Liệu “nỗi đau” giảm phát của Trung Quốc có ảnh hưởng tới thế giới?
Việc giá cả tiêu dùng tại Trung Quốc giảm sẽ kéo giảm chi phí nhập khẩu hàng hoá, song có thể không tác động lớn tới phần còn lại của thế giới.
Khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn vào tuần trước, sau khi nước này rơi vào tình trạng giảm phát. Rõ ràng, Bắc Kinh đang phải vật lộn để đáp ứng được kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ sau khi thoát khỏi tình trạng phong toả kéo dài do COVID-19. Nhưng liệu tình trạng giảm phát này có tác động tới phần còn lại của thế giới, nơi đang phải đối mặt với rủi ro lạm phát cao dai dẳng?
Theo các chuyên gia kinh tế, có rất ít lý do để thị trường lo lắng về vấn đề này.
Giảm phát Trung Quốc có thể chỉ tạm thời
Giảm phát sẽ là một mối lo ngại nếu nó diễn ra phổ biến và là kết quả của việc các công ty không thể bán hàng cho những người tiêu dùng không muốn hoặc không thể mua vì họ đã rơi vào thời kỳ khó khăn. Song điều này đang không diễn ra ở Trung Quốc.
Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại đã gây thất vọng, trong đó, lĩnh vực bất động sản vẫn là một mối quan tâm lớn. Nhưng sản lượng vẫn đang tăng và mục tiêu tăng trưởng kinh tế gần 5% trong năm nay vẫn nằm trong khả năng của họ.
Duncan Wrigley, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics, cho biết: “Xu hướng phục hồi trong tiêu dùng của Trung Quốc vẫn còn yếu và không đồng đều, nhưng điều này khác xa với tình trạng giảm phát kiểu Nhật Bản”.
Mặc dù giá tiêu dùng của Trung Quốc giảm 0.3% tính đến tháng 7 năm nay, nhưng chi phí cũng giảm nhẹ vào đầu năm 2021. Tình hình hiện tại cũng giống như thời điểm đó, với tình trạng giảm phát có vẻ tạm thời, là kết quả của các yếu tố cơ bản chứ không phải do bất kỳ vấn đề kinh tế sâu xa nào.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0.2% trong tháng 7 và tăng 0.5% trong 7 tháng đầu năm 2023. Giảm phát phát sinh do giá cả, đặc biệt là giá thịt heo, đã giảm giá 26% trong 12 tháng qua, tức là không tăng với tốc độ đã thấy trong năm 2022, khi Trung Quốc phải phong toả nhiều nơi.
Neil Shearing, chuyên gia kinh tế trưởng của Capital Economics, cho biết lạm phát cơ bản, không tính giá lương thực và năng lượng, vẫn tăng từ 0.4% trong tháng 6 lên 0.8% trong tháng 7 tại Trung Quốc. Điều này cho thấy tình trạng giảm phát sẽ không dai dẳng.
Nguyên nhân lạm phát khác biệt
Thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, dường như đã phải hứng chịu áp lực lạm phát bùng nổ trong vài năm qua. Giá cả tăng cao ở hầu hết quốc gia, nhưng lý do lại khác nhau.
Gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể là nguyên nhân phổ biến cho tình trạng lạm phát hiện nay. Song chúng được khuếch đại ở Mỹ bởi đà tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng cực kỳ mạnh mẽ. Nhu cầu gia tăng sau gói kích thích tài khóa lớn vào năm 2020 và 2021, khi các hộ gia đình nhận được nguồn tài chính lớn để chống lại cuộc khủng hoảng COVID-19.
Tại châu Âu và các nền kinh tế mới nổi, lạm phát chủ yếu không phải do nhu cầu mạnh mẽ. Những quốc gia này chịu ảnh hưởng nhiều bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ở châu Âu, giá khí đốt tự nhiên tăng cao. Ở các nước nghèo hơn, giá lương thực và chi phí năng lượng cao hơn đã khiến giá tiêu dùng leo thang.
Paul Donovan - Chuyên gia kinh tế trưởng của UBS, cho biết trong trường hợp giảm phát của Trung Quốc, áp lực giá cả có thể chỉ là cục bộ.
Mặc dù giá nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc có thể giảm do tình trạng giảm phát, song ông Donovan lưu ý rằng có rất nhiều thứ xảy ra đối với một lô hàng trước khi chúng đến đích cuối cùng. Ông nói: “Nói chung, phần lớn giá của một hàng hoá được sản xuất tại Trung Quốc và bán ở Mỹ sẽ được dùng để trả cho công nhân Mỹ thông qua chi phí vận chuyển hoặc quảng cáo”.
Có lợi cho châu Âu
Lạm phát, đặc biệt là ở châu Âu và các nền kinh tế mới nổi, khiến chi phí nhập khẩu cao hơn, làm giảm mức sống và gây ra hiện tượng các công ty trong nước cố gắng bảo vệ tỷ suất lợi nhuận của họ bằng cách tăng giá và người lao động phải vật lộn để bắt kịp.
Trong khi đó, giá hàng hóa xuất xưởng của Trung Quốc trong tháng 7 giảm 4.4% so với một năm trước đó. Ở một mức độ nhỏ, điều này có ảnh hưởng tới thị trường nước ngoài. Các nước châu Âu sẽ được hưởng lợi khi nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn, ít cạnh tranh hơn đối với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng tất cả đều hưởng lợi khi Trung Quốc suy yếu.
Theo Dhaval Joshi - Chiến lược gia trưởng tại BCA Research, Trung Quốc đã đóng góp 40% vào tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong 10 năm qua. Bất kỳ rắc rối kinh tế nào ở Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng đến sản lượng thế giới. Nhưng hiện tại, hậu quả từ giảm phát của Trung Quốc có vẻ có thể kiểm soát được đối với cả nước này và phần còn lại của thế giới.
Kim Dung (Theo FT)
FILI
|