‘Mở lối’ dẫn vốn vào nền kinh tế Để dòng vốn tín dụng của ngân hàng thực sự “chảy” vào nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng bản thân mỗi doanh nghiệp phải nâng cao khả năng quản trị, minh bạch sổ sách, còn phía ngân hàng cần hạn chế các loại phí, các ràng buộc hợp đồng khác.
Dòng vốn đứng ngoài nền kinh tế
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong vòng 6 tháng, thực hiện phân bổ toàn bộ “room” tín dụng cho các ngân hàng thương mại, ban hành thông tư cơ cấu nợ, tung ra các gói tín dụng ưu đãi…, nhưng tăng trưởng tín dụng giai đoạn từ đầu năm 2023 tới cuối tháng 6 chỉ ở mức 4,73%, thấp nhất trong vòng 13 năm qua.
Tăng trưởng cung tiền (M2) giai đoạn từ đầu năm tới cuối tháng 6-2023 cũng chỉ đạt 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức 3,8% ghi nhận trong cùng giai đoạn năm 2022 và thấp hơn rất nhiều mức 7% của cùng giai đoạn năm 2019. Con số này, theo TS Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng BIDV, cho thấy việc cung tiền ra nền kinh tế rất thấp.
Ngoài ra, vòng quay tiền 6 tháng đầu năm chỉ đạt 0,67 lần, tức tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022.
“So với thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng tốt, vòng quay đồng tiền trên 1 lần thì rõ ràng vòng quay tiền đang chậm”, ông Lực nói tại một toạ đàm diễn ra tuần trước.
Lãi suất cho vay liên tục giảm, nhưng vốn tín dụng vẫn khó tiếp cận với doanh nghiệp. Ảnh: LÊ VŨ |
Lý giải nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho rằng cầu trong nước và thế giới yếu đi, dẫn đến đơn hàng giảm sút nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn dù NHNN đã có 4 lần thực hiện giảm lãi suất điều hành.
Với May 10, ông cho biết doanh nghiệp hiện nằm trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu và được xếp vào khối doanh nghiệp lớn, nên được các ngân hàng tạo điều kiện trong việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng. Nhưng do nhu cầu thị trường bị thu hẹp, doanh nghiệp cũng “linh hoạt sử dụng nguồn vốn tự có, giảm thiểu tối đa vay vốn ngân hàng để cân đối chi phí tài chính”.
“Cho đến khi nào, tình thị trường hồi phục trở lại, nhiều đơn hàng mở ra thì khi ấy doanh nghiệp mới tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng”, ông Việt nói tại một hội thảo về tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp diễn ra cách đây ít ngày.
Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, thông tin có 25% hội viên của hiệp hội cho biết đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe, tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn tồn tại.
“Ngoài những tác động khách quan từ thị trường thì một phần nguyên nhân là do các chính sách của Nhà nước vẫn chưa đồng bộ, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn, năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Do đó, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp”, ông Thân nhận định.
Thực trạng các ngân hàng “đỏ mắt” tìm khách vay, người vay lại không thể tiếp cận tín dụng không phải là câu chuyện lần đầu tiên được nhắc tới.
Từ góc nhìn ngành ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, đã đưa ra một số nguyên nhân.
Thứ nhất, kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Về phía các ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định và điều kiện cho vay, mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống.
Thứ hai, đa số các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian qua. Các doanh nghiệp này đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng phần nhiều chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn.
Thứ ba, nhiều doanh nghiệp có tài sản thế chấp gặp vướng mắc pháp lý, chưa có giấy chứng nhận, quy hoạch treo, tranh chấp… nên không đáp ứng điều kiện vay vốn.
Thứ tư, để được tiếp cận chính sách ưu tiên áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn theo quy định, các DNNVV phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp hiện nay không đáp ứng được các điều kiện trên.
“Phần lớn DNNVV có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng”, ông Hùng đánh giá.
Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó giám đốc phụ trách khối ngân hàng doanh nghiệp thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB), cho biết dù đã triển khai rất nhiều giải pháp song tăng trưởng tín dụng của ngân hàng nửa đầu năm nay vẫn chậm. Nguyên nhân chủ yếu là hoạt động của khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dòng tiền gián đoạn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng, trong khi sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, gây khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm do thiếu đơn hàng, điều này dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.
“Những tháng cuối năm, SHB tiếp tục tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay, số hóa toàn bộ quy trình cho vay để giảm đáng kể thời gian xét duyệt và thẩm định cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nhất với nguồn vốn tín dụng ngân hàng”, ông Dũng cho biết.
Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm
Với bối cảnh nền kinh tế tồn tại nhiều khó khăn, không chỉ doanh nghiệp mà các ngân hàng cũng đối diện với nhiều rủi ro lớn như nợ xấu gia tăng, biên lợi nhuận giảm, áp lực tăng vốn lớn. Do đó, việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế không chỉ “cứu” doanh nghiệp mà cũng chính là “cứu” các ngân hàng.
Để thực hiện mục tiêu này, TS Cấn Văn Lực cho rằng bản thân doanh nghiệp cần ưu tiên thực hiện một số giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, tái cơ cấu, giảm chi phí; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm sử dụng vốn, minh bạch (theo đúng kế hoạch, hồ sơ phát hành công cụ nợ hoặc vay vốn – PV) và giải quyết đúng các cam kết trả nợ qua việc chấp nhận bán tài sản (nếu cần – PV); có phương án, giải pháp cụ thể với TPDN đáo hạn còn lại trong năm 2023 và 2024; đẩy mạnh cơ cấu lại hoạt động như xem xét tạm dừng các dự án không cấp bách, ưu tiên các dự án đã cam kết với nhà đầu tư.
“Đây cũng là điều kiện tất yếu để tăng sức khỏe của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng tốt hơn với các điều kiện của thị trường vốn tín dụng, trái phiếu”, ông Lực phân tích.
Thứ hai, nâng cao tính công khai, minh bạch trong huy động vốn, sử dụng vốn. Theo đó, doanh nghiệp cần có phương án huy động vốn cụ thể, khả thi, trung thực; lựa chọn phương thức, thời điểm huy động vốn phù hợp với kế hoạch sử dụng vốn minh bạch, khả năng trả nợ. Ngoài ra, xây dựng quy trình, có lộ trình áp dụng xếp hạng tín nhiệm TPDN phù hợp.
Thứ ba, đa dạng hóa nguồn vốn như phương thức thuê tài chính, tài trợ chuỗi cung ứng, tránh chỉ phụ thuộc vào một nguồn tín dụng.
Bên cạnh những giải pháp trên, chuyên gia này cho rằng cần nhanh chóng triển khai các chính sách giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp, gồm: đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng và các chính sách giãn – hoãn thuế, phí, tiền thuê đất, giảm 2% thuế GTGT; xem xét giảm tỷ lệ đóng BHXH cho doanh nghiệp; xem xét chuyển phần còn lại của chương trình phục hồi, nhất là cấu phần hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), cho rằng vấn đề quan trọng nhất với doanh nghiệp hiện nay không phải là vốn mà là thị trường, đầu ra cho sản phẩm… Vì vậy, cần các chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hoá, sản phẩm, bên cạnh chính sách hỗ trợ từ ngân hàng.
Với những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ, ông Vân cho rằng cần nhiều hơn nữa sự quan tâm về cơ chế chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới.
Còn ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiingroup, cho rằng mặt bằng lãi suất nói chung cần tiếp tục giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó tín dụng tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng cần được thực hiện với hai nhóm ngành xuất khẩu trọng điểm là dệt may và thủy sản.
Cụ thể, ngành thủy sản chịu tác động tiêu cực bởi cầu ở các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc giảm mạnh. Tuy nhiên, triển vọng nửa cuối năm 2023 dự kiến sẽ tích cực hơn nhờ kỳ vọng cầu hồi phục ở Mỹ, Trung Quốc và chi phí vận chuyển giảm.
Hiện ngành thủy này đóng góp khoảng 9-10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tạo công ăn việc làm cho hơn 4 triệu lao động – tương ứng 8,4% lực lượng lao động của Việt Nam.
Còn ngành dệt may cũng gặp khó khăn về đơn hàng nên doanh thu giảm và biên lợi nhuận giảm nên nhu cầu vốn ít đi. Do đó, trọng tâm của chính sách hỗ trợ sẽ là giảm lãi suất và thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và chuẩn bị cho giai đoạn khôi phục cầu trở lại.
Vân Phong TBKTSG
|