Châu Á áp lực trước đợt tăng lãi suất mới của Mỹ
Đợt tăng lãi suất của Mỹ đang buộc các nước trong khu vực phải nhanh chóng siết chặt chính sách tiền tệ để tránh tác động tiêu cực.
Hôm 27-7 (giờ địa phương), đài CNN đưa tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức nâng lãi suất lên thêm 0,75%. Đây là đợt tăng thứ hai liên tiếp trong năm của cơ quan này nhằm đối phó tình trạng lạm phát tồi tệ nhất ở Mỹ trong nhiều năm qua.
“Các số liệu gần đây cho thấy tiêu dùng và sản xuất đang yếu đi. Lạm phát vẫn đang tăng tốc, phản ánh sự mất cân bằng cung - cầu do đại dịch, giá lương thực, nhiên liệu cao và nhiều sức ép giá trên diện rộng” - thông báo của Fed về quyết định trên nêu rõ. Hiện lãi suất tham chiếu tại Mỹ nằm trong khoảng 2,25%-2,5%, là mức cao nhất kể từ tháng 12-2018.
Hiện vẫn cần thời gian để đánh giá tác động và hiệu quả của đợt tăng lãi suất mới của Fed. Tuy nhiên, trong 11 chu kỳ thắt chặt trước, Fed chỉ giúp Mỹ tránh suy thoái được ba lần và cả ba lần đó lạm phát đều thấp hơn mức hiện tại.
|
Ở châu Á - Thái Bình Dương, việc Fed tăng lãi suất mạnh và liên tiếp được đánh giá là đang gây nhiều áp lực lên các ngân hàng trung ương tại đây, buộc các cơ quan này cân nhắc tăng tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ hoặc đối mặt nguy cơ dòng vốn tháo chạy và đồng nội tệ suy yếu hơn nữa, theo hãng tin Bloomberg.
Nhiều nước gặp rủi ro lớn với động thái của Fed
Bloomberg cho biết một phân tích mới đây của hãng về lãi suất chính sách của một số ngân hàng trung ương tại châu Á - Thái Bình Dương so với mức lãi suất trung bình năm năm qua cho thấy khu vực này rất dễ bị tổn thương bởi các quyết định siết chặt chính sách của Fed. Các phân tích khác về lãi suất đã điều chỉnh yếu tố lạm phát và chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ trong khu vực so với trái phiếu kho bạc Mỹ cũng chỉ ra kết quả tương tự.
Bảng thông tin cổ phiếu bên ngoài sàn giao dịch Tokyo ở Nhật ngày 26-7. Ảnh: THE JAPAN TIMES
|
Mức độ rủi ro tùy vào từng nước, trong đó đáng ngại nhất là Thái Lan - ngân hàng trung ương nước này vẫn đang giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục. Hàn Quốc và New Zealand, hai nước đã sớm tăng mạnh lãi suất ngay từ đầu, ít rủi ro hơn nhưng cũng không tránh được rắc rối. Gần đây, ngân hàng trung ương Singapore và ngân hàng trung ương Philippines đã tổ chức họp đột xuất và thông báo thắt chặt chính sách. Điều này cho thấy các ngân hàng trung ương ở châu Á đang nghiêng về điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách vội vã trong bối cảnh lạm phát gây ra những ảnh hưởng mạnh hơn dự kiến ban đầu.
Tác động cụ thể ra sao?
Với việc Fed tăng lãi suất thêm 0,75%, phần chênh lệch cao hơn giữa lãi suất cơ bản ở phần lớn các nước châu Á - Thái Bình Dương với lãi suất của Fed - được coi là vùng đệm an toàn về chính sách lãi suất cho các nền kinh tế này - sẽ giảm đi nhiều. Chẳng hạn, với trường hợp Indonesia, vùng đệm sẽ chỉ còn 1% - giảm khoảng năm lần so với mức trung bình năm năm gần nhất. Thái Lan cũng bị giảm mức độ tương tự. Điều này trước mắt dẫn tới sự thoái vốn ròng khỏi thị trường trái phiếu Thái Lan, Indonesia và Malaysia từ tháng 6 đến nay.
Các ngân hàng trung ương của Úc và Hàn Quốc, vốn đã nhanh chóng tăng lãi suất, có vùng đệm gần với mức trung bình năm năm. New Zealand là quốc gia duy nhất trong khu vực mà vùng đệm vẫn sẽ lớn hơn mức trung bình năm năm sau động thái tăng lãi suất của Fed.
Bên cạnh đó, sức hút của trái phiếu từ các nhà phát hành trong khu vực Đông Nam Á đang ở mức thấp, nếu xét đến chênh lệch lợi suất giữa các trái phiếu này với trái phiếu kho bạc Mỹ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Malaysia kỳ hạn 10 năm đang lệch chuẩn khá cao so với tiêu chuẩn là mức bình quân năm năm.
Chênh lệch so với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng đang giảm dần đối với trái phiếu Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia. Do đó, ngân hàng trung ương tại các nước này có thể cần phải đẩy nhanh thắt chặt để kéo lợi suất trái phiếu lên, ngăn dòng vốn chảy đi và giảm bớt áp lực lên tỉ giá đồng nội tệ.
Việc tăng lãi suất nhanh hơn ở Hàn Quốc, New Zealand và Úc đã hỗ trợ cho lợi suất trái phiếu của các nước này, giúp tạo ra chênh lệch lợi suất hấp dẫn hơn so với trái phiếu kho bạc Mỹ.
Các phân tích của Bloomberg không bao gồm Nhật Bản và Trung Quốc. Ngân hàng trung ương Nhật Bản đang giữ vững cam kết lãi suất âm và chính sách kiểm soát đường cong lợi suất. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc đang bơm mạnh thanh khoản để vực dậy nền kinh tế đang chịu tác động mạnh vì khủng hoảng địa ốc và tác dụng phụ của chiến lược chống dịch “zero COVID” (quét sạch F0 trong cộng đồng).•
Lạm phát chưa được kiểm soát ở châu Á - Thái Bình Dương
Theo Bloomberg, dù một số ngân hàng trung ương ở châu Á - Thái Bình Dương đã quyết liệt trong việc chặn trước sự leo thang của giá cả nhưng lãi suất cơ bản của các nước trong khu vực sau khi đã điều chỉnh lạm phát hằng tháng mới nhất vẫn thấp hơn mức trung bình của năm năm, thậm chí đang trong trạng thái âm ở nhiều nền kinh tế.
Hiện lạm phát đã đạt đỉnh 23 năm ở Hàn Quốc, 21 năm ở Úc, 14 năm ở Thái Lan và điều tồi tệ nhất có thể chưa xuất hiện khi giá hàng hóa công nghiệp tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa. Mặt khác, lạm phát ở Ấn Độ có thể bắt đầu dịu bớt bởi mùa mưa đang tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực nông nghiệp và giúp giảm áp lực tăng lãi suất cho ngân hàng trung ương.
|
VĨ CƯỜNG
Pháp luật TPHCM
|