Nhịp đập Thị trường 13/07: Bất động sản dậy sóng, VN-Index lên đỉnh cuối ngày
VN-Index bước vào phiên chiều với giao dịch khá cầm chừng, thậm chí còn có dấu hiệu giảm nhẹ, nhưng từ khoảng 13h40 thì bắt đầu tăng nhanh và mạnh cho đến cuối phiên, thậm chí lập đỉnh ngay khi đóng cửa. Nhóm BĐS nhà ở dậy sóng, với rất nhiều tên tuổi, đặc biệt tầm trung đồng loạt tăng giá mạnh, là yếu tố chính đẩy VN-Index lên cao.
Nhóm VN30 có đến 27 cổ phiếu tăng giá khi đóng cửa, chỉ 2 giảm giá là VN và PLX, thêm 1 đứng giá là CTG. MSN và GAS vốn nổi bật ban sáng, và vẫn là 2 mã tăng mạnh nhất cuối phiên chiều. Ngoài ra, có thêm nhiều mã tăng mạnh hơn ban sáng khác như NVL, VHM, VPB, SSI, SAB, VJC, VCB…
Hiệu ứng tích cực lan tỏa, số lượng cổ phiếu tăng giá lúc đóng cửa trên sàn HOSE lên đến 2/3 tổng số cổ phiếu có giao dịch, trong khi số giảm giá chiếm chưa đến 20%. Hầu hết các nhóm ngành lớn nhỏ đều có đa số cổ phiếu tăng giá chiếm quá bán, xui lắm thì cũng có nhiều mã đứng giá. Xét theo nhóm vốn hóa, dễ hiểu khi Mid và Small Cap lại lao lên nhanh hơn Large Cap khi tâm lý NĐT tích cực.
Nhóm BĐS sàn HOSE, nhất là những tên tuổi tầm trung đồng loạt kéo nhau chạy. NLG, HDC, HTN tăng trên 6%, không ít mã khác tăng hơn 3-4% như DXG, DIG, CRE, HDG, IJC, KDH, KHG, SGR… Ở nhóm vốn hóa lớn, tăng mạnh có NVL, VHM. VIC nhiều lúc trồi sụt quanh tham chiếu, đóng cửa cũng tăng nhẹ. Tương tự có VRE hay PDR.
GAS tăng 2.9%, mức tăng này cao hơn cuối phiên sáng, tuy nhiên vẫn không tạo hiệu ứng lan tỏa cho cả nhóm cổ phiếu dầu khí nhà PVN. Thực tế hầu hết cổ phiếu nhóm này đều tăng giá không ít tăng tốt hơn phiên sáng như PVT, PVG, PVS, nhưng nhìn chung mức tăng chủ yếu dưới 2%, thậm chí có mấy mã tăng kém hơn ban sáng như CNG, DPM… thậm chí giảm giá như PGD.
Khối ngoại cũng tăng mua ròng lên hơn 230 tỷ đồng trên sàn HOSE, với tâm điểm mua vào ở SSI, VND, MSN, SHB, MWG, KBC, VCB, VHM… Một số mã mua ròng từ sáng, nhưng cũng không ít mua trong phiên chiều. Ngược lại, họ bán ròng nhiều ở VPB, VRE, EIB, POW, BID, DGC, PVD…
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng tăng nhanh và mạnh theo VN-Index. Ngoài ra, cũng tương tự như diễn biến trên HOSE, những cổ phiếu vừa và nhỏ lại chạy nhanh hơn cổ phiếu vốn hóa lớn. Ở nhóm Large Cap sàn HNX, nói chung là tăng, nhưng khá nhẹ, một số mã ban sáng đỏ, đến cuối phiên chiều tăng được cho là may mắn chạy theo thị trường chung, như CEO, MBS… Bên UPCoM, dù đa số là sắc xanh, nhưng nhiều Large Cap sàn này tăng còn kém cả ban sáng như MML, MVN, TVN, QNS… Tuy nhiên nổi lên nhiều mã khác như ACV, MCH, SNZ, TVN…
Phiên sáng: VN-Index tiếp tục tăng điểm nhờ Large Cap
VN-Index tăng nhẹ trở lại kể từ giữa phiên sáng, đến cuối phiên kết tại 1.161 điểm, tăng gần 7 điểm dù chưa phải là mức tăng tốt nhất. Tuy vậy sàn HOSE vẫn chỉ có chừng 60% số cổ phiếu tăng giá, và gần 25% giảm giá. Chỉ số nhóm VN30 cũng đang có hiện tượng giảm vào cuối phiên. Large Cap vẫn là lực lượng chính đỡ VN-Index sáng nay, nhất là GAS và MSN, nhưng đang có diễn biến khá tiêu cực ở nhóm ngân hàng, thực phẩm hay sản xuất điện. Khối ngoại tăng bán nhưng tổng thể vẫn mua ròng nhẹ.
Chỉ số nhóm VN30 tăng yếu hơn VN-Index và thậm chí có xu hướng giảm trong nửa cuối phiên sáng nay, dù nhóm này có 16 mã tăng giá, vs chỉ 6 giảm vào cuối phiên. Thực tế hơi khó để tìm hiểu xem cổ phiếu nào đã kéo lùi chỉ số nhóm này trong những phút cuối. Trong 6 mã giảm này, có 3 đại gia vốn hóa thuộc loại lớn nhất sàn HOSE là VIC, HPG và VNM. Ngược lại, MSN và GAS là 2 đại gia tăng giá mạnh trong nửa cuối phiên, nhất là GAS được kéo sau 11g. Một số mã khác như MWG hay VHM cũng giữ được mức tăng khá ổn định.
Nhóm ngân hàng trên sàn HOSE đang có diễn biến xấu dần đi khi nhiều cổ phiếu như ACB, VIB, CTG, STB… đang quay lại điểm tham chiếu xuất phát, trong khi EIB, BID, HDB hay SHB vẫn tiếp tục giảm. LPB luôn giữ mức tăng giá tốt nhất nhóm, nhưng cũng chỉ tăng hơn 2%, còn những mã tăng giá khác, trong đó có cả VCB, đều tăng yếu.
Cổ phiếu GAS bất ngờ được đẩy mạnh trong gần 15 phút cuối phiên sáng, và tăng 2.4% cuối phiên. Mức tăng của GAS dường như còn gây bất ngờ cho những tên tuổi khác trong nhóm dầu khí nhà PVN, khi không có mã nào tăng mạnh trong cùng khoảng thời gian đó, kể cả CNG, vốn cũng tăng giá gần 4% vào cuối phiên. NĐT có thể lưu ý nhóm này khi bước vào phiên chiều.
DGC vẫn giữ được mức tăng trên 6% vào cuối phiên sáng, và là Large Cap tăng giá tốt nhất sàn HOSE. Nhóm cổ phiếu hóa chất, nhất là những mã thuộc gia đình Vinachem cũng có được vị thế tích cực, trong đó tăng trên 3% có CSV.
Khối ngoại đang mua ròng chưa đến 100 tỷ đồng trên sàn HOSE sáng nay, nhưng thực tế có khá nhiều mã được mua ròng nhiều, bao gồm SSI, VND, MWG, SHB, STB… hay VHM. Ngược lại ở bên bán ròng mạnh là những cái tên VPB, VRE, POW, EIB... hay DGC.
2 chỉ số HNX và UPCoM-Index đều có diễn biến hồi nhẹ trong nửa cuối phiên sáng, nhưng với mức độ khá yếu. IDC luôn là Large Cap làm trụ đỡ lớn cho HNX-Index, nhưng có vẻ lẻ loi, trong khi bên UPCoM, Large Cap làm trụ đỡ chỉ số có nhiều hơn nhưng MML, MVN, SIP, SNZ, TVN…
PNJ ngay từ đầu phiên sáng đã tăng mạnh, và duy trì được đà tăng đó cho đến cuối phiên, +4.6% nhờ thông tin giá vàng thế giới tăng hơn 1%.
10h30: VN-Index duy trì đà tăng khá ổn
VN-Index sau một đợt tăng điểm nhẹ sau ATO, thì đến giữa phiên sáng đã lùi lại một chút, ngang bằng với lúc khởi đầu. Sàn HOSE lúc này có khoảng gần 60% số cổ phiếu tăng giá, thấp hơn đáng kể so với lúc đầu, nhưng nhìn chung vẫn khá tích cực, nhất là ở Large Cap và một số Mid Cap có mức vốn hóa tiệm cận Large Cap. Khối ngoại mua ròng cũng là tin tức đáng khích lệ lúc này.
STB đã tăng giá nhẹ trở lại, nhưng nhóm ngân hàng trên sàn HOSE lại có 4 mã khác giảm giá là BID, EIB, HDB và SHB. Đồng thời ngoài LPB tăng giá trên 2%, không có mã nào khác tăng quá 1%.
DGC trở nên nổi bật nhất trong nhóm cổ phiếu vốn hóa tỷ đô sàn HOSE với mức tăng gần 7%. Ngoài mã này, không có Large Cap nào khác tăng quá 3%, tiệm cận chỉ có PNJ hay GEX. Tuy nhiên mức tăng bình quân nhóm Large Cap sàn HOSE vẫn khá lớn, gần 1.5% với rất nhiều tên tuổi từ các nhóm ngành lớn như ngân hàng, BĐS, thực phẩm, điện…
2 đại gia trong bộ ba nhà Vingroup là VIC và VRE đã lùi về tham chiếu, nhưng VHM vẫn tăng khá ổn từ đầu phiên, khoảng 1.3%. Nhóm BĐS nhà ở lẫn khu công nghiệp sàn HOSE vẫn có thể coi là một trụ đỡ chỉ số VN-Index với sự đóng góp từ NVL, BCM, NLG, DIG, DXG, PDR… Một số mã vốn hóa nhỏ hơn nhưng lại có mức tăng mạnh như HDC hay NDN… tuy nhiên cũng phải nói rằng đang có không ít đốm đỏ đang nổi dần lên ở nhóm này.
Cùng với MWG sớm được mua ròng mạnh đầu phiên, đến lúc này khối ngoại mua ròng thêm nhiều mã khác, bao gồm SSI, SHB, VND, STB hay VHM… Ngược lại họ bán nhiều ở VPB, VRE, EIB, POW… và cả DGC, dù cổ phiếu này tăng gần 7%.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đang rơi về sát tham chiếu, dù đa số Large Cap trên 2 sàn này vẫn tăng giá ổn định, nhất là bên UPCoM, với nhiều mã tăng trên 2-3% như MML, MVN, SNZ, VGI…
Mở cửa: Đầu phiên xanh ngát
Có thể nói VN-Index mở cửa sáng nay trong không khí khá hưng phấn, khi tăng gần 6 điểm với 3/4 số cổ phiếu sàn HOSE tăng giá. Các nhóm ngành lớn như ngân hàng, BĐS, thực phẩm, bán lẻ, dầu khí, điện… đều tràn sắc xanh. Large Cap sàn HOSE, nhất là những mã vốn hóa lớn tỷ đô, đa số đều tăng giá. Thị trường đang bước vào đầu mùa BCTC quý 2 với tin tốt được chờ đợi ra sớm, nhưng sáng nay thông tin tích cực từ sàn chứng Mỹ có lẽ cũng là một trợ lực đáng kể.
Thông tin giá dầu Brent vượt mức 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 5/2023 có lẽ cũng đang hỗ trợ nhóm cổ phiếu dầu khí nhà PVN, nhưng nhóm này không phải tăng thuộc loại mạnh đầu phiên sáng nay, khi so với các nhóm lớn khác. GAS mở cửa tăng có 0.5%, nhiều mã khác trên HOSE cũng tăng trên dưới 1% ngoại trừ CNG. PVT thậm chí còn bất ngờ khi tăng 100 đồng ATO nhưng chỉ sau chừng 2 phút là quay qua giảm nhẹ.
STB có lẽ đang là tâm điểm chú ý của nhóm ngân hàng vì… giảm giá 150 đồng ngay khi mở cửa, ngoài ra còn có SHB đứng giá, trong khi các mã cùng ngành còn lại trên HOSE đều tăng giá. Nhóm ngân hàng như thường lệ, sớm có tin về kết quả kinh doanh quý 2, dù có tăng hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng đều là lãi to, do đó sớm thu hút sự chú ý của công chúng đầu tư. LPB là cổ phiếu tăng giá tốt nhất nhóm này (sàn HOSE) với mức tăng hơn 3%.
MWG sớm có giao dịch mua thỏa thuận của khối ngoại, khối lượng gần 1.4 triệu cổ phiếu. Trên bảng khớp lệnh, lượng đặt mua giá ATO cũng rất cao so với bên bán, tuy nhiên điều thú vị là giá dự kiến khớp, thậm chí giá khớp ATO cũng chỉ nhỉnh hơn tham chiếu có 50 đồng.
2 chỉ số HN- Index và UPCoM-Index cũng tăng nhẹ ngay từ sớm, nhưng mức tăng có vẻ yếu hơn một chút so với VN-Index, có lẽ một phần vì ít các mã vốn hóa lớn làm động lực như trên sàn HOSE. Trên nhóm Large Cap sàn HNX, có khá nhiều mã tăng trên 1%, trong đó có IDC, PVS, VCS… nhưng CEO lại thuộc số hiếm hoi giảm giá. Số Large Cap sàn UPCoM khá hơn, với khá nhiều mã tăng trên 2%, nổi bật có BSR, MML, MVN, SIP, TVN, VGI…
Hoàng Nam
FILI
|