Thứ Bảy, 04/03/2023 10:00

Dòng trái phiếu khủng của 3 doanh nghiệp golf

3 doanh nghiệp là chủ đầu tư của 3 dự án sân golf phía Bắc liên tục mua lại trái phiếu trước hạn. Dù là các pháp nhân độc lập, những doanh nghiệp này có nhiều mối liên hệ với nhau.

CTCP Đầu tư Dịch vụ Vui chơi Giải trí Thể thao Hà Nội (HSIC) và trái chủ

HSIC thông báo kết quả mua lại lô trái phiếu 1,300 tỷ đồng với giá trị lần lượt là 225 và gần 239 tỷ đồng vào tháng 1 và 2/2023. Trước đó tháng 11 và 12/2022, HSIC cũng đã mua lại trước hạn lần lượt gần 91 tỷ và 113 tỷ đồng lô trái phiếu này. Qua 4 lần, Công ty đã mua lại tổng cộng gần 633 tỷ đồng, giá trị còn lại là hơn 667 tỷ đồng.

Đây là trái phiếu kỳ hạn 5 năm, phát hành vào ngày 12/06/2019 và đáo hạn vào 12/06/2024, lãi suất 10%/năm. Tài sản bảo đảm là dự án khu du lịch văn hóa Sóc Sơn Khu III - Khu vực công cộng và làng du lịch tại xã Phù Linh.

Được biết, số trái phiếu được Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Cường (gọi tắt là Công ty Phú Cường) mua toàn bộ; tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, quản lý trái phiếu là CTCP Chứng khoán ASEAN.

HSIC là chủ đầu tư của dự án Khu III - Khu công cộng và làng du lịch tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội với diện tích 31.52ha. Dự án có phía Đông Bắc giáp dự án xây dựng khu II (sân golf quốc tế Sóc Sơn và khu biệt thự cao cấp cho thuê) và khu vực đất quốc phòng; phía Đông Nam giáp đất canh tác, một phần giáp khu dân cư xã Phù Linh; phía Tây Nam giáp dự án xây dựng khu I (khu dịch vụ công cộng, cụm biệt thự  hồ Đồng Đẽn); phía Tây Bắc giáp khu đất Học viện Phật giáo Việt Nam.

HSIC  thành lập năm 2008, hiện có vốn điều lệ đăng ký 1,000 tỷ đồng và do ông Lê Quảng Ba làm Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Có thời gian, Công ty do bà Nguyễn Hồng Hải làm Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật. Bà Hải hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán ASEAN và Giám đốc tài chính kế toán CTCP Tập đoàn BRG (BRG).

Thông tin về trái chủ, Công ty Phú Cường thành lập năm 2008, vốn điều lệ 2,560 tỷ đồng; trong đó, các cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam sở hữu 14.4%, CTCP Dịch vụ và Kinh doanh Bất động sản Hà Nội 38.91%, CTCP Thương mại và Du lịch Ngân Anh 46.69%. Sau đó, Công ty Ngân Anh đã chuyển toàn bộ vốn của mình cho Công ty BĐS Hà Nội nắm giữ. Tháng 12/2020, Công ty Motor N.A Việt Nam chuyển toàn bộ cổ phần cho CTCP Tư vấn và Đầu tư Bình Sơn nắm; đồng thời, bà Đào Thị Ngọc Hà (sinh năm 1981) làm Giám đốc.

Đến tháng 3/2022, dù vốn điều lệ không đổi, cơ cấu cổ đông của Công ty Phú Cường xuất hiện thêm nhiều tổ chức khác như Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Thành Đạt nắm 6.23%, Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Tất Thành 27.24%, Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Bình An 27.24%, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Tài Phát 26.45%, Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Bảo An 8.17%, còn BĐS Hà Nội giảm sở hữu xuống 4.467%. Bà Nguyễn Thị Vĩnh Trà (sinh năm 1982) làm Giám đốc.

Đến nay, chỉ còn 3 cổ đông nắm vốn Phú Cường gồm CTCP Đầu tư Dịch vụ Du lịch Đại An 46.3%, Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Tất Thành 27.24%, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Tài Phát 26.45%. Ông Trần Quang Huy (sinh năm 1992) làm Giám đốc và đại diện pháp luật.

Được biết, năm 2017, Đầu tư Dịch vụ Du lịch Đại An nhận chuyển nhượng gần 97.73% vốn CTCP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương - chủ đầu tư của dự án khách sạn Sheraton Danang Resort (còn được biết đến là dự án khách sạn biển Đông Phương) - từ VietNam Property Limited.

CTCP Du lịch Thung lũng Nữ Hoàng (QVCC)

Giai đoạn từ tháng 6/2022 đến ngày 19/01/2022, QVCC mua lại trước hạn 3 lô trái phiếu phát hành năm 2018 và 2019.

Trong đó, lô QVCBOND.2018 có giá trị phát hành 1,000 tỷ đồng (kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 09/04/2023), được mua lại trước hạn khoảng 268 tỷ đồng; lô QVCBOND.2019-1 có giá trị phát hành 1,500 tỷ đồng (kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 06/06/2024), mua lại trước hạn 516 tỷ đồng; lô QVCBOND.2019-2 có giá trị phát hành 1,500 tỷ đồng (kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 30/10/2024), mua lại trước hạn 950 tỷ đồng. Như vậy, số dư trái phiếu còn 2,266 tỷ đồng.

QVCC là chủ đầu tư của dự án sân golf Thung lũng Nữ Hoàng tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình - một trong những dự án chậm tiến độ nhiều năm của địa phương. Quy mô dự án gồm sân golf quốc tế 36 lỗ và khu dịch vụ phụ trợ với tổng diện tích 172.51ha, vốn đầu tư 2,295 tỷ đồng.

QVCC thành lập năm 2003, trụ sở tại tỉnh Hòa Bình, với 12 cổ đông sáng lập đều đến từ Hà Nội gồm CTCP Bạch Đằng, Công ty Phú Cường, Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng và Thương mại Cường Phát, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sản xuất An Lộc, ông/bà Đặng Ân, Nguyễn Văn Vẻ, Đỗ Thế Khôi, Mai Kim Hoàng, Nguyễn Tiến Triển, Đỗ Anh Quân, Đỗ Thế Trung và Đỗ Hồng Khanh. Sau đó, chỉ còn Công ty Bạch Đằng nắm vốn với tỷ lệ rất ít 0.2%, các cổ đông còn lại đều đã chuyển nhượng toàn bộ. Hiện QCVV có vốn điều lệ 1,000 tỷ đồng và do ông Phạm Trường Thăng làm Chủ tịch HĐQT.

Đáng chú ý, tại QVCC vào năm 2015, ông Cao Văn Loan làm Giám đốc và đại diện pháp luật. Ông Loan cũng đảm nhận chức vụ tương tự tại HISC giai đoạn 2018 - 2021.

CTCP Phát triển Golf Thiên Đường (PGCC)

PGCC có 3 đợt mua lại trái phiếu từ tháng 11/2022 đến nay với tổng giá trị mua lại hơn 1,540 tỷ đồng trong số 2,681 tỷ đồng trái phiếu mã PGCBOND.2020. Trái phiếu có kỳ hạn 10 năm, phát hành vào 02/01/2020 và đáo hạn vào 02/01/2030, lãi suất 11.5%/năm và thả nổi.

PGCC là chủ đầu tư của dự án sân golf 36 lỗ (186.1ha) và khu phụ trợ (hơn 5.3ha) tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; vốn đầu tư 3,230 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm.

PGCC thành lập vào năm 2016, trụ sở tại tỉnh Hà Nam với vốn điều lệ ban đầu 549 tỷ đồng, gồm các cổ đông sáng lập: Công ty Phú Cường góp 45%, CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Thành Công 29%, Công ty TNHH Đầu tư Dịch vụ Kim Ngân 26%. Ông Hoàng Minh Tân làm Giám đốc và đại diện pháp luật. Ông Tân cũng là người giữ chức vụ tương tự tại QVCC vào năm 2016 - 2019.

Năm 2018, bà Vũ Thị Phương Hoa giữ chức Chủ tịch HĐQT. Bà Hoa từng giữ chức Kế toán trưởng tại QVCC năm 2017.

Đến nay, PGCC đạt vốn điều lệ 1,000 tỷ đồng, do bà Vũ Thị Hay làm Chủ tịch HĐQT. Bà Hay cũng giữ chức Kế toán Trưởng QVCC vào năm 2019.

Số trái phiếu phát hành và mua lại của 3 công ty golf

Lợi nhuận chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng

Dù huy động hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu, các doanh nghiệp này trong nửa đầu năm 2020 chỉ tạo ra mức lợi nhuận vài trăm triệu đồng, cùng với đó là quy mô nợ tăng lên đáng kể.

Đối với HSIC, vốn chủ sở hữu cao nhất trong 3 doanh nghiệp, đạt gần 1,012 tỷ đồng tính đến giữa năm 2020. Nhờ vậy mà hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức thấp nhất 2.72.

QVCC có vốn chủ sở hữu đạt 495 tỷ đồng, song với việc huy động lượng lớn trái phiếu vào nửa đầu năm 2020 đã khiến hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tăng đáng kể, từ 4.74 vào đầu năm lên 8.54 vào giữa năm 2020.

Tương tự, vốn của PGCC chỉ ở mức 550 tỷ đồng nên số nợ trái phiếu khủng đã khiến hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tăng từ 1.58 lên gần 6.8.

Lợi nhuận sau thuế của HSIC, QVCC và PGCC trong nửa đầu năm 2020 tạo ra vô cùng thấp - chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu đều trên 1.

Lợi nhuận sau thuế của 3 doanh nghiệp golf

 

Thế chấp các dự án

Thời điểm cuối năm 2021, HSIC có khoản thế chấp là toàn bộ phần vốn góp 113.5 tỷ đồng, các khoản vốn được góp thêm vào Công ty TNHH Thung Lũng Vua tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, SSB) - chi nhánh Đại An.

Còn đối với PVCC, Công ty cũng mang thế chấp toàn bộ quyền phát sinh của dự án sân golf 36 lỗ và khu phụ trợ tại LienVietPostBank - Chi nhánh Thăng Long.

Công ty TNHH Thung Lũng Vua - chủ đầu tư sân golf Đồng Mô 36 lỗ (Sơn Tây, Hà Nội) là thành viên trực thuộc Tập đoàn BRG, nổi tiếng với thương vụ mua lại toàn bộ 34.3% vốn tại CTCP Intimex Việt Nam do SCIC thoái vốn vào năm 2015. Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch BRG, Phó Chủ tịch SeABank - từng có thời gian làm Tổng Giám đốc tại Thung Lũng Vua (2000 - 2013).

 Thu Minh

FILI

Các tin tức khác

>   TDG sẽ chào bán riêng lẻ 50 tỷ đồng trái phiếu (25/02/2023)

>   Novaland đã đạt thỏa thuận hoán đổi nợ với đối tác nước ngoài (25/02/2023)

>   Công ty con Sơn Kim Land huy động thành công 500 tỷ đồng trái phiếu dù vừa mua lại trước hạn lô trái phiếu tương tự (24/02/2023)

>   TTC Land (SCR) đã hết dư nợ trái phiếu (24/02/2023)

>   BAF ký kết hợp tác đầu tư cùng IFC, nhận gói tài trợ 900 tỷ đồng (24/02/2023)

>   Chuyên gia S&P Global: Đây chỉ mới là khởi đầu của các sự vụ trái phiếu ở Việt Nam (24/02/2023)

>   GEX tiếp tục mạnh tay mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu đáo hạn trong 2023 (24/02/2023)

>   Doanh nghiệp khất nợ tiền trái phiếu: Trách nhiệm Bộ Tài chính ra sao? (24/02/2023)

>   Doanh nghiệp độc nhất phát hành thành công trái phiếu trong tháng đầu năm là ai? (23/02/2023)

>   HNX công bố danh sách 54 doanh nghiệp từng chậm thanh toán lãi trái phiếu (23/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật