GDT - Sóng gió sắp trôi qua? (Kỳ 1)
Xuất khẩu ngành gỗ nửa đầu năm 2023 của Việt Nam đón nhận những tín hiệu không mấy lạc quan khi các thị trường xuất khẩu chính đều đang chững lại. CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (HOSE: GDT) cũng chịu những ảnh hưởng nhất định khi phần lớn cơ cấu doanh thu thuộc về xuất khẩu. Tuy nhiên, GDT vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư khi sở hữu biên lợi nhuận gộp cao nhất ngành cùng mức chi trả cổ tức cao qua các năm.
Ngành gỗ đón nhận những tín hiệu không mấy lạc quan nửa đầu năm 2023
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) trong tháng 4 năm 2023 ước đạt 1.05 tỷ USD, giảm 34.6% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.9 tỷ USD, giảm 31.3% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh là do giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp ngành gỗ.
Bên cạnh đó, yếu tố lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU. Hiện tại, chưa có tín hiệu ngành sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam theo tháng từ năm 2018-T4/2023. ĐVT: triệu USD
Nguồn: Bộ Công Thương
Trong quá khứ, kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam đều ghi nhận sự tăng trưởng qua các năm bất chấp tình hình dịch bệnh trong năm 2020-2021. Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) từ năm 2009-2022 gần 15%, ngành gỗ vẫn được kỳ vọng là khoản đầu tư sinh lợi vượt lạm phát trong tương lai.
Kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam giai đoạn 2009-2022. ĐVT: tỷ USD
Nguồn: Bộ Công Thương
Hoa Kỳ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất về xuất khẩu G&SPG của Việt Nam, với hơn 54% lượng hàng hóa chảy vào thị trường Mỹ trong năm 2022. Dư địa đối với mặt hàng G&SPG, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ vẫn còn rất lớn tại thị trường này. Với quy mô dân số hơn 333 triệu người cùng sức mua lớn, đây vẫn sẽ là thị trường giàu tiềm năng khai thác của Việt Nam sau giai đoạn khủng hoảng hiện tại.
Thị phần xuất khẩu G&SPG của Việt Nam trong năm 2022
Nguồn: Bộ Công Thương
Giới phân tích nhận định triển vọng ngành gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 vẫn kém khả quan do nhu cầu yếu ở cả thị trường Mỹ và EU. Tuy nhiên, các công ty ngành gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi vào năm 2024 nhờ lãi suất cho vay mua nhà hạ nhiệt và nguồn cung nhà tại Mỹ được cải thiện.
Trong năm 2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp gỗ nhìn chung có sự chênh lệch khá lớn giữa ACG và phần còn lại, PTB đứng thứ 2 về doanh thu. Trong khi đó, GDT tuy là doanh nghiệp có mức vốn hóa nhỏ nhưng có biên lợi nhuận gộp khác biệt so với các công ty cùng ngành.
Đồ thị so sánh các doanh nghiệp gỗ tại Việt Nam năm 2022
Nguồn: VietstockFinance
Chú thích: Kích thước quả bóng được đại diện cho mức vốn hóa thị trường (Market Cap) của doanh nghiệp.
Tình hình sản xuất kinh doanh GDT có thể còn gặp khó khăn trong năm 2023
Chi phí gỗ chiếm 33-35% trong giá vốn cấu thành sản phẩm của GDT do đó biến động gỗ đầu vào có thể gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguyên liệu đầu vào phần lớn của GDT là gỗ cao su và gỗ tràm. Gỗ cao su được thu mua từ nội địa, nông trường cao su mà trong đó có tập đoàn Công ty cao su Việt Nam (VRG) là nhà cung cấp.
Sản phẩm chủ lực hiện tại của GDT vẫn là mặt hàng nhà bếp. Tuy nhiên, tỷ trọng của mặt hàng này đang giảm qua các năm và thay vào đó là hàng gia dụng. Sau khi hoàn tất mua lại nhà máy Đức Tâm, dự kiến trong thời gian tới GDT sẽ mở rộng thêm mặt hàng nội thất cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Doanh thu từ mảng này có thể chiếm từ 15-20% trong cơ cấu doanh thu của GDT.
Cơ cấu danh thu theo nhóm hàng
Nguồn: GDT
Tỷ trọng doanh thu chiếm hơn 80% là xuất khẩu. Trong đó, thị trường chủ yếu là Châu Á chiếm hơn 70% bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản. Thị trường Châu Âu cũng có sự mở rộng thuận lợi từ việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) mang lại.
Thị trường trong nước chiếm không quá 20% cơ cấu doanh thu mà chủ yếu tập trung vào thị trường miền Nam như Tp.Hồ Chí Minh (các nhà máy cũng đều đặt tại khu vực phía Nam). Dự kiến mảng nội thất từ nhà máy Đức Tâm sẽ làm tăng thị phần nội địa trong thời gian tới.
Cơ cấu doanh thu theo thị trường
Nguồn: GDT
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|