TP.HCM ưu tiên bố trí vốn chuẩn bị đầu tư kêu gọi các dự án PPP
Theo Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn giai đoạn 2020-2030, Thành phố Hồ Chí Minh cần kinh phí khoảng 970.654 tỷ đồng để đầu tư các dự án.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường ký ban hành kế hoạch năm 2023 thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030; trong đó, ưu tiên bố trí vốn chuẩn bị đầu tư các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị khẩn trương tham mưu, trình Ủy ban Nhân dân Thành phố, ưu tiên nguồn vốn đầu tư các dự án công trình giao thông trọng điểm, cấp bách và bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 sau khi Chính phủ phê duyệt tăng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của thành phố; ưu tiên bố trí vốn chuẩn bị đầu tư các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, kết nối vùng, các tuyến giao thông trục chính, khu vực cảng biển.
Cùng với đó, các sở ngành xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, khả thi để huy động các nguồn vốn như ODA, PPP, trái phiếu địa phương, khai thác quỹ đất, xúc tiến kêu gọi đầu tư... để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng giao các sở ngành tham mưu thực hiện các kết luận của thanh tra, kiểm toán, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đưa vào khai thác hiệu quả.
“Khẩn trương hoàn thành điều chỉnh dự án đầu tư, rà soát bổ sung quỹ đất thanh toán hoàn vốn cho nhà đầu tư thực hiện các dự án BT, thực hiện các thủ tục thanh quyết toán đối với các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT để thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng đã ký, hạn chế tăng chi phí đầu tư xây dựng và phát sinh lãi vay trong quá trình thực hiện,” Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý.
Cùng với các vấn đề trên, lãnh đạo thành phố giao Sở Quy hoạch Kiến trúc khẩn trương nghiên cứu về quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng TOD, cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060 để phục vụ khai thác quỹ đất khu vực xung quanh các nhà ga đường sắt đô thị và vùng phụ cận các tuyến vành đai, cao tốc.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn để rút ngắn thời gian thực hiện này. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông chủ động, tích cực phối hợp với các quận huyện và thành phố Thủ Đức trong giải phóng mặt bằng; xây dựng kế hoạch chi tiết, có giải pháp đảm bảo tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, quản lý chất lượng công trình...
Sở Nội vụ có nhiệm vụ xem xét nội dung kiến nghị của Sở Giao thông Vận tải liên quan đến việc đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ của Ban Giao thông để kiện toàn hoặc có phương án sắp xếp phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và thời gian tới (sẽ ưu tiên tập trung nhiều dự án có quy mô lớn).
Theo Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030, thành phố cần kinh phí khoảng 970.654 tỷ đồng để đầu tư các dự án. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 399.729 tỷ đồng, nguồn vốn khác (ODA, PPP...) khoảng 570.925 tỷ đồng./.
Tiến Lực
Vietnam+
|