Đại biểu Quốc hội nói về việc 8 năm mà đổi thẻ căn cước công dân đến 3 lần
Việc thay đổi Thẻ Căn cước công dân nhiều lần mặc dù được cơ quan soạn thảo đánh giá là không tốn kém về chi phí xã hội nhưng tạo dư luận không tốt về công tác xây dựng pháp luật và quản lý.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM), Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, đã bày tỏ những ý kiến thẳng thắn khi thảo luận về Dự luật Căn cước chiều 22-6.
Cần thì sửa Luật Quốc tịch
Dù tán thành việc đổi tên luật từ Căn cước công dân thành Căn cước nhắm tới đối tượng điều chỉnh là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, nhưng ĐB Hạnh có nhiều điều băn khoăn.
Những quy định của Dự luật mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận thông tin của một số người và theo báo cáo giải trình của Chính phủ là tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh, tìm kiếm việc làm, học tập, hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội,… đồng thời phục vụ yêu cầu quản lý của nhà nước.
ĐB Hạnh đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ các vấn đề quan trọng liên quan đến tư cách và địa vị pháp lý của người dân là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, bởi lẽ việc này gắn liền với quyền và nghĩa vụ của một người khi tham gia các quan hệ xã hội và giao dịch dân sự.
Chẳng hạn đối với sự kiện hộ tịch theo Luật Hộ tịch thì những sự kiện xác định tình trạng nhân thân của cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết, như khai sinh, kết hôn, khai tử,… là những cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân. Tuy vậy, theo tờ trình của Chính phủ thì những người dân này không có bất cứ loại giấy tờ tùy thân nào.
“Như vậy, theo luật này, người dân khi được cấp Giấy chứng nhận căn cước, thì người dân thực hiện các việc như khai sinh, kết hôn, khai tử như thế nào, và thủ tục khác như thế nào với công dân Việt Nam theo quy định của Luật Hộ tịch? Đây là những vấn đề rất cơ bản của một người, nên rất cần cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xử lý đồng bộ, để khi triển khai luật, tránh phát sinh những bất cập, gây khó khăn cho công chức ở cơ sở khi tiếp nhận các yêu cầu về đăng ký hộ tịch ở địa phương”, ĐB Hạnh nói.
Theo Luật Quốc tịch, ở Việt Nam, có các nhóm đối tượng: Người có quốc tịch Việt Nam; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài Người có Quốc tịch nước ngoài; Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam; Người không quốc tịch.
Những nhóm người này, ĐB Hạnh đề nghị nếu Quốc hội thấy cần thiết thì bổ sung kịp thời vào Luật Quốc tịch làm cơ sở xác định tư cách pháp lý để thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định, nhất là các quyền về tài sản và các quyền liên quan, chẳng hạn như quyền sở hữu nhà ở, quyền trong tố tụng…
“Đây đều là những vấn đề gắn bó, liên quan mật thiết đến cá nhân của một người, chủ trương cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người dân là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch là chủ trương rất nhân văn, nhưng còn nhiều vấn đề pháp lý tương ứng sẽ phát sinh ngay khi người dân được cấp Giấy chứng nhận căn cước”, ĐB Hạnh nêu.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM cho rằng việc đổi Thẻ Căn cước công dân nhiều lần trong thời gian ngắn gây dư luận xã hội không tốt cho lập pháp và quản lý. Ảnh: Q.PHÚC
|
Chính phủ trong tờ trình về dự luật nói bổ sung nhóm người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, là để bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự.
“Với những phân tích ở trên, tôi nhận thấy với nội dung dự thảo hiện nay chưa đủ cơ sở pháp lý tham gia một số giao dịch dân sự cơ bản”, ĐB Hạnh nói.
Còn nếu quy định họ có các quyền và nghĩa vụ như công dân Việt Nam thì ĐB Hạnh thấy “không ổn”. Bởi địa vị pháp lý của công dân Việt Nam và nhóm người trên là rất khác nhau, nhất là các quyền về chính trị.
Giữ lại tên thẻ “căn cước công dân”
Về việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, tờ trình, báo cáo của cơ quan soạn thảo nêu rằng: do đổi tên từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước và dữ liệu tích hợp trong thẻ không chỉ bao gồm những thông tin về nhân dạng, nên đề xuất đổi Thẻ Căn cước công dân thành Thẻ Căn cước. ĐB Hạnh cho rằng lý do này chưa thuyết phục.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM nêu: Năm 1976, theo Quyết định 143 của Hội đồng Bộ trưởng thì công dân Việt Nam được cấp Thẻ Căn cước. Năm 1999, theo Nghị định 05, Thẻ Căn cước đổi thành Chứng minh nhân dân. Năm 2016, theo Luật Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân lại đổi thành Thẻ Căn cước công dân. Năm 2021, theo Thông tư 06 của Bộ Công an Thẻ Căn cước công dân lại đổi sang Thẻ Căn cước công dân gắn chip.
Nếu dự Luật này được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1-7-2024 thì Thẻ Căn cước công dân tiếp tục đổi thành Thẻ Căn cước.
“Như vậy trong vòng 8 năm, chúng ta có 3 lần đổi Thẻ Căn cước công dân. Mặc dù trong tất cả các văn bản trên đều có quy định thẻ đã cấp vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ; người dân đổi sang thẻ mới khi có yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế, để đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu, các địa phương đã huy động lực lượng nhân sự đáng kể cho công tác tuyên truyền, vận động và đổi Thẻ Căn cước công dân”, ĐB Hạnh nêu.
Mặt khác, vẫn theo ĐB Hạnh, việc thay đổi Thẻ Căn cước công dân nhiều lần trong thời gian ngắn vừa qua, mặc dù được cơ quan soạn thảo đánh giá là không tốn kém về chi phí xã hội, nhưng tạo dư luận xã hội không tốt về công tác xây dựng pháp luật và quản lý.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM nhận xét: theo dự thảo, Thẻ Căn cước chỉ cấp cho công dân Việt Nam và Giấy chứng nhận Căn cước cấp cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, nên việc giữ lại tên Thẻ Căn cước công dân hoàn toàn không ảnh hưởng gì việc đổi tên từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước.
“Đây là vấn đề có tác động xã hội lớn, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc đổi tên từ Thẻ Căn cước công dân sang Thẻ Căn cước”, ĐB Hạnh nói.
Chưa có chữ nào là Luật Căn cước
Tranh luận với một số ĐB, ĐB Trần Công Phàn (Bình Dương) nói: “Chúng ta vẫn đang bàn sửa đổi dự thảo Luật Căn cước công dân, chưa có chữ nào là Luật Căn cước, Thẻ Căn cước cả. Nay mai Quốc hội thông qua luật thì mới là Thẻ Căn cước”.
Ông Phàn cho rằn: Không thể thay đổi tên gọi Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước để mở rộng phạm vi điều chỉnh, hướng tới đối tượng là 31.000 người gốc Việt Nam đang sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định quốc tịch. “Hiến pháp 2013 quy định công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Chúng ta cấp Thẻ Căn cước công dân để thể hiện đây là công dân Việt Nam”, ĐB Phàn nêu và đề nghị nếu cần thì phải dành một loại thẻ khác cho 31.000 người này.
Đồng tình, ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng: đối tượng những người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa có quốc tịch thì không phải là công dân Việt Nam, do vậy có thể tính toán để cấp loại giấy tờ khác để quản lý chứ không nhất thiết là thẻ căn cước.
Ông Hoàng Anh cũng không đồng tình với một số lập luận cho rằng, việc đổi tên Thẻ Căn cước công dân thành Thẻ Căn cước để cấp cho những người đang chịu án phạt tù vì những người này chỉ mất một số quyền cơ bản của công dân nhưng vẫn là công dân Việt Nam.
"Không lẽ họ đang chịu án phạt tù thì họ là công dân Mỹ, Pháp hay Canada?", ông Lê Hoàng Anh nêu, đồng thời đề nghị không nên đổi tên dự án luật này từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước.
|
NHÓM PHÓNG VIÊN
Pháp luật TPHCM
|