Thứ Sáu, 05/05/2023 11:05

FPT - Vẫn còn hợp lý để mua (Kỳ 1)

Ngành công nghiệp ICT của Việt Nam vẫn đang tăng trưởng mạnh trong bối cảnh quá trình chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. CTCP FPT (HOSE: FPT) đang là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành và thu hút được sự chú ý của cộng đồng đầu tư.

Doanh thu ngành công nghiệp ICT tăng trưởng tích cực

Doanh thu ngành công nghiệp ICT có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR - Compound Annual Growth Rate) của giai đoạn 2018 - 2022 ở mức gần 10%, công nghiệp ICT đã trở thành một trong những ngành có đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Điều này giúp Việt Nam chuyển mình thành một trong những quốc gia dẫn đầu sản xuất công nghệ phần cứng và điện tử - viễn thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông dự báo trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025, ngành ICT sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kép hai chữ số và đạt doanh thu từ mức 155 - 240 tỷ USD.

Số lượng doanh nghiệp trong ngành ICT cũng liên tục tăng trưởng qua các năm. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số doanh nghiệp trong năm 2022 đạt 67,239 doanh nghiệp, tăng 4.3% so với năm 2021.

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông

Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ảnh hưởng của dịch COVID-19, xu hướng tiêu dùng thay đổi đã tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng hơn; trong đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ được xem là xu hướng tất yếu.

Mặt khác, theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đạt kết quả trên trung bình so với các quốc gia tương đương trên phương diện công nghệ. Bốn phương diện chính sách đóng vai trò thiết yếu nhằm tạo điều kiện phát triển dịch vụ nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trong đó, phương diện về công nghệ trên mức trung bình so với các quốc gia khác nhưng đạt điểm thấp hơn trung bình trong ba phương diện còn lại, gồm: đào tạo, thương mại và mục tiêu lan tỏa.

Sự phát triển của công nghệ làm giảm nhu cầu về khoảng cách giữa bên cung cấp và người tiêu dùng, rào cản thấp về thương mại và đầu tư để nâng cao khả năng thương mại và mở rộng thương mại có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam cơ hội mở rộng quy mô. Mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ số, đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động và cán bộ quản lý cũng là điều kiện cần để hiện thực hóa tiềm năng đổi mới sáng tạo có thể đem lại qua công nghệ thông tin, truyền thông và những tài sản vô hình liên quan. Nhận thức được tiềm năng kết nối với các ngành, lĩnh vực khác và đặt mục tiêu phát triển các dịch vụ bổ trợ có thể là cách để tối đa hóa hiệu ứng lan tỏa.

So sánh đối chiếu Việt Nam với các quốc gia khác theo 04 phương diện (4T)

Nguồn: World Bank

Chú thích:

Chỉ số về đào tạo kết hợp các chỉ tiêu về năng lực của người lao động và doanh nghiệp, bao gồm tỷ lệ nhập học sau phổ thông, kỹ năng số và thông lệ quản trị trong doanh nghiệp.

Chỉ số về công nghệ bao gồm mức độ sử dụng internet trong dân số và sử dụng thư điện tử trong các doanh nghiệp.

Chỉ số về thương mại và đầu tư kết hợp các chỉ tiêu của chỉ số hạn chế thương mại dịch vụ (STRI), mức độ thuận lợi trong kinh doanh, hạn chế về lưu chuyển dữ liệu qua biên giới.

Chỉ số về mục tiêu kết hợp giữa tỷ lệ kết nối hạ nguồn đối với đầu ra của các dịch vụ CNTT&TT/hành nghề chuyên nghiệp/tài chính, nhân với tỷ trọng việc làm trong các dịch vụ đó trên tổng việc làm, và tỷ trọng kết nối hạ nguồn đối với đầu ra của các dịch vụ bán buôn/bán lẻ/vận tải, nhân với tỷ trọng sản lượng chế tạo chế biến trong GDP.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 411/QĐ-TTG phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó nêu rõ định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, phấn đấu từng bước làm chủ công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới, hợp tác nhưng không phụ thuộc vào các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt trên 50%, tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

Năng lực đổi mới sáng tạo và an toàn thông tin của các quốc gia ASEAN

Nguồn: WIPO và ITU

Kết quả kinh doanh duy trì sự tăng trưởng ổn định

FPT liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Kết thúc năm 2022, FPT ghi nhận doanh thu 44.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 7.654 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,4% và 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 104% mục tiêu doanh thu và 100% lợi nhuận được thông qua tại Đại hội đồng Cổ đông 2022. Trong đó, công nghệ vẫn là mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp khi luôn chiếm tỷ trọng lớn trong những năm gần đây (>50%).

Thêm vào đó, Việt Nam đang là “điểm sáng” trên thế giới khi là nước kiểm soát vĩ mô ổn định bất chấp lạm phát bao trùm các nền kinh tế lớn; tiền đồng, tỷ giá không biến động nhiều dù USD neo ở mức cao. Với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, người viết nhận định kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ duy trì tăng trưởng ổn định.

Nguồn: VietstockFinanceFPT

Hiệu quả sinh lời cao và rủi ro tài chính ở mức thấp

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROEA) của FPT luôn giữ ở mức cao, đạt mức 21.70% trong năm 2021 và 22.71% năm 2022. Người viết dự đoán tỷ suất sinh lời ROEA của doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2023.

Nguồn: VietstockFinance

Theo mô hình đánh giá rủi ro của Standard & Poor's (S&P), sức khỏe tài chính của FPT đang rất tốt. Các chỉ số FFO/Debt, Debt/EBITDA và Debt/Capital đều ở mức khá lý tưởng và liên tục được cải thiện qua các năm (năm T = 2022). Nhà đầu tư có thể hoàn toàn yên tâm về tình hình tài chính của doanh nghiệp trong những năm tới.

Nguồn: VietstockFinance

Đón đọc:

FPT - Vẫn còn hợp lý để mua (Kỳ 2)

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI

Các tin tức khác

>   KDH - Điểm sáng trong bức tranh ảm đạm? (Kỳ 1) (12/04/2023)

>   VCS - Triển vọng tăng trưởng vẫn tích cực trong dài hạn (19/04/2023)

>   DPM - Cổ phiếu phòng thủ lý tưởng (04/04/2023)

>   KDH - Đáy tiếp theo ở đâu? (Kỳ 2) (18/04/2023)

>   BMP - Thích hợp cho đầu tư dài hạn (22/03/2023)

>   POW - Tiếp tục mua nếu giá còn nằm dưới mức 13,300 đồng (21/03/2023)

>   PLC - Doanh nghiệp lớn nhưng chưa hấp dẫn (16/03/2023)

>   VHC - Mua khi giá xuống dưới mức 50,600 đồng (14/03/2023)

>   SBT - Khả năng tăng trưởng vẫn còn (02/03/2023)

>   Góc nhìn đầu tư 2023: Nhiệt điện khí nhiều tiềm năng hơn so với điện than và thủy điện (13/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật