Thứ Ba, 22/08/2023 09:24

Kịch bản nào cho Trung Quốc sau khi cơn bùng nổ kinh tế kéo dài 40 năm kết thúc?

Trong hơn 40 năm qua, Trung Quốc thúc đẩy nền kinh tế bằng cách đầu tư vào các nhà máy, tòa nhà chọc trời và đường sá. Mô hình này mở ra cho một giai đoạn tăng trưởng phi thường, giúp Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo và biến nước này thành công xưởng của thế giới, nhưng hiện nay, không còn tác dụng.

Một dự án đường cao tốc bị đình trệ ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Những gì từng hiệu quả khi Trung Quốc tìm cách bắt kịp các nền kinh tế lớn khác giờ đây không còn ý nghĩa gì nữa khi đất nước này đang chìm trong nợ nần và cạn kiệt mọi thứ để xây dựng. Trên khắp Trung Quốc, nhiều cây cầu và sân bay không được sử dụng. Hàng triệu căn hộ không có người ở. Lợi tức đầu tư đã giảm mạnh.

Các nhà kinh tế giờ đây tin rằng, Trung Quốc đang bước vào một kỷ nguyên tăng trưởng chậm hơn nhiều, với nhân khẩu học không thuận lợi (dân số già hóa, lực lượng lao động suy giảm) và sự chia rẽ ngày càng lớn với Mỹ và các đồng minh, gây rủi ro cho đầu tư và thương mại nước ngoài.

“Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi quỹ đạo đáng chú ý nhất trong lịch sử kinh tế”. Adam Tooze, giáo sư lịch sử của Đại học Columbia chuyên nghiên cứu về các cuộc khủng hoảng kinh tế, nói.

Tương lai Trung Quốc sẽ như thế nào? Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc ở mức dưới 4% trong những năm tới, thấp hơn một nửa so với mức tăng trưởng trong hầu hết bốn thập niên qua. Capital Economics dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống khoảng 2% vào năm 2030.

Với tốc độ đó, Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu do Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra vào năm 2020 là tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035. Điều đó có thể khiến Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Triển vọng của Trung Quốc đã u ám đi đáng kể trong những tháng gần đây với động sản xuất bị thu hẹp, xuất khẩu giảm và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã đạt mức cao kỷ lục. Country Garden Holdings, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất nước còn trụ được cho đến nay, đang trên bờ vực vỡ nợ khi toàn bộ nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát.

Trì trệ giống như Nhật Bản?

Nếu không có các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn từ Bắc Kinh và nỗ lực có ý nghĩa để vực dậy hoạt động chấp nhận rủi ro của khu vực tư nhân, một số nhà kinh tế tin rằng, Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng tăng trưởng trì trệ kéo dài giống như những gì Nhật Bản đã trải qua kể từ thập niên 1990, khi bong bóng bất động sản bùng vỡ dẫn đến nhiều năm giảm phát và tăng trưởng gần như đứng im.

Tuy nhiên, không giống như Nhật Bản, Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ như vậy trước khi trở thành nước giàu trên thế giới, với thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế tiên tiến hơn. Năm ngoái, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt khoảng 12.850 đô la Mỹ, thấp hơn con số 13.845 đô la mà Ngân hàng Thế giới (WB) phân loại là ngưỡng tối thiểu đối với một quốc gia “có thu nhập cao”. GDP bình quân đầu người của Nhật Bản vào năm 2022 là khoảng 42.440 đô la và của Mỹ khoảng 76.400 đô la.

Quá trình trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc đánh dấu một sự thay đổi đáng kinh ngạc. Trung Quốc liên tục thách thức các chu kỳ kinh tế trong bốn thập niên kể từ khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình bắt đầu kỷ nguyên “cải cách và mở cửa” vào năm 1978.

Trong thời kỳ đó, Trung Quốc đã tăng thu nhập bình quân đầu người lên gấp 25 lần và giúp hơn 800 triệu người dân thoát nghèo, theo WB. Con số này chiếm hơn 70% tổng tỷ lệ giảm nghèo trên thế giới. Trung Quốc đã phát triển từ một quốc gia tàn tạ vì nạn đói trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ để giành vị thế lãnh đạo toàn cầu.

Giới nghiên cứu bị mê hoặc bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc đến mức một số người dự báo về “Thế kỷ của Trung Quốc”, với việc Trung Quốc thống trị nền kinh tế và chính trị thế giới, tương tự như cách thế kỷ 20 được gọi là “Thế kỷ của Mỹ”.

Một dự án đường cao tốc bị đình trệ ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Xây dựng quá mức

Cơn bùng nổ kinh tế của Trung Quốc được thúc đẩy nhờ làn sóng đầu tư trong nước vào cơ sở hạ tầng và các tài sản vật chất khác cao bất thường, chiếm trung bình khoảng 44% GDP mỗi năm trong giai đoạn 2008-2021. Con số cao hơn hẳn mức trung bình toàn cầu là 25% và khoảng 20% ở Mỹ, theo dữ liệu của WB.

Trung Quốc đã xây dựng thêm hàng chục nghìn km đường cao tốc, hàng trăm sân bay và mạng lưới tàu cao tốc lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiêu bằng chứng cho thấy hoạt động xây dựng này đã quá mức. Theo một nghiên cứu của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam Trung Quốc, khoảng 20% số căn hộ ở đô thị Trung Quốc, tương đương khoảng 130 triệu căn hộ, không có người ở vào năm 2018.

Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất nước với GDP bình quân đầu người dưới 7.200 đô la vào năm ngoái, tự hào có hơn 1.700 cây cầu và 11 sân bay, nhiều hơn tổng số sân bay ở bốn thành phố hàng đầu của Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2022, tỉnh này có khoản nợ tồn đọng ước tính 388 tỉ đô la . Đầu tháng 4, tỉnh phải xin chính quyền trung ương viện trợ để củng cố tài chính.

Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, nhận xét sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc tương tự với những gì nhiều nền kinh tế châu Á khác đã trải qua trong thời kỳ đô thị hóa nhanh chóng, cũng như những gì các nước châu Âu như Đức đã trải qua sau Thế chiến thứ hai, khi các khoản đầu tư lớn cho hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng.

Đồng thời, nhiều thập niên xây dựng quá mức ở Trung Quốc giống cơn bùng nổ xây dựng hạ tầng của Nhật Bản vào cuối thập niên 1980 và 1990.

“Điểm mấu chốt mà Trung Quốc đang đối mặt là lợi ích trong hoạt động xây dựng đang giảm dần”, Rogoff nói.

Các nhà kinh tế ước tính, Trung Quốc hiện cần phải đầu tư khoảng 9 đô la để tạo ra mỗi đô la tăng trưởng GDP, tăng từ dưới 5 đô la vào một thập niên trước và hơn 3 đô la vào thập niên 1990.

Theo Bert Hofman, người đứng đầu Viện Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản của các công ty tư nhân Trung Quốc đã giảm xuống 3,9% từ mức 9,3% cách đây 5 năm. Tỷ suất này ở các công ty nhà nước đã giảm xuống 2,8% từ 4,3% trong cùng kỳ.

Trong khi đó, lực lượng lao động của Trung Quốc đang thu hẹp lại và tăng trưởng năng suất đang chậm lại. Phân tích của Hofman cho thấy, từ thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000, tăng trưởng năng suất đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Tỷ lệ đó giảm xuống dưới 1/6 trong thập niên qua.

Nợ nần chồng chất

Giải pháp cho nhiều chính quyền địa phương của Trung Quốc là tiếp tục vay và xây dựng. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tổng nợ của Trung Quốc, bao gồm cả nợ của các cấp chính quyền địa phương và công ty nhà nước, đã tăng lên gần 300% GDP vào năm 2022, tăng từ mức dưới 200% vào năm 2012.

Tại Vân Nam, chi tiêu lớn cho hạ tầng đã thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều năm. Chính quyền tỉnh này đã chi hàng trăm tỉ đô la để xây dựng cây cầu treo cao nhất châu Á, hơn 9600 km đường cao tốc và nhiều sân bay hơn nhiều khu vực khác ở Trung Quốc.

Các dự án hạ tầng đã thúc đẩy du lịch và giúp mở rộng thương mại các sản phẩm của Vân Nam bao gồm thuốc lá, máy móc và kim loại. Từ năm 2015 đến 2020, Vân Nam là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tăng trưởng của tỉnh này yếu đi trong vài năm qua. Cơn khủng hoảng bất động sản ảnh hưởng nặng nề đến tài chính địa phương, do doanh thu bán đất cạn kiệt.

Tỷ lệ nợ trên doanh thu của Vân Nam đã tăng lên 151% vào năm 2021, vi phạm mức 150% được IMF coi là đáng báo động, theo Lianhe Ratings, một cơ quan xếp hạng tín dụng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Vân Nam vẫn tiếp tục ấp ủ những kế hoạch tham vọng. Đầu năm 2020, chính quyền ở đây cho biết sẽ chi gần 500 tỉ đô la cho hàng trăm dự án hạ tầng, bao gồm chương trình trị giá hơn 15 tỉ đô la nhằm chuyển nước từ các phần của sông Dương Tử đến khu vực trung tâm khô hạn của tỉnh.

Theo các nhà kinh tế, giải pháp rõ ràng nhất là Trung Quốc thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và các ngành dịch vụ, giúp tạo ra một nền kinh tế cân bằng hơn, giống với Mỹ và Tây Âu hơn. Theo WB, tiêu dùng hộ gia đình chỉ đóng góp khoảng 38% GDP ở Trung Quốc, so với khoảng 68% ở Mỹ.

Các nhà kinh tế cho rằng, Trung Quốc cần thực hiện các biện pháp nhằm khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn, chẳng hạn mở rộng mạng lưới an sinh xã hội với các khoản trợ cấp thất nghiệp và y tế lớn hơn.

Một kế hoạch được Bắc Kinh công bố vào cuối tháng 7 nhằm thúc đẩy tiêu dùng đã vấp phải chỉ trích các nhà kinh tế cả trong và ngoài nước vì thiếu chi tiết. Kế hoạch này đề xuất tăng cường tổ chức các sự kiện thể thao và văn hóa, đồng thời xây dựng nhiều cửa hàng tiện lợi hơn ở các vùng nông thôn.

Theo các nguồn thạo tin, Chủ tịch Tập Cận Bình và một số trợ lý của ông vẫn nghi ngờ về chính sách trợ cấp hào phóng cho người tiêu dùng ở Mỹ, điều mà họ cho là lãng phí vào thời điểm mà Trung Quốc nên tập trung vào việc củng cố năng lực công nghiệp và chuẩn bị cho xung đột tiềm ẩn với phương Tây. Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng lo lắng rằng, việc trao quyền cho các cá nhân đưa ra nhiều quyết định hơn về cách họ tiêu tiền có thể làm suy yếu quyền lực nhà nước, mà không tạo ra mức tăng trưởng mà Bắc Kinh mong muốn.

Thay vào đó, họ tập trung vào nỗ lực can thiệp của nhà nước để đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc công nghiệp hàng đầu ở các lĩnh vực như bán dẫn, xe điện và trí tuệ nhân tạo.

Các chuyên gia kinh tế nước ngoài không hoài nghi về việc Trung Quốc có thể đạt được những tiến bộ quan trọng trong những lĩnh vực này. Tuy nhiên, những thành tựu đó là không đủ để vực dậy toàn bộ nền kinh tế hoặc tạo đủ việc làm cho hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia lực lượng lao động.

Lê Linh (Theo WSJ)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Kinh tế gặp khó, Trung Quốc thúc các ngân hàng tăng cho vay (21/08/2023)

>   NHTW Trung Quốc giảm lãi suất cho vay 1 năm (21/08/2023)

>   Trung Quốc: Chính sách kinh tế có thể vãn hồi? (21/08/2023)

>   Công ty thương mại điện tử của Alibaba tuyển dụng thêm hàng ngàn nhân sự (20/08/2023)

>   Loạt dự án dang dở ở Trung Quốc do lĩnh vực bất động sản rơi vào khủng hoảng tiền mặt (20/08/2023)

>   Vụ bê bối sức khỏe người lao động tại công ty có bề dày lịch sử hơn 100 năm tại Pháp (19/08/2023)

>   Lãi suất thế chấp tại Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 20 năm (18/08/2023)

>   Lạm phát dai dẳng tiếp tục gây sức ép cho nền kinh tế Nhật Bản (18/08/2023)

>   Liệu “nỗi đau” giảm phát của Trung Quốc có ảnh hưởng tới thế giới? (18/08/2023)

>   UOB giữ quan điểm Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất những tháng còn lại 2023 (18/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật