại thời điểm cuối tháng 5-2023.

Cụ thể hơn, trong quí vừa qua, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay cao với ngành bất động sản cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại khi ngành này vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao vẫn đạt mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng (ACB tăng 5,51%; VIB tăng 2,19% so với quí trước), cho thấy dấu hiệu hồi phục nhẹ từ nhu cầu tiêu dùng.

MBBank, với kế hoạch tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém, cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao trong quí 2-2023 (tăng 6,49%) và có giới hạn tăng trưởng tín dụng cao hơn so với ngành (được tăng 24%). Trường hợp tương tự với VPBank (tăng trưởng tín dụng đạt 5% so với quí trước, tương đương 24% hạn mức cho năm 2023) chủ yếu nhờ thanh khoản dồi dào sau thương vụ bán 15% vốn cho SMBC.

Trong nửa cuối năm 2023, các ngân hàng có tỷ trọng cao về cho vay bán lẻ như VIB, ACB có nhiều cơ hội để cải thiện tăng trưởng tín dụng khi nền kinh tế đang dần bước vào giai đoạn phục hồi. Ở chiều ngược lại, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao có thể sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng tín dụng khi Thông tư 06/2023 (có hiệu lực từ tháng 9-2023) sẽ giới hạn khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp này.

Không chỉ tín dụng tăng chậm, NIM của 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất cũng giảm 32 điểm cơ bản so với cùng kỳ, xuống mức 3,41% trong quí 2-2023 với 19/25 ngân hàng ghi nhận mức sụt giảm. Trong nhóm các ngân hàng vừa và lớn, chỉ có VIB, VietinBank và Sacombank duy trì được mức NIM cao hơn so với cùng kỳ.

Cụ thể, VIB và VietinBank đã thành công trong việc tận dụng nguồn vốn liên ngân hàng khi tỷ lệ vốn liên ngân hàng/tổng nguồn vốn của hai ngân hàng này tăng lần lượt 4,3% và 4,9%. Trong khi đó, NIM của Sacombank cải thiện mạnh trong năm 2023 khi không còn áp lực lãi dự thu. Ở chiều ngược lại, NIM của VPBank, Techcombank, LPBank và TPBank tiếp tục giảm mạnh khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản vẫn gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản.

Theo VNDirect, chi phí vốn được kỳ vọng sẽ giảm mạnh hơn trong thời gian tới khi lần cắt giảm lãi suất điều hành thứ 3 và thứ 4 diễn ra vào cuối quí 2-2023 sẽ có hiệu lực toàn bộ kể từ nửa cuối năm 2023 trở đi. Mặc dù vậy, NIM của các ngân hàng không được kỳ vọng sẽ cải thiện ngay lập tức khi việc cắt giảm lãi suất vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, một số ngân hàng sở hữu: i) tỷ lệ cho vay cá nhân cao, ii) tỷ lệ cho vay/tổng huy động (LDR) thấp và iii) tỷ trọng vốn ngoại tệ trên tổng nguồn vốn thấp sẽ có nhiều cơ hội để cải thiện NIM tốt hơn so với toàn ngành, điển hình như MBBank và VIB.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu của tốp 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất tăng lên mức 2,1% vào thời điểm cuối quí 2-2023 từ mức 1,9% vào thời điểm cuối quí 1-2023. Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) cũng suy giảm từ mức 106% xuống còn 98%.

Ngoài ra, tổng giá trị nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 đạt 62.500 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 6-2023, tương đương với 0,5% tổng quy mô tín dụng toàn hệ thống. Trước tình hình thị trường bất động sản vẫn gặp khó khăn như hiện tại, các ngân hàng thương mại với dự phòng vững chắc và danh mục tín dụng lành mạnh sẽ được đánh giá cao. Tốp 3 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất bao gồm: Vietcombank (386%), VietinBank (169%) và MBBank (156%).

Đăng Linh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Chi phí lãi ‘bào mòn’ lợi nhuận nhà băng (11/08/2023)

>   Những điểm đáng chú ý về cầu tín dụng sáu tháng đầu năm (10/08/2023)

>   Bức tranh tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng sau báo cáo quí 2 (08/08/2023)

>   Thách thức nợ xấu ngày càng gia tăng (07/08/2023)

>   Giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên sẽ phải báo cáo (07/08/2023)

>   Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Tôi từng duyệt vay tín chấp như thế nào? (03/08/2023)

>   Thu hút nhân lực và vốn cho mục tiêu phát triển trung tâm tài chính (02/08/2023)

>   ‘Mở lối’ dẫn vốn vào nền kinh tế (31/07/2023)

>   50 dự án có doanh thu không đạt, tập trung ở bốn ngân hàng (29/07/2023)

>   OCB hoàn thành kế hoạch 6 tháng đầu năm, tích cực đồng hành cùng khách hàng (29/07/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật