Kinh tế Mỹ đã suy thoái hay chưa?
Trong bối cảnh sản lượng kinh tế Mỹ suy giảm, Fed nâng lãi suất và chứng khoán giảm mạnh, rủi ro suy thoái đang đeo bám tâm trí của các chuyên gia kinh tế lẫn lãnh đạo doanh nghiệp.
Nền kinh tế giảm trong hai quý liên tiếp trong năm nay và đáp ứng định nghĩa chung về suy thoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhiều lần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ và toàn cầu trong các năm 2022 và 2023, do lạm phát tăng cao và tác động từ cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ có thực sự suy thoái hay không và dựa vào những tiêu chí gì?
Suy thoái là gì?
Suy thoái không có một định nghĩa chính xác. Thay vào đó, nhiệm vụ xác định suy thoái được trao vào tay một hội đồng kín tiếng tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) – tổ chức học thuật phi lợi nhuận. Suy thoái kinh tế là “sự suy giảm đáng kể trong hoạt động của toàn nền kinh tế và không chỉ kéo dài một vài tháng,” NBER cho biết trên trang web của mình.
Ngay cả định nghĩa đó cũng lỏng lẻo vì đã có lúc NBER tuyên bố đợt giảm hồi đầu đại dịch Covid-19 (năm 2022) là một cuộc suy thoái mặc dù nó chỉ kéo dài vài tháng.
Thời điểm suy thoái được xác định bởi Ủy ban Xác định Chu kỳ kinh doanh của NBER, bao gồm 8 nhà kinh tế học tại các trường đại học trên khắp nước Mỹ. Họ không đưa ra đánh giá theo thời gian thực, nhưng thay vào đó rà soát dữ liệu để xác định thời điểm khi nào tăng trưởng và suy thoái bắt đầu cũng như kết thúc. NBER đã xác định 12 cuộc suy thoái kể từ năm 1948, hay cứ mỗi 6 năm xuất hiện 1 đợt suy thoái.
Tiêu chí nào để xác định suy thoái?
Ủy ban kiểm tra một loạt dữ liệu kinh tế bao gồm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), việc làm, thu nhập hộ gia đình, chi tiêu tiêu dùng và sản xuất công nghiệp. Ban hội thẩm xem xét những số liệu đó song song với nhau, Bob Hall của Đại học Stanford, Chủ tịch Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh doanh, cho biết.
Hầu hết các đợt suy thoái thường bao gồm sự sụt giảm mạnh về sản lượng và việc làm. Phần khó khăn là xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc và Ủy ban thực hiện nhiệm vụ này rất cẩn thận. Ủy ban phải cần chờ một khoảng thời gian để xác định ngày tháng suy thoái vì họ muốn tất cả dữ liệu có thể được thu thập và hoàn thiện.
Hai quý giảm GDP liên tiếp có phải là suy thoái?
Câu trả lời là không!
Đây chỉ là một quy tắc chung được nhiều nhà phân tích và bình luận trên toàn cầu sử dụng. Tuy nhiên, ở Mỹ, Ủy ban không quan tâm tới nguyên tắc này, ông Hall nói. Vị này nói thêm cuộc suy thoái do đại dịch gây ra chỉ kéo dài vài tháng nhưng chắc chắn đủ điều kiện để xem là một cuộc suy thoái vì mức độ nghiêm trọng của nó.
Ngoài ra, sự sụt giảm sản lượng nhẹ trong 6 tháng qua có thể không đủ để được xem là suy thoái vì Ủy ban cho rằng suy thoái cần phải có sự suy giảm "đáng kể" trong hoạt động kinh tế.
“Việc xem hai quý sản lượng giảm nhẹ là suy thoái thực sự không hợp lý”, ông Hall nói.
Khác biệt giữa suy thoái và khủng hoảng?
Một cuộc khủng hoảng là “một phiên bản nghiêm trọng hơn nhiều so với suy thoái”, Fed khu vực San Francisco cho biết. Trong suốt cuộc Đại Suy thoái 1929-1933, sản lượng kinh tế (có điều chỉnh lạm phát) giảm gần 30% và tỷ lệ thất nghiệp gần 25%, theo cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke. Tuy nhiên, NBER cho biết họ không phân biệt giữa suy thoái và khủng hoảng.
Liệu chứng khoán giảm mạnh có phải là tín hiệu suy thoái?
Không nhất thiết là vậy. Đợt giảm mạnh của thị trường chứng khoán thường trùng với giai đoạn suy thoái, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Chẳng hạn như năm 1987, thị trường chứng khoán sụp mạnh vào tháng 10, nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng đều đặn.
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FILI
|