Thách thức của ngành ngân hàng – không chỉ ở câu chuyện kinh doanh Tới hết nửa đầu năm 2023 này, những xu hướng, diễn biến của thị trường tài chính đã bất ngờ đảo chiều ngược với những dự báo, kỳ vọng đưa ra hồi đầu năm. Thách thức của các ngân hàng theo đó cũng có những thay đổi quan trọng.
Ảnh: Lê Vũ |
Diễn tiến bất ngờ
Cuối năm 2022, chi phí vốn tăng nhanh được xác định là thách thức lớn nhất của các tổ chức tín dụng (TCTD) vào thời điểm đó và trong cả năm 2023. Thực tế sau đó đã xảy ra như vậy, khi bước sang quí 1-2023, các ngân hàng phải tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm để cạnh tranh trên mặt trận huy động vốn, giữ chân người gửi tiền. Nhưng ngay đầu quí 2-2023, thách thức này gần như tan biến khi xu hướng lãi suất đã sớm đảo chiều giảm trở lại sau một loạt động thái giảm lãi suất điều hành liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Cụ thể, sau hai lần giảm trong tháng 3 và một lần giảm trong tháng 5, vào giữa tháng 6 cơ quan này đã giảm lãi suất điều hành lần thứ 4. Đáng lưu ý là xu hướng này có thể chưa dừng lại một số ý kiến cho rằng dư địa giảm thêm lãi suất của nhà điều hành vẫn còn trong thời gian còn lại của năm nay, trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang nới lỏng trở lại để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất cho vay đã bắt đầu có dấu hiệu giảm thực chất hơn từ giữa quí 2-2023, thể hiện qua việc nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở – yếu tố đầu vào để điều chỉnh lãi suất cho các hợp đồng vay vốn của khách hàng. Xu hướng này phản ánh chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng sau giai đoạn tăng nhanh vào cuối quí 4-2022 và đầu quí 1-2023, đã bắt đầu đi xuống trở lại từ đầu quí 2-2023.
Đối với rủi ro nợ xấu, quả thật nợ xấu của toàn hệ thống nói chung và nhiều ngân hàng nói riêng đã tăng nhanh ngay từ những tháng đầu năm 2023, nhưng NHNN cũng đã sớm hành động khi ngày 23-4-2023 ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Theo đó, trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu này cũng được giãn ra đến cuối năm 2024.
Ngoài ra, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN cho phép các TCTD mua lại ngay trái phiếu chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UpCom mà tổ chức này đã bán ra. Với các trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trễ hạn/quá hạn thanh toán có thể ảnh hưởng lây lan đến chất lượng các khoản vay liên quan tại ngân hàng, việc cho phép ngân hàng được mua lại ngay TPDN mà TCTD này đã bán ra sẽ giúp hạn chế nợ xấu của các ngân hàng tăng mạnh trong giai đoạn tới vì bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường TPDN.
Ở câu chuyện thu nhập ngoài lãi đứng trước thách thức tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí suy giảm, do tác động của chính sách tăng cường kiểm soát chặt chẽ thị trường TPDN cũng như sự chậm lại của hoạt động bán bảo hiểm liên kết với ngân hàng (bancassurance), gần đây các ngân hàng đã tích cực kích hoạt, điều chỉnh một số nguồn thu phí dịch vụ liên quan đến tài khoản thanh toán, tài khoản thẻ. Sau giai đoạn cạnh tranh quyết liệt về phí để lôi kéo khách hàng, giờ đây có lẽ các ngân hàng đang tìm cách tăng cường nguồn thu phí trở lại để bù đắp cho lợi nhuận bị ảnh hưởng từ các mảng kinh doanh khác.
Thách thức dài hạn
Bên cạnh những thách thức đang dần được hóa giải hay biến mất, vẫn còn một số thách thức đang tồn tại, thậm chí gia tăng mức độ, cũng như xuất hiện những thách thức mới, có thể ảnh hưởng lên hoạt động của các ngân hàng trong năm nay và dài hạn ở giai đoạn kế tiếp.
Đầu tiên là thách thức do sức cầu tín dụng thấp giữa bối cảnh nền kinh tế vẫn đang chật vật lấy lại đà tăng trưởng, các điều kiện kinh doanh bị thu hẹp ở lĩnh vực sản xuất và triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp khá ảm đạm. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong nửa đầu năm nay ở mức thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2021 và 2022, chỉ cao hơn năm 2020 là giai đoạn đại dịch Covid-19 mới bắt đầu xuất hiện.
Diễn biến này không chỉ do nhu cầu vay trong nền kinh tế suy yếu, mà chính các ngân hàng cũng không dám mạo hiểm đẩy mạnh cho vay trong giai đoạn còn quá nhiều rủi ro tiềm ẩn và khó lường. Hệ quả là không ít ngân hàng rơi vào tình trạng thừa vốn, giảm hiệu quả sử dụng vốn, tác động đến lợi nhuận và các chỉ số sinh lời. Trong bối cảnh nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn, lẽ ra các ngân hàng cần phải tăng quy mô kinh doanh nhanh hơn để bù đắp những thiệt hại từ nợ xấu, nhưng thực tế cho thấy việc tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng gặp rất nhiều thách thức.
Câu chuyện tăng vốn cũng là một thách thức không nhỏ của các ngân hàng trong những năm qua và sẽ tiếp tục ở dài hạn. Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao và nâng dần hệ số an toàn vốn (CAR), bên cạnh việc sẽ phân nhóm giữa các TCTD theo tiêu chuẩn vốn điều lệ. Với quy định TCTD thuộc nhóm 1 phải có vốn điều lệ từ 15.000 tỉ đồng trở lên, các ngân hàng có quy mô vốn điều lệ nhỏ bé hiện nay sẽ phải có giải pháp tăng vốn nhanh nhất có thể trong thời gian tới.
Tính đến cuối năm 2022, vẫn còn đến 18 ngân hàng thương mại, chiếm tỷ trọng hơn 50%, có vốn điều lệ dưới 15.000 tỉ đồng. Việc một số ngân hàng như VPBank, Vietcombank hay MBBank gần đây liên tục tăng vốn mạnh mẽ bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành tăng vốn hay bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, khiến sự phân hóa về vốn giữa các nhóm rõ rệt hơn càng gây thêm áp lực chạy đua tăng vốn cho các ngân hàng khác.
Đáng lưu ý là việc nguồn vốn đầu vào tăng nhanh, nhưng vốn đầu ra có những hạn chế nhất định, sẽ tác động tiêu cực đến các hệ số sinh lời của các ngân hàng. Dù vậy, tăng vốn là điều cần thiết, không chỉ để gia tăng bộ đệm vốn ứng phó với rủi ro nợ xấu, nâng cao các tiêu chuẩn an toàn vốn, mà còn giúp các ngân hàng đảm bảo đủ nguồn vốn để phục vụ cho các chiến lược đầu tư mới, như các dự án chuyển đổi số, số hóa hoạt động ngân hàng.
Theo đó, lộ trình chuyển đổi số cũng là một trong những thách thức trong chiến lược phát triển kinh doanh của các ngân hàng trong những năm kế tiếp. Thực tế cho thấy không ít ngân hàng, ngay cả ở nhiều nước trên thế giới, đã đầu tư nguồn lực rất lớn vào các kế hoạch chuyển đổi số, nhưng kết quả sau đó lại không đạt được như kỳ vọng, hay không muốn nói là thất bại. Nguyên nhân không chỉ vì lựa chọn chiến lược sai lầm, mà có thể còn vì thời điểm đầu tư chưa phù hợp khi thị trường chưa kịp thích nghi, đón nhận những sản phẩm, dịch vụ mới mẻ này.
Cuối cùng, trong thời đại công nghệ và bùng nổ thông tin như hiện nay, khách hàng dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn thông tin không chính thống, đặc biệt là từ mạng xã hội, dễ bị tác động tâm lý nhiều hơn, nên việc quản trị rủi ro thanh khoản, khủng hoảng truyền thông hay khủng hoảng thanh khoản của các ngân hàng càng trở nên thách thức hơn bao giờ hết. Một “mồi lửa” thông tin nhỏ nếu không được dập tắt kịp thời sẽ bùng lên thành một cơn “hỏa hoạn” lớn, thiêu rụi bất kỳ tổ chức nào.
Bài học nóng hổi về sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) ở Mỹ mới đây là minh chứng cụ thể hơn bao giờ hết, khi các chuyên gia phân tích lẫn người trong cuộc của ngân hàng này đều cho rằng tốc độ lan truyền thông tin trên mạng về rủi ro của ngân hàng, các thông tin không được kiểm chứng, những bài viết kích động trên mạng xã hội… là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ đột ngột và nhanh chóng của ngân hàng này.
Có lẽ chính vì vậy mà trong dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) lần này, NHNN đã đề xuất bổ sung thêm quy định can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Thống đốc NHNN cũng dẫn giải kinh nghiệm trên thế giới cho thấy không phải chờ đến lúc TCTD gặp khó khăn về thanh khoản mới xử lý mà các cơ quan quản lý cần phải can thiệp sớm. Đặc biệt, trong thời đại phát triển công nghệ hiện nay, người dân không phải đến ngân hàng mà chỉ cần ngồi ở nhà sử dụng điện thoại để rút tiền.
Thụy Lê TBKTSG
|