Loạt dự án dang dở ở Trung Quốc do lĩnh vực bất động sản rơi vào khủng hoảng tiền mặt
Tập đoàn xây dựng cầu đường Zunyi là một công ty được tài trợ bởi nguồn vốn của chính quyền tỉnh Quý Châu (LGFV), Trung Quốc. Họ đã huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng của mình thông qua bán trái phiếu và vay ngân hàng.
Tuy nhiên, một dự án tòa nhà văn phòng của Zunyi ở tỉnh Quý Châu cho đến nay vẫn dang dở. “Năm nay, tôi mới được trả lương có một lần”, nhân viên bảo vệ làm việc tại công trường cũng là người duy nhất ở đây cho biết.
Toà nhà dang dở cao hơn 30 tầng nằm im lìm giữa phố thị này cho thấy sự sụt giảm của lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc đang ảnh hưởng nặng nề như thế nào đến các LGFV.
Trong số các danh mục đầu tư của Zunyi còn có một trung tâm hội nghị quốc tế rộng lớn đi kèm khách sạn sang trọng ở ngoại ô thành phố. Đây là dự án lớn thứ hai ở tỉnh Quý Châu.
Những dự án này ngay từ đầu đã bị nghi ngờ về khả năng sinh lời do lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc sụt giảm và các hạn chế về đại dịch COVID-19. Dòng tiền của Zunyi vì thế ngày càng tồi tệ và họ đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện, bao gồm cả các hoá đơn chưa thanh toán.
Tính đến cuối năm 2022, Zunyi mắc nợ rất nhiều và các điều khoản vay ngân hàng của họ đã thay đổi. Thời hạn trả nợ mới được ấn định là 20 năm, với lãi suất hàng năm có thể điều chỉnh từ 3-4.5%. Mặc dù các điều khoản trước đó không được tiết lộ, nhưng các nhà quan sát cho rằng đây đã là cách đối xử hào phóng đối với một công ty đang gặp khó khăn.
Kể từ đó, việc huy động thêm vốn đối với Zunyi trở nên khó khăn hơn và họ cũng không có kế hoạch khởi động lại việc xây dựng tòa nhà văn phòng trên.
Một trường hợp khác, Sân bay quốc tế Trường Thủy Côn Minh ở tỉnh Vân Nam đã khai trương vào năm 2012, nhưng sự phát triển của khu vực xung quanh đã bị cản trở bởi những rắc rối về dòng tiền tại Tập đoàn Phát triển Đầu tư Sân bay Côn Minh, một LGFV khác.
Thu nhập từ mảng bất động sản của tập đoàn này đã giảm mạnh từ 1.1 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021 xuống còn 0 vào năm 2022, theo cơ quan xếp hạng tín dụng Chengxin của Trung Quốc. Tập đoàn này thậm chí phải chuyển sang bán ngô và táo tàu như một hoạt động kinh doanh mới.
Dữ liệu của Refinitiv cho thấy lợi suất trái phiếu của Tập đoàn Phát triển Đầu tư Sân bay Côn Minh đáo hạn vào năm 2026 đã tăng lên hơn 12% trong năm nay, do lo ngại vỡ nợ đã dẫn đến việc bán tháo.
“Hầu hết LGFV của chính quyền thành phố Côn Minh đã mất khả năng huy động vốn trên thị trường”, một người trong cuộc cho biết.
Các tỉnh Vân Nam và Quý Châu thiếu sự hiện diện của các công ty lớn để thúc đẩy nền kinh tế của họ, vì vậy họ đã cố gắng thúc đẩy tăng trưởng bằng đầu tư cơ sở hạ tầng. Cũng có nhiều nơi khác giống như vây ở Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro tín dụng tương tự.
Yifan Hu của UBS Global Wealth Management cho biết trong thời kỳ đại dịch, chi tiêu của chính quyền địa phương tăng lên, khiến tình hình tài chính địa phương thêm nghiêm trọng.
Trung Quốc đã cấm các chính quyền địa phương phát hành trái phiếu cho đến năm 2014. Những LGFV như Zunyi hay Tập đoàn Phát triển Đầu tư Sân bay Côn Minh trở thành kẽ hở để họ vay vốn.
Trái phiếu đang lưu hành do LGFV phát hành có tổng trị giá khoảng 13,600 tỷ nhân dân tệ Trung Quốc (khoảng 1,900 tỷ USD), theo công ty nghiên cứu Wind của Trung Quốc. Con số này đã gấp hơn hai lần trong 5 năm qua.
Citigroup ước tính khoản nợ chịu lãi suất của LGFV, bao gồm trái phiếu và các khoản vay ngân hàng, đạt khoảng 47,000 tỷ nhân dân tệ vào cuối năm 2022, tương đương 39% GDP của Trung Quốc.
Trong khi đó, các cơ quan xếp hạng tín dụng lại xếp hạng cao cho trái phiếu của LGFV với tiền đề rằng chúng có sự bảo đảm ngầm của chính phủ. Tuy nhiên, doanh thu từ việc bán quyền sử dụng đất của các địa phương đã giảm mạnh, làm suy yếu khả năng đảm bảo cho các LGFV của họ.
Người mua các trái phiếu này bao gồm ngân hàng trong nước, quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm, cũng như một số nhà đầu tư nước ngoài và cá nhân. Vì vậy, việc các LGFV vỡ nợ có thể gây một tác động sâu rộng.
Kim Dung (Theo Nikkei Asia)
FILI
|