Chuyển gần 24.600 tỉ đồng vốn ngân sách đầu tư công từ trung ương cho 10 tỉnh Sáng 22-6, trong phiên thảo luận quốc hội, các đại biểu đã nhất trí với việc chuyển gần 24.600 tỉ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 mà đã phân bổ cho Bộ Giao thông Vận tải cho 10 địa phương.
Một dự án ngành giao thông sử dụng vốn đầu tư công ở TPHCM. Ảnh: Lê Vũ |
TTXVN đưa tin, trong phiên thảo luận sáng 22-6, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo đó, Quốc hội quyết định phân bổ hơn 13.369 tỉ đồng số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các dự án đã có đủ thủ tục đầu tư. Số vốn hơn 509 tỉ đồng còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sẽ không thực hiện phân bổ.
Quốc hội quyết định phân bổ hơn 444 tỉ đồng vốn của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các đại biểu thông qua phương án phân bổ gần 26.000 tỉ đồng số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 -2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Các địa biểu cũng nhất trí giảm gần 24.600 tỉ đồng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 mà đã phân bổ cho Bộ Giao thông Vận tải để tăng vốn tương ứng với kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho 10 địa phương.
Cụ thể, tỉnh Khánh Hòa là hơn 1.800 tỉ đồng, Đắk Lắk là hơn 1.600 tỉ đồng, Đồng Nai hơn 1.400 tỉ đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu hơn 1.900 tỉ đồng, Tiền Giang 872 tỉ đồng, Cần Thơ hơn 3.200 tỉ đồng, Hậu Giang gần 3.500 tỉ đồng, Sóc Trăng gần 3.800 tỉ đồng, An Giang hơn 5.900 tỉ đồng và Đồng Tháp là hơn 1.400 tỉ đồng.
Ngoài ra, đối với số vốn hơn 53.049 tỉ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 mà chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án thì đưa vào dự phòng của kế hoạch.
Quốc hội cũng quyết định phân bổ hơn 1.200 tỉ đồng vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là gần 183,2 tỉ đồng; xây dựng nông thôn mới là hơn 1.000 tỉ đồng để thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.
T.Đào TBKTSG
|