Trái phiếu doanh nghiệp: Cần một chút kiên nhẫn
Trong bối cảnh hiện nay, trái chủ là những nhà đầu tư nóng ruột nhất, nhưng điều họ có thể và nên làm lúc này là kiên nhẫn cho thêm thời gian để các tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình.
Ngành bất động sản hiện chiếm 59% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, trong đó lượng trái phiếu đến hạn thanh toán năm 2023 khoảng 130,000 tỷ đồng và 2024 khoảng 120,000 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm, nhiều lô trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản đã đến hạn. Nhiều tổ chức phát hành đã thông báo hoàn tất thanh toán đủ lãi lẫn gốc nhưng cũng không ít cái tên chậm trễ nghĩa vụ thanh toán.
Trước áp lực này, bên cạnh tập trung tái cấu trúc, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đề xuất phương án xử lý trái phiếu đến hạn như chuyển đổi gốc, lãi trái phiếu đang sở hữu sang đặt mua các bất động sản do công ty đầu tư và phát triển, gia hạn lô trái phiếu… Đây cũng được xem là khoảng thời gian để các doanh nghiệp thương lượng, làm việc với các bên liên quan cân đối dòng tiền và có thanh khoản ổn định. Trong bối cảnh dòng tiền và thanh khoản khó khăn, các đề xuất này là những giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho trái chủ.
Dù vậy, có nhiều trái chủ không đồng ý các phương án mà tổ chức phát hành đã đưa ra ở trên. Không ít trong số này là những nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu có tài sản bảo đảm là cổ phiếu cũng đang cân nhắc việc bán cổ phiếu của tổ chức phát hành để thu hồi bớt một phần vốn.
Tuy nhiên, cần cân nhắc thiệt hơn khi thực hiện điều này.
Đầu tiên, đối với các tổ chức phát hành có tài sản đảm bảo là cổ phiếu, tổng giá trị tài sản bảo đảm đang bị ảnh hưởng lớn khi giá cổ phiếu nhìn chung đang ở mặt bằng rất thấp (mức đáy trong 5 năm qua). Bán ra ở thời điểm này, chắc chắn số tiền thu về không đủ để thanh toán nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành. Hơn nữa, hành động bán bằng mọi giá khiến thị trường lặp lại tình cảnh bán tháo trên thị trường chứng khoán như vừa trải qua ở những tháng cuối năm 2022.
Tiếp theo đó là trường hợp bán tháo cổ phiếu nhưng số tiền thu được khi xử lý tài sản bảo đảm vẫn không đủ để thanh toán nghĩa vụ của tổ chức phát hành theo trái phiếu, phần nghĩa vụ còn lại chưa thanh toán sẽ có thứ tự thanh toán ngang bằng với các nghĩa vụ chung, không phải là nợ thứ cấp và không có bảo đảm hiện tại hoặc tương lai khác của doanh nghiệp đã phát hành. Nghĩa là, cơ hội thu hồi vốn và đảm bảo đòi nợ (trong trường hợp trả nợ theo thứ tự khi doanh nghiệp phá sản), sẽ rất hẹp.
Nói như vậy để thấy, lựa chọn bán tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu trong bối cảnh hiện nay không phải là phương án tốt nhất. Thay vào đó, điều mà tổ chức phát hành cần là trái chủ cho họ thêm thời gian để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, từ đó tạo ra dòng tiền thanh toán nghĩa vụ nợ.
Việc cho các doanh nghiệp thời gian để phục hồi hoạt động kinh doanh là có cơ sở, nhất là sau hội nghị “giải cứu bất động sản” ngày 17/02 đã tìm ra hướng giải quyết căn cơ: gói tín dụng 120,000 tỷ đồng dành cho dự án nhà ở xã hội và tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính đối với các dự án có đủ điều kiện để xem xét, không có biểu hiện đầu cơ.
Cần nói thêm rằng, các tổ chức phát hành mất khả năng trả nợ cho trái chủ đang rất nỗ lực trong việc tìm kiếm các giải pháp để tháo gỡ áp lực dòng tiền. Nhưng một giải pháp “giải cứu” cùng nhau: từ cơ quan quản lý (tháo gỡ thủ tục pháp lý), các tổ chức phát hành (lên phương án trả nợ như hoán đổi nợ hay đổi nợ thành sản phẩm bất động sản) và chính những nhà đầu tư (kiên nhẫn) có thể là giải pháp căn cơ nhất vào thời điểm này để bước qua đoạn đường chông gai nhất.
Điều các doanh nghiệp đang rất mong chờ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP, do Bộ Tài chính trình duyệt sửa đổi, sớm được ban hành để giải quyết phần nào khó khăn trước mắt, khi nhiều doanh nghiệp đầu ngành đang đối mặt với việc thanh toán trái phiếu sắp đến hạn.
Theo Bộ Tài chính, các quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP là đúng đắn, sẽ sửa đổi trên tinh thần giãn thời gian áp dụng một số quy định để hỗ trợ cả bên cung và bên cầu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Thời điểm hiện tại, trái phiếu đến kỳ tất toán, bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải trả cả tiền gốc và lãi cho các nhà đầu tư. Trong khi đó, trước hiệu ứng sụt giảm lòng tin của thị trường, doanh nghiệp lại không được phát hành trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ, đảo nợ. Trước thế “khó chồng khó”, các doanh nghiệp bất động sản đang gặp áp lực về dòng tiền rất lớn.
|
Thiên Mục
FILI
|