Thứ Ba, 23/08/2022 08:24

Cổng đã mở, nhưng không phải ai cũng qua được

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã trở thành động lực, giúp thương mại quốc tế của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Thoạt nhìn thì đó là một thành công nhưng nhìn sâu hơn thì đây chủ yếu vẫn là sân chơi của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Sau năm tháng thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), xuất khẩu gạo sang thị trường các nước trong khối này sắp chạm mốc 1 tỉ đô la Mỹ. Ảnh minh họa: Trung Chánh.

Hiện thực hóa cơ hội

Sau khi có Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường đối tác thành viên đều tăng. Và, dù Mỹ trước đó đã rút ra khỏi hiệp định này, xuất khẩu vào Mỹ vẫn sáng cửa và tiếp tục là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam.

Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng vậy, chỉ sau hai năm kể từ khi hiệp định này có hiệu lực, Việt Nam đã thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN.

Tương tự, sau năm tháng thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), xuất khẩu gạo sang thị trường các nước trong khối này đã sắp chạm mốc 1 tỉ đô la trong tổng số 1,35 tỉ đô la xuất khẩu mặt hàng này ra khắp thế giới.

Cơ hội cơ bản mà các FTA mang lại cho Việt Nam là các ưu đãi thuế quan, tạo cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Việt Nam là đối tác đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với một số loại hàng nhạy cảm như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang… (thuế suất nhập khẩu những mặt hàng này vào Hàn Quốc rất cao, từ 241-420%).

Nhờ thị trường rộng mở, có đơn hàng lớn, nên Việt Nam đã định hình được ngày càng nhiều hơn những ngành công nghiệp có năng lực xuất khẩu với sản lượng lớn, đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các FTA còn góp phần đáng kể tạo ra làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam với ngày càng nhiều không chỉ những dự án có quy mô đầu tư lớn mà còn có chất lượng cao xét trên yếu tố công nghệ. Đây là yếu tố có thể có tác động tích cực trong tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam.

Cánh cửa đã mở, nhưng…

Cánh cửa thị trường thế giới đã rộng mở với Việt Nam, và ở chiều ngược lại cũng vậy. Tuy nhiên, bước được qua cánh cửa này để đưa hàng hóa ra thị trường thế giới thì không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng làm được.

Cho đến nay, khả năng tận dụng tốt nhất cơ hội từ các FTA hầu hết đều nằm trong tay các doanh nghiệp FDI. Con số về tỷ trọng xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước lên đến 70% là bằng chứng rõ nét.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI cũng luôn nhanh hơn doanh nghiệp nội địa, nên tỷ trọng xuất khẩu ngày càng lấn át khối nội địa. Tiếng là Việt Nam xuất siêu sáu năm liền (2016-2021) và đang đứng trước triển vọng sẽ nối dài sang năm thứ 7, song thực sự thặng dư là của doanh nghiệp FDI, còn các doanh nghiệp trong nước thì trượt dài dốc thâm hụt.

Khi những đầu đàn của công nghiệp một thời đang nằm chờ thanh lý hoặc “sơ tán” nhường đất vàng cho chung cư, thì đại đa số các doanh nghiệp còn lại chủ yếu là siêu nhỏ, nhỏ, không dễ gì bỏ đi dây chuyền, máy móc cọc cạch khuân về từ các nền công nghệ sao chép, bắt chước, thậm chí thải loại để thay ngay bằng dây chuyền thiết bị có công nghệ hiện đại. Cơ hội từ FTA để mở ra thị trường, từ đó tạo điều kiện để đầu tư nâng cấp công nghệ và năng lực sản xuất cứ dần trôi.

Từ sau khi có FTA với Hàn Quốc, xuất khẩu của Việt Nam tăng song nhập khẩu từ Hàn Quốc trội hơn nhiều. Với cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), làn sóng nhập siêu từ ASEAN vẫn ào ào, nhất là từ Thái Lan. Nhập siêu từ Trung Quốc thì vẫn luôn là đỉnh, nay lại thêm RCEP giúp cho hàng Trung Quốc thâm nhập vào ngày càng sâu hơn, từ lĩnh vực tiêu dùng cho tới nguyên liệu, vật tư và cả bán thành phẩm cho ngành công nghiệp.

Các FTA giúp cho cánh cửa thị trường ra nước ngoài rộng mở hơn cho Việt Nam. Nhưng có một thực tế đáng lo cho các doanh nghiệp, đó là các thị trường ta từng coi là dễ tính giờ không còn dễ nữa. Xu hướng dịch chuyển sang tiêu dùng xanh với các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn về lao động, môi trường… đang trở thành thách thức lớn. Giờ đây khách hàng của chúng ta không chỉ yêu cầu về giá cả, chất lượng mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất.

Thực tế trên cho thấy yêu cầu phải cơ cấu lại sản xuất, nâng cao năng lực của doanh nghiệp nội địa đang trở nên ngày càng cấp bách hơn. Bằng không, cho dù các FTA có giúp Việt Nam mở được cánh cổng thị trường thế giới, thì cũng chỉ các doanh nghiệp FDI mới đủ lực để bước qua cánh cổng đó mà thôi.

Nguyễn Duy Nghĩa

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (23/08/2022)

>   Bộ Công Thương xây dựng kịch bản tăng trưởng những tháng cuối năm (22/08/2022)

>   Phòng vệ thương mại, biến nguy cơ thành cơ hội (22/08/2022)

>   Bùng phát căn bệnh ''sợ làm sẽ sai'' (22/08/2022)

>   Samsung Việt Nam xuất khẩu 39 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm (22/08/2022)

>   Dư địa xuất khẩu sang EU còn nhiều nếu doanh nghiệp tận dụng tốt EVFTA (22/08/2022)

>   Hàng Việt của doanh nghiệp ngoại! (22/08/2022)

>   Lập kế hoạch đầu tư công năm 2023: Tránh đầu tư phân tán, dàn trải (22/08/2022)

>   Hơn 40 doanh nghiệp gỗ nếu bị áp thuế chống bán phá giá: Nguy cơ phá sản hàng loạt (22/08/2022)

>   Kiến nghị giảm thuế với ôtô dùng kết hợp xăng và điện (21/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật