Thứ Bảy, 24/06/2023 13:00

Vấn nạn taxi sân bay: Dẹp được không?

Ngay tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - cửa ngõ quốc gia - TP.HCM, hết nạn tài xế taxi la lối, chụp giựt, tranh giành và ép giá khách lại đến trò gian lận, chiêu tăng giá vô tội vạ của một số hãng taxi, khiến nó trở thành một điểm trừ xấu xí không chỉ cho ngành du lịch mà còn của hình ảnh quốc gia - thành phố.

Liệu có thể loại trừ, dẹp bỏ triệt để vấn nạn trên hay không? Câu hỏi ấy cần được các cơ quan chức năng từ bộ chủ quản - Giao thông vận tải cho đến chính quyền TP.HCM, phối hợp, cộng đồng trách nhiệm trả lời.

Và trả lời bằng hành động, không thể để kéo dài hơn, bày bừa thêm.

Nạn chèo kéo, chụp giựt tranh giành khách từ khu vực ga đến, sảnh chờ ra tới bên ngoài đường Trường Sơn, điểm rẽ vào sân bay, từ taxi đến xe ôm từng hoành hành nhiều năm. Sau những phản ánh, bức xúc, các đơn vị hữu quan đã phối hợp giải quyết. Chính quyền TP.HCM tìm và tạm thời giao các khu đất “treo” để làm bãi đỗ xe, đơn vị chức năng của cụm cảng bố trí, phân luồng từng hãng xe, các nhà xe niêm yết và cam kết đỗ và đón khách đúng quy định, trong đó đặc biệt là đúng lộ trình và giá. Hiện, vấn nạn chèo kéo đã dẹp được phần lớn.

Nhưng tiếp đến lại phát sinh nạn cài đặt thiết bị gian lận tiền cước taxi, khiến không ít khách quốc tế và nội địa phải chi trả số tiền có khi gấp 10 lần số tiền thực trả. Mà thật ra, đây không phải là hiện tượng mới, nó đã tồn tại từ nhiều năm qua và trở thành nỗi ám ảnh của bao du khách khi đón taxi từ khu vực sân bay. Song, vì sao vẫn chưa thể dẹp bỏ dứt điểm, thậm chí nó biến tướng ở mức độ táo tợn hơn, gian lận với mức cao hơn và ngang nhiên thách thức khi tạo đường dây hoạt động.

Cụ thể, từ một thiết bị được gắn ở cần số xe, hễ mỗi lần bấm số tiền hiển thị trên đồng hồ nó sẽ tăng 3.000 đồng, kể cả khi xe đã dừng cho đến một cái remote điều khiển từ xa thi nhau trấn lột tiền của du khách. Bình quân chúng ăn gian gấp đôi số tiền thực tính, có khi cao gấp 10 lần. Một số tài xế không chỉ ăn gian trên từng cuốc xe chở khách mà còn nhận mua bán, lắp đặt thiết bị.

Vấn đề là mới đây khi bị phát giác, với hành vi “điều khiển xe taxi có đồng hồ tính tiền cước nhưng không đúng quy định", các đối tượng trên chỉ nhận mức phạt 700,000 đồng/tài xế. Hai tổ chức là CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT), CTCP Tập đoàn vận tải Sài Gòn chi nhánh Bình Thuận, nơi có các tài xế vi phạm làm việc cũng bị xử phạt hành chính, với mức xử phạt 11 triệu đồng/đơn vị.

Với chế tài không đủ “gãi ngứa”, chưa thể hiện tính răn đe nên không tác động lên nhận thức, hành vi của người/tổ chức vi phạm. Tại sao không rút giấy phép hoạt động của công ty vận tải có tài xế vi phạm; hoặc với hành vi gây tác hại nghiêm trọng đến lợi ích, uy tín của đơn vị nhà nước thì cần xem xét trên mức xử phạt hành chính. Việc xử lý các tài xế gian lận dù không thuộc trách nhiệm của cụm cảng nhưng, đó là hành vi diễn ra, gây nên từ hoạt động có liên quan (trực tiếp và mật thiết) của ngành, lĩnh vực thì cũng không thể “vô can” trong trách nhiệm phát hiện, kiểm soát, phối hợp chấn chỉnh.

Thực tế, sau đại dịch COVID-19, việc tìm cách phục hồi ngành du lịch là một giải pháp vực dậy tăng trưởng rất quan trọng. Qua khảo sát của ngành du lịch, có đến 40% người đi du lịch chọn hình thức tự túc (không đi theo đoàn), điều này đồng nghĩa với việc du khách sẽ tự chọn phương tiện di chuyển khỏi sân bay. Và họ như “miếng mồi ngon” cho vấn nạn gian lận, móc túi cước taxi sân bay. Do đó, nếu không quyết liệt chấn chỉnh, dẹp bỏ vấn nạn này, trước mắt sẽ khiến du khách ngán ngại quay lại; lâu dài sẽ tạo nên hình ảnh xấu xí, ảnh hưởng đến nhiều mặt, không chỉ du lịch của TP.HCM - Việt Nam.

Khi khởi công công trình Nhà ga T3, Chính phủ đã kỳ vọng nâng mức đón khách của Cụm cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất từ 28 triệu lượt khách/năm lên 50 triệu lượt khách/năm. Con số ấy sẽ đạt được và đạt một cách trọn vẹn nếu từ dịch vụ bay - trên cao đến guồng máy phục vụ - mặt đất, trong đó, dù là dịch vụ “ngoại vi” sân bay là phương tiện giao thông đưa đón khách (từ xe bus cho đến taxi) được đảm bảo một cách an toàn, văn minh, văn hóa. Bằng ngược lại, tưởng chỉ là khâu “dưới đất, ngoài đường” nhưng chính nó lại là điểm nhược cực lớn, gây “tắc nghẽn cục bộ” trong tâm lý, chọn lựa của du khách.

Quốc Học

FILI

Các tin tức khác

>   Chủ tịch Tập đoàn Hyosung muốn đặt tương lai 100 năm tới của Tập đoàn tại Việt Nam (24/06/2023)

>   5 Luật có hiệu lực từ 1/7/2023 (23/06/2023)

>   2 dự án điện khí LNG 3,000 MW tại Long An nhận hỗ trợ vốn từ Hàn Quốc (23/06/2023)

>   Khó khăn của việc xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng hàng không: ''Chưa có đường đi'' (23/06/2023)

>   Kim ngạch xuất khẩu giảm, DN phân bón tập trung mở rộng thị trường (23/06/2023)

>   Hạ tầng hàng không đang quá tải so với nhu cầu phát triển của đất nước (23/06/2023)

>   Đơn hàng gỗ bắt đầu có trở lại nhưng phải đáp ứng nhiều yêu cầu mới (23/06/2023)

>   EVN: Miền Bắc sẽ cơ bản đủ điện từ ngày 23/6 (23/06/2023)

>   Đưa A0 rời EVN về Bộ Công Thương: Trình Thủ tướng trong tháng 8 (23/06/2023)

>   Đại biểu Quốc hội nói về việc 8 năm mà đổi thẻ căn cước công dân đến 3 lần (22/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật