Thứ Tư, 12/07/2023 09:14

Hành trình thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân, nhưng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập tại Việt Nam. Ảnh: T.L

Tốc độ tăng trưởng nhanh

Sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thói quen thanh toán của người dân đã có những thay đổi lớn. Kết quả đạt được cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các phương tiện điện tử thay thế cho tiền mặt. Đây cũng là một trong các mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Thời gian qua, hoạt động thanh toán từ người dân, tổ chức, nhất là giới trẻ Việt Nam đã tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới. Các hình thức thanh toán đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập tại Việt Nam như: thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc (contactless), thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua NFC, ứng dụng Mobile banking,… kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.

Việc mở và sử dụng tài khoản của các cá nhân cũng cho thấy xu hướng tiếp tục tăng lên. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày, tốc độ tăng trưởng dịch vụ ngân hàng di động (Mobile Banking) thời gian qua là 200%. Đến nay, đã có trên 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Các hình thức thanh toán đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập tại Việt Nam như: thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc (contactless) , thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua NFC, ứng dụng Mobile banking,… kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization) , định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.

Gần nhất, trong ba tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 53,5% về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thanh toán qua kênh Internet tăng hơn 88% về số lượng và 7,4% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 65,5% về số lượng và 13,3% về giá trị.

Đáng chú ý, thanh toán qua phương thức QR code tăng mạnh nhất với 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị; qua máy POS tăng 37,5% về số lượng và 32% về giá trị. Riêng giao dịch qua ATM giảm 2,73% về số lượng và 4% về giá trị.

Theo Napas, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt xử lý qua hệ thống của công ty này đã giảm từ mức 12% năm 2021 xuống chỉ còn 6,56% năm 2022. Thống kê trên phần nào cho thấy người dân đang dần chuyển dịch thói quen thanh toán sang các hình thức không dùng tiền mặt.

Trong các lĩnh vực ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt thì thanh toán hóa đơn thể hiện rõ nhất sự đổi mới.

Điển hình như tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đến hết tháng 4-2023 đạt 85,1%, vượt 5,84% so với chỉ tiêu tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao năm 2023; doanh thu qua kênh thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 96,3%.

Trong khi đó, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về thu tiền điện không dùng tiền mặt, trong năm 2022, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đạt 98%, vượt kế hoạch EVN giao 13%. Đáng chú ý, thanh toán hóa đơn có sự chuyển dịch khá mạnh từ thanh toán trực tiếp sang trực tuyến kể từ sau dịch Covid-19.

Khi dịch bệnh bùng nổ, người dân bị buộc phải chuyển sang thanh toán trực tuyến và đã dần quen thuộc với hình thức này nhờ tính tiện lợi, nhanh chóng, đa dạng. Tỷ lệ thanh toán hóa đơn trực tuyến tăng đều theo từng năm, đến nay đã tăng gần gấp 3 lần so với trước dịch.

Với lĩnh vực F&B, thanh toán không dùng tiền mặt nửa đầu năm 2023 đã tăng gấp đôi về số lượng và 25% về giá trị so với cùng kỳ.

Trong khi đó, lĩnh vực siêu thị ghi nhận sự tăng trưởng 64% về số lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ.

Hiện nay, các nhà mạng viễn thông cũng tham gia tích cực vào quá trình thanh toán không dùng tiền mặt thông qua nhiều hình thức, trong đó nổi bật là dịch vụ Mobile Money. Tính đến cuối tháng 9-2022, khách hàng thí điểm dịch vụ này là 2,34 triệu tài khoản, trong đó có 1,62 triệu tài khoản mở ở khu vực nông thôn, hải đảo, chiếm 69,2% tổng số tài khoản Mobile Money.

Về địa điểm phát triển kinh doanh của Mobile Money, cho đến thời điểm hiện tại, ba đơn vị được cung cấp thí điểm (Viettel, VNPT, MobiFone) có đến hơn 82.200 điểm giao dịch kinh doanh được thiết lập. Về giao dịch, cho đến thời điểm hiện tại, thanh toán qua Mobile Money có khoảng 15 triệu giao dịch với tổng giá trị gần 950 tỉ đồng.

Về tổng số đơn vị chấp nhận thẻ, hiện nay có đến hơn 14.500 đơn vị. Đây là những lợi thế rất tốt để phục vụ việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Còn tồn tại một số hạn chế

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân, nhưng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: tốc độ phát triển chưa tương xứng với kỳ vọng, đặc biệt là sự chênh lệch trong phát triển ở những khu vực trung tâm và khu vực xa trung tâm, từ đó đặt ra thách thức làm sao để phát triển bền vững hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số. Có thể xác định một số nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, mặc dù đã được cải thiện nhiều và liên tiếp đưa ra những văn bản quy phạm hướng dẫn cũng như điều chỉnh nhưng hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ. Các quy định còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, nhiều dịch vụ mới ra đời nhưng hành lang pháp lý chưa được thiết lập cụ thể (như tiền kỹ thuật số, tiền điện tử…) để tạo môi trường phát triển dịch vụ và hình thành cơ chế bảo vệ các chủ thể, khách thể trong hoạt động cũng như xây dựng quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả, khách quan.

Thứ hai, thói quen, tâm lý của người dân vẫn còn e ngại trong việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt ở các khu vực nông thôn, việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt gần như còn rất mới mẻ đối với đại đa số người dân.

Thứ ba, vấn đề an toàn trong bảo mật tài khoản và thanh toán cũng là một rào cản đáng kể trong việc đẩy nhanh tốc độ thanh toán không dùng tiền mặt. Thực tế, thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích vượt trội nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng, trong đó có vấn đề về rủi ro trong thanh toán, tính bảo mật, an toàn dữ liệu người dùng. Đã có những trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ thanh toán bị rò rỉ, ăn cắp thông tin hay bị tống tiền, lừa đảo bởi các tin tặc. Vì vậy, nhiều người nảy sinh tâm lý kháng cự trong thay đổi, đặc biệt đối với nhóm khách hàng từ độ tuổi trung niên trở lên.

Thứ tư, cơ sở hạ tầng và sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán còn có những hạn chế nhất định. Cụ thể, giữa các trung gian thanh toán và đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ còn thiếu đồng bộ. Những khu vực càng xa trung tâm thì điều ấy lại càng thể hiện rõ.

Bình An

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% (11/07/2023)

>   Xuất hiện áp lực tỷ giá tăng (07/07/2023)

>   Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tăng cường quản lý rủi ro việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán (05/07/2023)

>   Nhiều khách sạn, resort ở Hội An được ngân hàng rao bán (04/07/2023)

>   Lãi suất tiền gửi trượt dài, nhưng sẽ áp lực về cuối năm? (03/07/2023)

>   Nghiêm cấm các tổ chức tín dụng cho vay để gửi tiết kiệm, mua vàng (30/06/2023)

>   Khai thác dữ liệu: Cẩn trọng và bảo vệ tính riêng tư (28/06/2023)

>   Khai thác dữ liệu: Ngân hàng và fintech đang làm gì với dữ liệu người dùng? (27/06/2023)

>   Kịch bản giảm lãi suất trong sáu tháng cuối năm ra sao? (23/06/2023)

>   Chuyển gần 24.600 tỉ đồng vốn ngân sách đầu tư công từ trung ương cho 10 tỉnh (22/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật