Thời hoàng kim của 'các đại gia' dầu khí sắp kết thúc?
Cả ExxonMobil, Chevron và Shell đều ghi nhận tình hình kinh doanh khả quan. Nhưng khoảng thời gian tốt đẹp đó của các công ty năng lượng có thể sẽ không kéo dài.
Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil tại Fawley, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Theo giới quan sát, đã nhiều năm trôi qua các công ty dầu khí lớn (Big Oil) mới ghi nhận tình hình kinh doanh khả quan như vậy.
Cả ExxonMobil, Chevron và Shell đều có kế hoạch “lướt” làn sóng thuận lợi này lâu nhất có thể.
Nhưng khoảng thời gian tốt đẹp đó của các công ty năng lượng có thể sẽ không kéo dài.
Để hiểu được tình hình thuận lợi cho các “đại gia” năng lượng ra sao, hãy nhìn vào kết quả kinh doanh của họ cho quý kết thúc vào tháng 6/2022.
Exxon đã kiếm được gần 17,9 tỷ USD lợi nhuận, gần gấp 4 lần số tiền kiếm được trong cùng kỳ năm 2021.
Chevron ghi nhận khoản lợi nhuận ấn tượng 11,6 tỷ USD, trong khi Shell kiếm được 11,5 tỷ USD vào cùng giai đoạn.
Giám đốc điều hành (CEO) của Shell, ông Ben van Beurden, nói với các nhà phân tích rằng không thể phủ nhận việc kết quả của quý II đã phản ánh rõ nét môi trường kinh tế vĩ mô.
Tương tự, CEO Darren Woods của Exxon nhận định kết quả mạnh mẽ của quý vừa qua phản ánh tình trạng thị trường toàn cầu bị thắt chặt, nơi nhu cầu đã phục hồi về mức gần như trước đại dịch.
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn do căng thẳng ở Ukraine đã góp phần làm tăng giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm tinh chế.
Nói cách khác, điều kiện thị trường là yếu tố chính giúp các công ty dầu mỏ lớn đạt lợi nhuận cao.
Exxon lưu ý rằng trong quý đầu tiên của năm 2022, giá dầu trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 22 USD/thùng.
Riêng trong quý 2, giá dầu đã tăng thêm tới 12 USD/thùng và đẩy loại dầu tiêu chuẩn của thế giới lên cao hơn một chút so với biên độ giao dịch của 10 năm qua.
Hoạt động lọc dầu cũng đã bùng nổ khi công suất vẫn còn hạn chế - một vấn đề xuất phát từ những nỗ lực tiết kiệm tiền mặt trong những ngày đầu của đại dịch.
Theo ông Woods, tỷ lệ đóng cửa các nhà máy lọc dầu trong năm 2020 cao gấp ba lần tỷ lệ được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Sang năm 2023, Exxon sẽ có thể sản xuất thêm 250.000 thùng dầu mỗi ngày sau khi mở rộng nhà máy lọc dầu ở Beaumont, Texas.
Các công ty dầu mỏ vẫn tự tin có khả năng làm “đẹp lòng” các cổ đông với những khoản thưởng ấn tượng.
Shell đã thông báo chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 6 tỷ USD trong quý tới, trong khi Chevron cho biết họ dự định mua lại tới 15 tỷ USD cổ phiếu hàng năm.
Nhưng giới quan sát tỏ ra thận trọng và cho rằng quý vừa qua có thể là đỉnh điểm cho hoạt động của các "đại gia" này.
Giá dầu đã giảm hơn 4% chỉ trong tháng Bảy do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục gia tăng, qua đó làm giảm dự báo về nhu cầu
Giá "vàng đen" càng chịu thêm sức ép khi Trung Quốc công bố số liệu cho thấy hoạt động chế tạo của nước này đã yếu đi. Điều này làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu năng lượng tương lai của thị trường nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới này.
Ngoài ra, nhu cầu đối với các nhà máy lọc dầu cũng có thể giảm trở lại khi các tài xế - những người đang lo lắng về lạm phát - tiêu thụ ít xăng hơn.
Trong tuần này, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ nhóm họp để quyết định chiến lược sản xuất cho tháng Chín.
Mỹ đã kêu gọi các quốc gia vùng Vịnh bao gồm cả Saudi Arabia tăng cường sản xuất dầu với hy vọng điều đó có thể khiến giá giảm hơn nữa. Nhưng không rõ liệu khối này có chấp nhận hay không.
Ông Haitham al-Ghais, tân Tổng thư ký OPEC, cho biết trong một cuộc phỏng vấn được đăng hôm 31/7 trên tờ Alrai của Kuwait rằng OPEC không kiểm soát giá dầu, nhưng khối đang thực hiện cái gọi là “điều chỉnh thị trường” về mặt cung và cầu.
Cũng theo ông, thị trường năng lượng hiện đang "rất bất ổn và hỗn loạn." Và đó không là tin tốt cho các đại gia ngành năng lượng khi họ mới nếm lại “trái ngọt” sau giai đoạn chật vật trước đó./.
H.Thủy
Vietnam+
|