GDP Mỹ giảm 0.9% trong quý 2, đánh dấu hai quý giảm liên tiếp
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục giảm trong quý 2, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp và là tín hiệu mạnh về suy thoái, Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) cho biết trong ngày 28/07.
Theo ước tính của BEA, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 0.9% trong quý 2/2022, trái ngược hơn dự báo tăng 0.3% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Trước đó, GDP Mỹ giảm 1.6% trong quý 1/2022.
Việc GDP giảm 2 quý liên tiếp đã đáp ứng định nghĩa suy thoái về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, với nhiều chuyên gia, đây có thể chưa phải là suy thoái cho tới khi Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) chính thức tuyên bố suy thoái.
“Chúng ta chưa suy thoái, nhưng rõ ràng kinh tế đang giảm tốc”, Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho hay.
Đà giảm đến từ hàng loạt yếu tố, bao gồm sự suy giảm của hàng tồn kho, đầu tư nhà ở và phi nhà ở, cũng như chi tiêu của Chính phủ ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương.
Chi tiêu tiêu dùng – được đo lường thông qua chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – tăng chỉ 1% trong quý 2/2022 khi lạm phát tăng mạnh. Chi tiêu cho dịch vụ được đẩy mạnh trong quý 2/2022, tăng 4.1%. Tuy nhiên, chi tiêu cho hàng tiêu dùng không lâu bền giảm 5.5% và hàng lâu bền giảm 2.6%.
Chi tiêu cho hàng tồn kho - từng là yếu tố thúc đẩy GDP trong năm 2021 - kéo giảm GDP quý 2/2022 khoảng 2 điểm phần trăm.
Lạm phát đang là cội nguồn của phần lớn rắc rối trong nền kinh tế. Chỉ số đo lường giá cả của các khoản mua trong nước tăng 8.2% trong quý 2/2022, cao hơn nhiều so với ước tính 7.5%.
Ở một diễn biến khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp trong cuộc chiến chống lạm phát.
Cụ thể, Fed nâng lãi suất cho vay qua đêm (Fed fund rate) lên 2.25%-2.5%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Việc nâng lãi suất 75 điểm trong 2 cuộc họp liên tiếp là động thái cứng rắn nhất của Fed kể từ khi họ bắt đầu sử dụng loại lãi suất này làm công cụ chính của chính sách tiền tệ hồi đầu thập niên 90.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cảnh báo “các chỉ báo gần đây về chi tiêu và sản xuất đã yếu đi”.
“Tuy nhiên, thị trường việc làm vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong vài tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn thấp”, FOMC nói thêm, sử dụng từ ngữ tương tự với tuyên bố tháng 6/2022. Các quan chức cho rằng lạm phát hiện tại xuất phát từ các vấn đề về chuỗi cung ứng, đà tăng của giá thực phẩm, năng lượng cùng với “áp lực giá cả chung”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|